Phác đồ cai nghiện thuốc lá
Hotline

Phác đồ cai nghiện thuốc lá

Công thức cai thuốc lá thành công đã được biết từ lâu là:
THÀNH CÔNG = HIỂU BIẾT + QUYẾT TÂM + HỖ TRỢ
Công thức thành công cai thuốc lá này nên được hiểu và vận dụng như thế nào trong công tác hỗ trợ cai nghiện thuốc lá?
 
I. THÀNH CÔNG:
1. Thành công cai thuốc lá được định nghĩa là: “Bỏ thuốc lá hoàn toàn trong thời gian ít nhất một năm”. Các nghiên cứu về hiệu quả cai nghiện thuốc lá đều dựa trên định nghĩa này để xác định hiệu quả của một phương pháp nào đó. Với định nghĩa này, tỷ lệ cai thuốc lá của các biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá sẽ làm thất vọng nhiều người. Thật vậy, tỷ lệ bỏ thuốc lá lần lượt là 5 - 10% cho tư vấn ngắn; 20 - 30% cho tư vấn tích cực có cung cấp các kỹ năng xứ trí tình huống; 35% cho tư vấn tích cực kết hợp nicotin thay thế; 30% cho bupropion đơn thuần, 35% cho bupropion kết hợp nicotin thay thế. Tất cả những tỷ lệ này đều thấp hơn 50% - một con số thấp rất xa các con số 90% - 95% trong các biện pháp can thiệp thử nghiệm thuốc kháng sinh chẳng hạn.
2. Tuy nhiên nếu nhìn thành công cai thuốc lá ở một góc cạnh khác, chúng ta - những người tham gia vào công tác phòng chống tác hại thuốc lá sẽ thấy an tâm hơn nhiều. Một biện pháp can thiệp hỗ trợ cai thuốc lá có thể chưa giúp người nghiện thuốc lá bỏ thuốc lá trong lần can thiệp nào đó nhưng chắc chắn người nghiện thuốc lá được hỗ trợ này sẽ có một sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ, hành vi của mình đối với việc hút thuốc lá. Người ta nói rằng người nghiện thuốc lá này đã tiến thêm một bước trong quá trình trưởng thành quyết tâm cai thuốc lá. So với người nghiện thuốc lá chưa được can thiệp, họ đã tiến gần hơn đến thành công cai thuốc lá thực sự. Như vậy nếu quan niệm cai thuốc lá là một quá trình gồm nhiều giai đoạn nối tiếp nhau để một người hút thuốc lá từ giai đoạn thờ ơ - nghĩa là không hề biết về tác hại thuốc lá đến thành công - bỏ thuốc lá liên tục hơn 1 năm, thì việc chuyển sang giai đoạn cao hơn của tiến trình này cũng đã là một “thành công” của biện pháp can thiệp cai thuốc lá.
3. Các giai đoạn trưởng thành quyết tâm cai thuốc lá minh hoạ bằng sơ đồ dưới đây:
 
Hinh 1
4. Tuy nhiên sơ đồ trên đây không phải là một vòng tròn khép kín mà là một vòng xoắn ốc. Ví dụ một người nghiện thuốc lá có thể cai thuốc lá - và tái nghiện nhiều lần nhưng tất cả những lần này đều khác nhau. Ở những lần sau, người cai nghiện đã có kinh nghiệm của những lần cai thuốc lá trước, họ biết vì sao tại nghiện, họ biết khi cai thuốc lá phải chịu những khó khăn gì, đâu là “cám dỗ” khiến họ hút trở lại. Căn cứ vào các kinh nghiệm đó, họ có thể lên kế hoạch phù hợp cho lần cai thuốc lá hiện tại để tránh tái nghiện như các lần trước. Như vậy, trong công tác cai nghiện thuốc lá không có “thất bại” mà chỉ có “chưa thành công”, và “thất bại” tạm thời là những bước cần thiết để có được “thành công vĩnh viễn” sau này.
II. HIỂU BIẾT:
1. Tác hại của thuốc lá trên sức khỏe là rất nghiêm trọng cho nên người nghiện thuốc lá nên bỏ thuốc. Thông điệp này đã được đề cập đến trong rất nhiều sách vở - báo chí, thế nhưng nhiều người nghiện thuốc lá, kể cả nhân viên y tế, dù biết rất rõ thông điệp này, vẫn tiếp tục hút thuốc lá. Vì sao vậy?
2. Thuốc lá có khả năng gây nghiện rất mạnh cho nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về nhiều mặt để có thể cai được thuốc lá thành công. Thực vậy thuốc lá có khả năng làm người hút dễ trở nên nghiện, thời gian trở nên nghiện thực thể rất ngắn, dễ trở nên nghiện nặng, và khi muốn cai nghiện thì đây là lọai nghiện khó cai nghiện.
a. So sánh khả năng gây nghiện của thuốc lá với các chất gây nghiện thông thường:
Ma túy có khả năng gây nghiện nặng đến khoảng 60% người tiếp xúc, trong khi đó khả năng gây nghiện nặng của thuốc lá chỉ là 20% số người tiếp xúc.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét đến tỷ lệ người sẽ không bị nghiện khi tiếp xúc với ma túy và với thuốc lá, chúng ta thấy hai tỷ lệ này là tương đương nhau khoảng 15%. Cũng như ma túy, rất ít người tiếp xúc thuốc lá mà tránh được trở nên nghiện.
Như vậy, cách cai nghiện ma túy tốt nhất là không tiếp xúc với ma tuý dù chỉ một lần. Cách cai nghiện thuốc lá tốt nhất vẫn là không bao giờ hút thuốc lá dù chỉ là một điếu.
b. Thời gian để một người hút thuốc lá trở nên nghiện là rất nhanh:
Sơ đồ dưới đây cho chúng ta khái niệm về khoảng thời gian từ khi người ta tập hút hơi thuốc lá đầu tiên đến khi trở nên nghiện thuốc lá thực sự.
Như vậy, từ lúc một người mới bắt đầu “tập hút” thuốc lá - lúc này thuốc lá có thể là rất đắng, rất khó chịu đến lúc người này xuất hiện cảm giác thèm thuốc không chịu được chỉ mất 4,5 tháng! Và cũng chỉ mất dưới 2 năm để người này buộc phải hút thuốc lá mỗi ngày !
c. Mức độ nghiện thuốc lá nặng hay nhẹ ít liên quan với thời gian và cường độ hút:
Biểu đồ sau đây cho thấy sự thay đổi mức độ nghiện rượu theo thời gian tiếp xúc:
Một người khi mới tiếp xúc với rượu một vài lần, khả năng trở nên nghiện nặng là rất thấp, trên 90% không nghiện. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc rượu càng lâu, số lượng càng nhiều khả năng trở nên nghiện nặng càng nhiều, gần 60% trở nên nghiện nặng khi tiếp xúc lâu dài với rượu.
Biểu đồ sau đây cho thấy sự thay đổi mức độ nghiện cần sa theo thời gian:
Một người khi mới tiếp xúc cần sa một vài lần, khả năng trở nên nghiện nặng là rất thấp, tương tự trường hợp rượu, trên 90% không nghiện. Khi tiếp xúc cần sa thời gian lâu dài, số lượng nhiều, khả năng nghiện cần sa nặng hơn là có nhưng thấp hơn trường hợp tiếp xúc với rượu, có khoảng 40% trở nên nghiện nặng.
Biểu đồ sau đây minh hoạ sự thay đổi mức độ nghiện thuốc lá theo thời gian:
Như vậy khác với trường hợp tiếp xúc với rượu và cần sa, ngay cả khi tiếp xúc thuốc lá ít về thời gian cũng như số lượng, khả năng nghiện nặng cũng đã cao khoảng 20%, chỉ 13% không nghiện mà thôi. Kéo dài thời gian tiếp xúc, tăng số lượng thuốc lá tiếp xúc, khả năng nghiện nặng hơn tăng lên nhưng không nhiều, cũng vào khoảng 20%, tuy nhiên số người sau thời gian tiếp xúc lâu dài thuốc lá vẫn không nghiện là rất thấp chỉ dưới 5%.
d. Tương tự nghiện ma túy - Nghiện thuốc lá là loại nghiện khó cai:
Sơ đồ dưới đây cho thấy mối liên quan giữa tỷ lệ người cai nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, cần sa thành công còn lại theo thời gian.
Như vậy, trong bốn chất gây nghiện là heroin, cần sa, rượu và thuốc lá, thì thuốc lá là thứ khó bỏ đứng hàng thứ hai chỉ sau heroin một chút với tỷ lệ bỏ thuốc lá thành công sau 12 tháng là 25%, so với heroin là 20%.
3. Nghiện thuốc lá không đơn thuần chỉ là nghiện thực thể vào chất nicotin có trong thuốc lá mà đây là một quá trình nghiện phối hợp giữa: nghiện thực thể + nghiện về mặt tâm lý + nghiện về mặt hành vi.
a. Nghiện thực thể là hiện cơ thể người hút thuốc lá đã quen với nồng độ ncotin cao trong máu. Khi nồng độ nicotin trong máu giảm xuống làm người nghiện có cảm giác thèm thuốc không chịu được sau đó là các triệu chứng của hội chứng cai nghiện: nóng giận, cáu gắt, mất tập trung, bồn chồn, mất ngủ v.v. người nghiện buộc lòng phải hút thuốc lá trở lại để tránh những triệu chứng khó chịu này. Nghiện thực thể là mục tiêu tác động của các biện pháp điều trị bằng thuốc như nicotin thay thế, bupropion hydrochloride, vareniciline. Các thuốc này sẽ giúp cơn thể giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của hội chứng cai thuốc.
b. Nghiện tâm lý là hiện tượng người nghiện thuốc lá xuất hiện một quan điểm cho răng thuốc lá sẽ giúp họ giải quyết được những tình huống căng thẳng. Mỗi khi gặp chuyện khó khăn, lo lắng, người nghiện thuốc lá sẽ hút thuốc lá để tìm lại sự an tâm, tìm một chỗ dựa về mặt tâm lý.
c. Nghiện về mặt hành vi là hiện tượng người nghiện thuốc lá hình thành một thói quen liên kết sự kiện hút thuốc lá với các sự kiện khác trong cuộc sống như là môt phản xạ có điều kiện. Ví dụ như hút thuốc lá sau khi uống cà phê, sau ăn cơm, khi gặp gỡ bạn bè v.v
Nếu thuốc cai nghiện sẽ tác động vào thành phần nghiện thực thể thì tư vấn sẽ tác động vào thành phần nghiện tâm lý, hành vi. Do nghiện thuốc lá luôn phối hợp cả ba thành phần nghiện ở các mức độ khác nhau vì vậy một chế độ điều trị cai nghiện thuốc lá phù hợp nhất vẫn là phồi hợp giữa biện pháp dùng thuốc và tư vấn ở một tỷ lệ tương ứng.
III. QUYẾT TÂM:
1. Chính là quyết tâm của người hút thuốc lá muốn từ bỏ chất gây nghiện độc hại này. Quyết tâm này rõ ràng xuất phát từ hiểu biết sâu sắc về tác hại của thuốc lá trên sức khỏe của bản thân và của cộng đồng. Tuy nhiên rất nhiều người hiểu sâu sắc tác hại của thuốc lá mà quyết tâm vẫn không thực cao. Như vậy hiểu biết tác hại thuốc lá chỉ là điều kiện cần nhưng chưa phải là điều kiện đủ để có một quyết tâm cao.
2. Quyết tâm như vậy được hình thành trong quá trình suy nghĩ lâu dài cân nhắc thiệt hơn giữa một bên là “tiếp tục hút thuốc lá” và bên kia là “ngưng hút thuốc lá”.
a. “Tiếp tục hút thuốc lá” đương nhiên sẽ có hại cho sức khỏe nhưng chúng ta cũng phải đồng ý với những người nghiện thuốc lá là hút thuốc lá cũng có một số “cái lợi” đấy chứ. Người hút thuốc lá cảm thấy thật sảng khoái khi hút một điếu thuốc. Anh ấy có thể tạm thời quên đi những lo âu phiền muộn trong cuộc sống, anh ấy có thể tập trung hơn để giải quyết công việc v.v. và còn nhiều nhiều cái lợi khác nữa mà bất kỳ người nghiện thuốc lá nào cũng có thể nói ra vanh vách. Như vậy, không phải họ không biết thuốc lá là có hại cho sức khỏe mà họ không quyết tâm mà bởi vì theo họ cân nhắc thì cái lợi trước mắt mà thuốc lá mang lại “nhiều hơn” so với cái hại sức khỏe sau này.
b. “Ngưng thuốc lá” đương nhiên là có lợi cho sức khỏe nhưng chúng ta phải đồng ý với những người nghiện thuốc lá là việc bỏ thuốc lá đối với họ là một mất mát. Có thể kể ra ở đây là mất mát “một người bạn đồng hành” chia sẻ với họ từng phút giây buồn chán và vui sướng; bất hạnh và hạnh phúc, mất mát “một phương tiện” giúp họ hăng hái hơn, hưng phấn hơn, dũng cảm hơn và v.v. Đó là chưa kể khi họ cai thuốc lá thì họ cảm thấy khó chịu như thế nào: cảm giác thèm thuốc “đốt cháy tâm can”, cảm giác kích thích bồn chồn như kiến bò trong bụng v.v. Như vậy, không phải vì người nghiện thuốc lá không biết rằng cai thuốc lá mang lại cho họ nhiều sức khỏe nên họ không quyết tâm cai thuốc lá mà bởi vì theo họ cái họ sẽ mất mát và chịu đựng trước mắt khi cai thuốc lá “lớn hơn” nhiều so với cái lợi sức khỏe sau này.
d. Như vậy, một người nghiện thuốc lá muốn có quyết tâm cai thuốc lá cao sẽ phải là người đã đấu tranh cân nhắc rất nhiều giữa “cái lợi và hại”, giữa “cái được và mất” khi tiếp tục hút cũng như khi ngưng hút thuốc. Chúng ta không nên chỉ khuyến khích người nghiện hút thuốc lá “quyết tâm lên” mà chúng ta phải giúp họ suy nghĩ cân nhắc nhiều hơn để có quyết tâm cao đó.
IV. HỖ TRỢ:
1. Hỗ trợ cai thuốc lá là gì:
a. Là những động thái thực hiện để giúp người nghiện thuốc lá bỏ thuốc. Lẽ dĩ nhiên mức độ hỗ trợ càng cao, càng chuyên nghiệp thì người nghiện hút thuốc lá càng có cơ hội cai thuốc lá được thành công hơn.
b. Vì là hỗ trợ nên các biện pháp này không thể nào thay thế được quyết tâm cai thuốc lá của người nghiện thuốc lá. Một số người nghiện thuốc lá tin tưởng rằng có một loại thuốc, một kỹ thuật thần kỳ nào đó có thể giúp họ từ một người hôm qua còn nghiện thuốc lá nặng hôm nay trở thành người không còn nghiện nữa - thậm chí chưa bao giờ hút thuốc lá. Đó là một tin tưởng hoàn toàn sai lầm. Và các biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá dù là biện pháp tốt nhất cũng không bao giờ là một “phép lạ” cả.
c. Tuy nhiên, nếu các biện pháp hỗ trợ không thể thay thế cho quyết tâm cai thuốc lá thì nó lại có thể làm quyết tâm này mạnh mẽ lên, duy trì được quyết tâm ở mức độ cao. Tuy rằng biện pháp hỗ trợ không thay thế cho hiểu biết nhưng có thể giúp hiểu biết ngày càng mạnh mẽ hơn. Như vậy, các biện pháp hỗ trợ có vai trò bổ túc trong công thức thành công cai nghiện thuốc lá.
2. Hỗ trợ thuốc lá có những biện pháp nào theo tổ chức y tế thế giới (W.H.O)?
a. Biện pháp không dùng thuốc:
Còn được gọi là biện pháp tư vấn giúp điều chỉnh nhận thức - chuyển đổi hành vi. Biện pháp này được xem là biện pháp cơ bản trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Quá trình này gồm nhiều giai đoạn liện tục với nhau tùy vào hiểu biết cũng như quyết tâm của người cai thuốc lá. Mục tiêu của biện pháp này là thúc đẩy người cai thuốc lá trưởng thành hơn nữa trong chu trình trưởng thành quyết tâm cai thuốc lá.
Bước đầu tiên, người nghiện thuốc lá được trang bị thông qua tư vấn các hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về tác hại sức khỏe khi hút thuốc lá, về lợi ích cho sức khỏe khi ngưng hút thuốc lá. Những kiến thức này giúp một người hút thuốc lá trong giai đoạn “thờ ơ” có những ý định ban đầu về nhu cầu cần phải cai thuốc lá.
Bước thứ hai, người “có ý định” được tư vấn về cơ chế gây nghiện, các phương pháp giúp họ thoát khỏi cơn nghiện thuốc lá, cách cân nhắc cái được và mất khi hút thuốc lá hoặc khi cai thuốc lá. Trên cơ sở đó, quyết tâm cai nghiện thuốc lá được củng cố. Người nghiện thuốc lá ở giai đoạn “có ý định” như vậy đã bước sang giai đoạn “chuẩn bị”.
Bước thứ ba, người cai thuốc lá ở trong giai đoạn “chuẩn bị” được tư vấn các kiến thức, kỹ năng khống chế cơn nghiện, đối phó cơn thèm thuốc, phòng tránh “cám dỗ” tái nghiện. Như vậy, người cai thuốc lá ở giai đoạn “chuẩn bị” đã chuyển sang giai đoạn cai thuốc lá.
Bước thứ tư, tư vấn về những tình huống dễ dẫn đến tái nghiện sẽ được tư vấn, cách xử trí như thế nào trong từng tình huống cụ thể được đưa ra, nguyên nhân tái nghiện thường gặp cũng được phân tích và lên kế hoạch xử trí. Người cai thuốc lá trong giai đoạn củng cố sẽ được hỗ trợ như vậy.
Bước thứ năm, khi người cai thuốc lá tái nghiện, họ sẽ được tư vấn và phân tích lý do tái nghiện, họ được động viên khuyến khích để cai nghiện trở lại. Và tiếp tục như vậy. Cho đến một thời điểm nào đó người nghiện thuốc lá sẽ cai thuốc lá được hoàn toàn hay đi vào giai đoạn thành công.
Biện pháp tư vấn như vậy tác động được trong tất cả các giai đoạn của quá trình trưởng thành quyết tâm cai thuốc lá, giúp tăng cường hiểu biết và quyết tâm vì thế là thành phần then chốt trong công thức thành công cai thuốc lá.
b Biện pháp dùng thuốc:
- Là các biện pháp dùng thuốc tác động vào làm giảm nhẹ đi những khó chịu xuất hiện trong quá trình cai thuốc lá. Và như vậy các biện pháp này có chỉ định phối hợp với biện pháp tư vấn trong cho trường hợp người cai thuốc lá ở trong giai đoạn cai thuốc lá và giai đoạn củng cố. Ở đây cần nhấn mạnh một điểm là chúng chỉ là biện pháp hỗ trợ phối hợp chứ không thể thay thế cho biện pháp tư vấn được.
- Các biện pháp dùng thuốc được tổ chức y tế thế giới khuyến cáo sử dụng gồm có ba biện pháp: nicotin thay thế (miếng dán, viên nhai, ống hít); bupropion hydrochloride (viên uống), varenicilline. Hiện nay ở Việt Nam đã nhập khẩu và lưu hành chính thức dạng thuốc bupropion hydrochloride - NICOSTOP. Nicotin thay thế dạng miếng dán (NICORETTE), viên nhai (NICORETTE, NIQUITIN) đều có thể mua được trên thị trường nhưng chưa được nhập chính thức. Varenicilline thì chưa thấy xuất hiện trên thị trường Việt Nam.
- Cơ sở khoa học của các thuốc này là giúp cơ thể giảm bớt các khó chịu gây ra bởi hội chứng cai thuốc khi bệnh nhân cai bỏ thuốc lá. Các biện pháp này đã được chứng minh là tăng gấp đôi tỷ lệ thành công bỏ thuốc lá ở ngừơi nghiện thuốc lá có quyết tâm cai thuốc lá.
3. Sử dụng bupropion hydrochoride trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá như thế nào?
a. Lịch sử:
- Bupropion hydrochloride (ZYBAN, NICOSTOP) ban đầu được sử dụng trong mục đích chống trầm cảm. Tuy nhiên, đây không phải là thuốc chống trầm cảm được ưu tiên chọn lựa vì hiệu quả chống trầm cảm thấp.
- Tuy nhiên, người ta ghi nhận được có một tỷ lệ cao những người trầm cảm + nghiện thuốc lá lại có thể bỏ thuốc lá một cách tự nhiên khi sử dụng bupropion hydrochloride như là thuốc điều trị trầm cảm cho bệnh trầm cảm của mình.
- Người ta tiến hành nghiên cứu khảo sát vai trò của bupropion hydrochloride trong điều trị hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho thấy: bupropion hydrochloride có khả năng tăng gấp đôi tỷ lệ cai nghiện thuốc lá thành công sau 12 tháng so với giả dược, hơn nữa lại còn hạn chế được tác dụng phụ tăng cân khi cai thuốc lá.
- Cùng với nicotin thay thế, bupropion hydrochloride được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là thuốc giúp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và khuyến cáo sử dụng rộng rãi cho công tác này trên phạm vi toàn thế giới.
Công thức hóa học:
b Cơ chế tác dụng của thuốc:
Cơ chế tác dụng của bupropion hydrochloride chưa thực sự rõ ràng, người ta biết rằng bupropion hydrochloride giúp cai nghiện thuốc lá không nhờ vào tác dụng chống trầm cảm và chỉ bupropion hydrochloride có thể hỗ trợ cai thuốc lá còn các thuốc chống trầm cảm khác thì không.
Cơ chế hiện tại được chấp nhận là tác dụng của bupropion hydrochloride:
Thụ thể dopamin:
- Ức chế bắt giữ một phần dopamin.
- Tăng nồng độ dopamin ngoại bào nhân hải mã.
Thụ thể noradrenaline:
- Ức chế bắt giữ mạnh.
- Tăng mức độ tập trung.
- Giảm độ nặng của hội chứng cai nghiện.
Thụ thể nicotine: Cạnh tranh với nicotine
c. Chỉ định - chống chỉ định:
Chỉ định:
- Người hút thuốc lá nghiện thuốc lá thực thể - lệ thuộc nicotin.
- Có quyết tâm cai thuốc lá cao.
Chống chỉ định:
- Dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Động kinh họăc có tiền căn động kinh.
- U não.
- Đang điều trị cai nghiện rượu hoặc thuốc ngủ.
- Rối loạn tâm thần ăn nhiều, uống nhiều., Rối loạn tâm thần hưng - trầm cảm.
- Đang dùng thuốc hướng thần nhóm IMAO.
- Suy chức năng gan nặng.
d. Liều lượng và thời gian điều trị:
Tổng thời gian điều trị là 7 - 9 tuần.
Trong tuần đầu tiên, bệnh nhân uống 1 viên bupropion hydrochloride hàm lượng 150 mg. Trong tuần này nếu không nhịn hút thuốc lá được bệnh nhân có thể hút thuốc lá.
Từ tuần lễ thứ 2 - 9, bệnh nhân uống 2 viên một ngày cách nhau 8 giờ, viên thứ hai uống trước 18 giờ chiều.
Không vượt quá liều 300mg/ ngày, giảm liều còn 150 mg/ ngày trong các trường hợp:
- Sử dụng kèm thuốc giảm ngưỡng động kinh.
- Nghiện rượu.
- Tiền căn chấn thương sọ não.
- Đang điều trị thuốc viên hạ đường huyết, insulin.
- Đang dùng thuốc gây hưng cảm hoặc thuốc gây chán ăn.
e. Tác dụng phụ: Khô miệng, Mất ngủ, Nhức đầu, Phản ứng dị ứng.
f. Qui trình điều trị:
* Chọn lựa bệnh nhân:
- Bệnh nhân nghiện thuốc lá thực thể và có quyết tâm cao cai thuốc lá.
- Không có chống chỉ định dùng bupropion hydrochloride.
- Lịch tái khám khi đang dùng thuốc: 1 tuần, 3 tuần, 6 tuần, 10 tuần.
* Theo dõi sau ngưng thuốc:
- Bệnh nhân sẽ ngưng thuốc sau 9 tuần.
- Theo dõi tiếp tục mỗi 1 - 3 tháng cho đến 1 năm.
- Trong quá trình này điều trị nhận thức - chuyển đồi hành vi luôn đi kèm./-

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio