Giaso sư Nguyễn Khắc Phi - Nhà Giao,Nhà nghiên cứu văn học
Hotline

Giaso sư Nguyễn Khắc Phi - Nhà Giao,Nhà nghiên cứu văn học

Ông là người dễ gần, một người hùng biện trong tranh luận, một thầy giáo giảng bài hấp dẫn, hết sức nhiệt tình với học sinh, đấu tranh bảo vệ đến cùng cho những quyền lợi chính đáng của họ.
 
 
 
 
 
 
 
Tôi cũng như một số bạn bè đồng nghiệp khác không có may mắn được là học trò của Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nhưng đều yêu mến gọi ông là : Thầy Phi - một cái tên khiến những người biết ông và nhất là những học sinh của ông đều cảm thấy hết sức gần gũi và thân thiết. Tôi cũng chỉ bắt đầu được đọc ông khi đã vào đại học, khi đi tìm tài liệu tham khảo cho môn Văn học Trung Quốc. Thời đó, nhờ những trang ông viết về văn học đời Tống với các nhà thơ nổi tiếng như Tô Đông Pha (1037-1101), Lục Du (1125-1210)1... mà chúng tôi hiểu thêm rất nhiều về văn học Trung Quốc, đặc biệt là về Tô Đông Pha - một nhà viết thơ, từ nổi tiếng và cũng nổi tiếng về con đường hoạn đồ đầy sóng gió cùng với bản lĩnh cao cường của một trí thức có nhân cách cứng cỏi trước cường quyền. Những trang viết của ông góp phần mở ra cả một thế giới mới mẻ của nền văn học Trung Quốc vĩ đại trước mắt những học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông như chúng tôi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời cầm bút của nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học – Giáo sư Nguyễn Khắc Phi – một trong những người thuộc thế hệ giảng viên đầu tiên của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
 
 
Nguyễn Khắc Phi sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn và truyền thống yêu nước tại Sơn Hòa, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trong gia đình mình, ông chịu nhiều ảnh hưởng từ người anh trai cả - nhà văn hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, con người nổi tiếng về học thức, về lòng kiên trì và nghị lực. Sống trong một gia đình như vậy thì việc ông trở thành một nhà giáo cũng là điều dễ hiểu. Được giữ lại làm giảng viên ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Khắc Phi đảm nhiệm công việc giảng dạy văn học Trung Quốc, nơi đã có những học giả hàng đầu về lĩnh vực này như Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Trương Chính. Chàng trai trẻ thầm hiểu rằng, chọn công việc này ông sẽ phải đối mặt và cáng đáng một nhiệm vụ hết sức khó khăn, trước hết là phải từng bước nắm bắt  một đối tượng nghiên cứu hết sức rộng lớn, khó tiếp cận, mặt khác phải từng bước tiếp nối và thay thế được vị trí của những người thày của mình, đó là chưa kể ở nước ta, nghiên cứu văn hóa, văn học Trung Quốc luôn là một lĩnh vực nhạy cảm về chính trị. Có lúc Nguyễn Khắc Phi cũng đã phải đứng trước ngã ba đường, định rẽ sang ngả khác như bao người bạn của ông, nhất là những người dạy Trung văn, nhưng may mắn thay, ông đã trụ vững. Có phải vì vậy mà cho đến nay, nhìn trước, nhìn sau, những người như ông - những chuyên gia hàng đầu về văn hóa, văn học Trung Quốc trong cả nước chỉ còn lại ít ỏi một vài người. Các ông như những người cô độc đứng trước đại dương tri thức mênh mông. Tuy nhiên, qua năm tháng nhọc nhằn, trong Nguyễn Khắc Phi đã có một phần, cái phần tinh hoa nhất, quan trọng nhất của đại dương mênh mông đó.
 
 
Một nền văn hóa, văn học vĩ đại như nền văn hóa, văn học Trung Quốc lẽ ra phải là mơ ước được chiếm lĩnh của rất nhiều, rất nhiều thế hệ sinh viên đại học, cũng như của các nhà nghiên cứu văn học trẻ. Tiếc thay, ở ta, đó lại là một lĩnh vực khoa học ít người theo đuổi. Nỗi lo ngại trước những khó khăn sẽ vấp phải, bức rào chắn đáng sợ về ngôn ngữ, sự thiển cận trong kế hoạch đào tạo,v.v… và v.v... đã ngăn cản bước chân và lòng nhiệt tình của các nhà nghiên cứu trẻ khám phá một đối tượng khoa học hết sức hấp dẫn. Lực lượng quá mỏng của các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Trung Quốc, đặc biệt là văn học Trung Quốc cổ trung đại ở Việt Nam là một điều đáng báo động, một khoảng trống phải vài thế hệ nữa mới mong lấp đầy, mặc cho những cố gắng không ngừng của những người như Nguyễn Khắc Phi, luôn có ý thức đào tạo thế hệ nối nghiệp mình. Nguyễn Khắc Phi là một trong vài người đã có công duy trì một chuyên ngành hết sức quan trọng của nghiên cứu văn học và đào tạo sau đại học ở Việt Nam trong một bối cảnh đặc thù, là nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc bền bỉ trong hơn bốn chục năm qua chung thủy với công việc của mình và đã có được những thành công đáng ghi nhận với tư cách là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học mà mình đảm nhận.
 
 
Sau khi viết những trang đầu tiên về văn học đời Tống, ông hoàn thành tiếp chương Thơ Đường trong cuốn giáo trình Văn học Trung Quốc1 và các phần Thủy hử, Chuyện làng nho và đặc biệt là phần Một số nhận xét tổng quát về văn học Trung Quốc cổ trung đại trong tập tiếp theo của bộ giáo trình này. Một số nhận xét tổng quát về văn học… được viết cô đọng, có tính khái quát cao, thể hiện nhiều ý kiến mới của người viết khi chỉ ra những đặc điểm của văn học Trung Quốc cổ trung đại. Chương Thơ Đường của Nguyễn Khắc Phi cũng là một cố gắng mới của nhà nghiên cứu nhằm chiếm lĩnh bộ phận văn học đặc sắc và khó nắm bắt nhất của văn học Trung Quốc cổ trung đại. Nhà nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu một cách sâu sắc lịch sử xã hội, văn học và sự phát triển trong các giai đoạn khác nhau của thơ ca đời Đường, trong đó các phần viết về Lý Bạch (701-762), Đỗ Phủ (712-770), Bạch Cư Dị (772-842) bên cạnh sự công phu, bề thế đã chứa đựng những ý tưởng mới mẻ so với những người đi trước. Những trang viết này, cùng với nhiều bài viết khác trong thời gian đó đã khẳng định tư cách chuyên gia về văn học Trung Quốc của Nguyễn Khắc Phi. Ông là một trong vài chuyên gia hàng đầu về thơ Đường ở Việt Nam. Trong những bài viết này, phong cách của nhà nghiên cứu đã định hình, đó là cách viết thận trọng, công phu trong tìm tòi và suy ngẫm trên nền tảng của một vốn tri thức sâu, rộng về cả hai nền văn học Trung Quốc và Việt Nam cổ trung đại.
 
 
Nguyễn Khắc Phi viết nhiều hơn, tham gia vào đời sống học thuật trên diễn đàn nhiều hơn khi ông từ Trường Đại học Sư phạm Vinh về lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và chuyển sang làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục. Các bài viết của ông thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc bởi sự uyên bác của một người hiểu biết sâu rộng đối tượng nghiên cứu của mình, bởi sự công phu hiếm có và một tinh thần trách nhiệm cao trong mỗi trang viết. Ngoài những vấn đề lớn của hai giai đoạn văn học Đường, Tống, Nguyễn Khắc Phi còn say mê đi sâu vào những chuyện chữ nghĩa, văn bản, những khúc mắc trong dịch thuật - một vấn đề rất khó đối với người nghiên cứu văn hóa nước ngoài chuyên sâu, đặc biệt là nền văn hóa Trung Quốc cổ trung đại hết sức thâm thúy được viết bằng Hán văn. Những bài viết loại này đòi hỏi một tri thức sâu rộng và điều kiện tra cứu sách vở. Để tìm ra nghĩa chuẩn, phù hợp cho một từ trong một văn cảnh cụ thể nào đó, Nguyễn Khắc Phi thường phải tra cứu nhiều cuốn sách và từ điển, đôi khi phải tham khảo ý kiến của các nhà Trung Quốc học phương Tây hoặc Xôviết. Người đọc, người tranh luận với ông thường khâm phục sự hiểu biết cũng như công phu của Nguyễn Khắc Phi, bị thuyết phục bởi những lập luận chắc chắn và những kiến thức sâu sắc của ông. Có thể thấy ở Nguyễn Khắc Phi phẩm chất của một “ông đồ nho” xứ Nghệ hay chữ. Tuy nhiên, đó là một “ông đồ” hiện đại, có trong tay phương pháp luận khoa học, nhiều công cụ tra cứu và một vốn tri thức phong phú. Những “ông đồ” như vậy ngày càng hiếm và hết sức cần thiết cho đời sống văn hóa của xã hội.   
 
 
Cùng với thời gian, Nguyễn Khắc Phi tiếp tục triển khai việc nghiên cứu những tinh hoa của văn học Trung Quốc trong nhiều bài viết công phu, bề thế như : Vấn đề đối ngẫu trong thơ Đường luật và Về trình tự phân tích một bài thơ bát cú Đường luật1, hay Thay phần khảo luận (về thơ tứ tuyệt)2...; tiếp tục đi sâu nghiên cứu Thơ Đường ở những mặt cụ thể và cơ bản, vận dụng những lý thuyết lý luận hiện đại trong việc nghiên cứu một đối tượng độc đáo trong mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Bài Thơ Đường (được viết vào năm 2004) cũng là sự tiếp tục nghiên cứu bộ phận thơ ca đặc sắc này, vốn trước đó đã được ông triển khai trong các bộ giáo trình đại học. Không chỉ quan tâm đến thơ Đường giai đoạn cổ trung đại, trong bài viết này, nhà nghiên cứu còn đề cập đến cả bộ phận thơ Đường luật hiện đại - một hiện tượng rất lý thú của đời sống văn học hiện nay, chứng tỏ sức sống của một thể thơ chưa thể gọi là đã lỗi thời như một vài người nhận định. Đây là những bài viết theo hướng nghiên cứu loại hình thể loại. Bài Thay phần khảo luận (về thơ tứ tuyệt) giải đáp được nhiều vấn đề khoa học tồn tại lâu nay xung quanh thể tài thơ độc đáo có một không hai trong nền thi ca nhân loại này, trả lời cho cả những câu hỏi tưởng chừng đơn giản như : có nên gọi tất cả các bài thơ bốn câu (bốn dòng) là thơ tứ tuyệt, khái niệm “tứ tuyệt” và “tuyệt cú” cái nào được các nhà thơ cổ sử dụng, từ bao giờ và tại sao,... Một số bài thơ Đường nổi tiếng của Thôi Hiệu, Lý Thương Ẩn, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Trương Kế, Bạch Cư Dị,... đã được ông nghiên cứu, bình giảng, tìm ra nét đặc sắc của chúng, chủ yếu để phục vụ cho công tác giảng dạy. Nguyễn Khắc Phi cũng mở rộng các bài viết của mình ra các giai đoạn văn học khác của nền văn hóa, văn học Trung Hoa. Ông viết về Kinh Thi, về tản văn Tiên Tần, về Khuất Nguyên, Đào Uyên Minh, văn học Minh-Thanh, và Lỗ Tấn,... Qua bài viết Bàn thêm về “Lời giới thiệu” và bản dịch “Văn tâm điêu long”3, ông đã bàn luận một cách cặn kẽ, công phu về Lưu Hiệp, nhà lý luận phê bình văn học lớn nhất thời Lục triều. Nguyễn Khắc Phi cũng đã giới thiệu những đóng góp của Viên Mai - nhà phê bình lý luận nổi tiếng đời Thanh, tác giả của Tùy Viên thi thoại1. Có lẽ, đây là lần đầu tiên tác giả lý luận phê bình kiệt xuất này của Trung Quốc được nghiên cứu một cách đầy đủ như vậy ở Việt Nam.
 
 
Tuy nhiên, bạn đọc yêu quý Nguyễn Khắc Phi cũng đòi hỏi và kỳ vọng ở ông, bên cạnh những bài viết sắc sảo, những tiểu luận dài hơi, là những công trình, những chuyên luận lớn hơn, đúng với tầm cỡ của ông hơn. Đòi hỏi đó có lẽ không phải là không có lý với một người có vốn tri thức như ông, mặc dù không ít những bài viết đã được ông công bố chắc chắn sẽ còn lưu lại với năm tháng. Con chim ưng bay lượn trên cao quan sát đại ngàn, nó không chỉ săn những con mồi yêu thích nhất, mà đôi mắt tinh tường vốn đã bao quát một tầm nhìn rộng còn cần phải tìm đến những mục tiêu lớn hơn,...
 
 
 
                                                     *   *   *
 
 
Có một vài chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy văn học nước ngoài, nổi tiếng trong chuyên môn của họ, đến một lúc nào đó quay trở về tìm hiểu văn hóa, văn học dân tộc và họ đã có được những kiến giải, những cách nhìn mang thế mạnh độc đáo của một người từ “bên ngoài”. Thực ra, họ đều là những người có vốn tri thức về văn học dân tộc khá sâu sắc. Đặng Thai Mai, Trương Chính trước đây, Đỗ Đức Hiểu, Đặng Anh Đào gần đây là những hiện tượng nổi bật. Nguyễn Khắc Phi cũng là một người như vậy. Là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc cổ trung đại, ông cũng là người rất am hiểu văn học Việt Nam cổ cận đại. Nhà nghiên cứu hướng đến một vấn đề mà những học giả trước ông  chưa kịp đề cập đến nơi đến chốn: vấn đề về mối quan hệ đặc thù giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc. Mảnh đất màu mỡ giáp ranh giữa các nền văn học vốn là một đề tài khoa học cực kỳ hấp dẫn, luôn vẫy gọi các nhà khoa học. Nhưng thực tế cho thấy không phải ai cũng đủ “thẩm quyền” và cơ hội để đi sâu vào lĩnh vực hóc búa này. Ở đó có vô vàn các vấn đề mà ngành nghiên cứu văn học so sánh nói riêng và nghiên cứu văn học nói chung phải tiến hành giải quyết để trả lời cho những câu hỏi về sự tồn tại và phát triển của mỗi nền văn học. Những kết quả nghiên cứu của văn học so sánh đôi khi có khả năng đánh đổ nhiều luận điểm và thành tựu đã từng thống trị trong khoa học của mỗi quốc gia. Có lẽ đây sẽ là ngành khoa học có một tương lai phát triển rực rỡ, khi mà mối liên hệ giữa khoa học xã hội của các nước liên quan trở nên chặt chẽ hơn... Và với những đóng góp đáng kể của mình, Nguyễn Khắc Phi là một trong những nhà nghiên cứu văn học có công đầu trong lĩnh vực nghiên cứu này ở Việt Nam.
 
 
Văn học truyền thống dân tộc vốn chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó những ảnh hưởng từ trung tâm văn minh của cả vùng - văn minh Trung Hoa - là hết sức lớn và sâu sắc. Nhưng mức độ ảnh hưởng của văn hóa, văn học Trung Quốc tới văn học Việt Nam đến đâu và đã từng diễn ra như thế nào, đâu là sự tiếp thu và sáng tạo của cha ông ta, tiếp thu và sáng tạo đến mức nào? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải đáp cuối cùng. Sẽ là thiếu khách quan nếu chúng ta chỉ biết ngợi ca một chiều mà không hiểu nguồn gốc của sự sáng tạo đó, hoặc chỉ thấy sự vay mượn mà không chỉ ra được sự cách tân của cha ông. Chẳng hạn: để khẳng định giá trị Truyện Kiều của Nguyễn Du, một số người buộc phải hạ thấp Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân một cách vô tình hay hữu ý. Đa số họ mới chỉ được tiếp xúc với bản dịch bằng tiếng Việt, mà không đọc được nguyên bản và cũng không biết rằng Kim Vân Kiều truyện còn có nhiều bản khác nhau, cũng như không hiểu hết được giá trị của tác phẩm này trong sự phát triển của văn xuôi Trung Quốc. Vấn đề thể loại của tác phẩm cũng thường bị bỏ qua. Văn học so sánh đòi hỏi nhà nghiên cứu trước hết phải tiếp xúc trực tiếp được với văn bản gốc, phải hiểu được giá trị của tác phẩm đó đối với sự phát triển của mỗi nền văn học và rộng hơn là có tri thức về cả hai nền văn học, tránh sự cực đoan, máy móc, sự tự ti cũng như tự tôn dân tộc thái quá. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Khắc Phi hết sức quan tâm và có một số bài viết về lý luận văn học so sánh, nghiên cứu thành tựu của ngành văn học so sánh của một số nước trên thế giới. Ông đi sâu tìm hiểu lý luận về văn học so sánh và so sánh loại hình. Tác giả cuốn Từ văn học so sánh đến thi học so sánh1 đã khẳng định vị trí đi đầu của Nguyễn Khắc Phi trong việc tìm hiểu lĩnh vực này ở Việt Nam : “Lý thuyết Văn học so sánh vào Việt Nam có phần chậm, nhưng hoàn toàn không phải là được mở đầu bằng bài Văn học so sánh ở Hungari của S. Lazlo (Tạp chí Văn học số 3-1979), như có ý kiến đã khẳng định. Trước đó mười năm đã có bài Nghiên cứu so sánh văn học của Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Phi (Thông báo khoa học, Trường Đại học Sư phạm Vinh, số đặc biệt, 1969) và tiếp theo là Về việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các nền văn học của Giáo sư Nguyễn Đức Nam (Tạp chí Văn học số 2-1972).” Những thu hoạch của Nguyễn Khắc Phi về văn học so sánh đã được thể hiện trong hai bài viết dày dặn: Văn học so sánh - những bước đi đầu tiên và đóng góp của văn học so sánh Pháp2 và Về việc vận dụng phương pháp so sánh loại hình trong nghiên cứu văn học ở Liên Xô. Trong nhiều bài viết của mình, Nguyễn Khắc Phi khẳng định: Văn học so sánh không chỉ là việc tiến hành so sánh hai nền văn học. Ngoài việc chỉ ra sự giống nhau (bên cạnh đó là sự khác nhau) giữa hai hiện tượng văn học của hai dân tộc, nhà văn học so sánh còn phải chỉ ra được những mối liên hệ đa dạng khác giữa hai hiện tượng văn học đó, giữa hai nền văn học của hai hoặc nhiều dân tộc đó cùng nguyên nhân và ý nghĩa của chúng.
 
 
Trên cơ sở của nền tảng lý luận ấy cùng với vốn tri thức khá uyên áo về văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc, Nguyễn Khắc Phi đã đi sâu tìm hiểu ngọn nguồn văn học dân tộc trong so sánh mối quan hệ đa diện với văn học khu vực, từ đó đặt lại một số vấn đề trong văn học nước nhà. Nói như Nguyễn Hữu Sơn: Nguyễn Khắc Phi có “đủ thẩm quyền để tiến hành công việc này”3.
 
 
Đọc Nguyễn Khắc Phi, độc giả có hứng thú được thưởng thức những bài viết của một người hay chữ mà sự uyên bác hiện lên sau mỗi trang viết, hứng thú được cùng tác giả tìm tòi, suy ngẫm và học được từ đó nhiều điều bổ ích. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Khắc Phi có hẳn một chuyên luận dài hơi về Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn - một tác phẩm và một tác giả còn ít được nghiên cứu, có lẽ vì đây là một khúc ngâm được viết bằng chữ Hán rất khó đọc, khó cảm thụ do quá nhiều điển tích, điển cố; mặt khác bản dịch Chinh phụ ngâm khúc (của Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích ?) lại quá hay, đã lấn át giá trị của nguyên bản, che lấp cả Đặng Trần Côn. Vì vậy, vị trí và những đóng góp của nhà thơ này trong lịch sử văn học dân tộc còn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn và thơ ca cổ điển Trung Quốc1 là bài viết dài hơi đầu tiên nghiên cứu một cách công phu tác phẩm và tác giả này, bài viết đặt tác phẩm của Đặng Trần Côn trong sự so sánh với thơ ca cổ điển Trung Quốc - một việc làm mà không phải ai cũng dám bỏ công sức để tiến hành. Chuyên luận này được Nguyễn Khắc Phi hoàn thành từ năm 1964, khi ông còn đang giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Đặng Trần Côn đã vay mượn các điển cố, điển tích từ văn học Trung Quốc như thế nào ? Sự uyên bác, sức sáng tạo và những hạn chế của thi sĩ họ Đặng đến đâu ? Đâu là đóng góp của ông cho lịch sử văn học dân tộc ?... Đó là những vấn đề mà người viết đặt ra và giải quyết trong quá trình nghiên cứu. Từ chỗ xác nhận hình thức “tập cổ” của Chinh phụ ngâm, Nguyễn Khắc Phi đi sâu lý giải tại sao Đặng Trần Côn đã sử dụng rất nhiều thi liệu của thơ ca cổ điển Trung Quốc mà vẫn sáng tạo nên một tác phẩm có giá trị nghệ thuật riêng biệt. Từ đó chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của tác phẩm và mở ra những hướng nghiên cứu mới: “Hiện tượng gần như đồng thời xuất hiện nhiều bản dịch khúc ngâm của Đặng Trần Côn ra quốc âm chứng tỏ sự thành công to lớn cũng như những hạn chế không nhỏ của nó. So sánh toàn diện các bản dịch ra quốc âm với nhau cũng như so sánh chúng với nguyên bản chữ Hán, trong đó có việc theo dõi, phân tích các điển thơ Trung Quốc đã tiếp tục được dân tộc hóa như thế nào, hẳn là một đề tài hết sức thú vị và có ý nghĩa”. Nhà nghiên cứu đã đặt ra những vấn đề khoa học thiết thực từ một hiện tượng văn học điển hình cho mối quan hệ đặc thù giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc cổ trung đại và mạnh dạn tiến hành giải quyết một cách cơ bản những vấn đề được đặt ra. Đây là một trong những bài viết điển hình cho phong cách làm việc của Nguyễn Khắc Phi.
 
 
Đặt văn học Việt Nam trong mối liên hệ mật thiết với văn học Trung Quốc, Nguyễn Khắc Phi đã dày công tìm tòi để đi tới khẳng định những sáng tạo và cách tân mới mẻ của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam trên bước đường xây dựng một nền văn học thực sự dân tộc. Đó là khả năng tiếp thu, vận dụng và phát triển những tinh hoa của văn học nhân loại lên một tầm cao mới. Để khẳng định sự sáng tạo của Nguyễn Trãi trong bài thơ Cây chuối, Nguyễn Khắc Phi đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng hình tượng “cây chuối” (ba tiêu) trong thơ ca cổ điển Trung Quốc, chỉ có như vậy mới có thể đi tới khẳng định sự sáng tạo (hay “độc sáng” - từ mà Nguyễn Khắc Phi dùng trong bài) của tài năng Nguyễn Trãi: “Rất nhiều nhà thơ Trung Quốc đã so sánh đọt chuối non và phong thư rồi, hơn nữa những đọt chuối đó đều đa tình; song gắn hẳn chữ tình và thư, dùng tình làm định ngữ cho thư thì quả là độc sáng của Nguyễn Trãi”. Thật sự, đây là những tìm tòi, phát hiện hết sức công phu và tinh tế. Về ba chữ “nhất chi mai” trong bài Cáo tật thị chúng của thiền sư Mãn Giác hay trong bài Thướng sơn của Hồ Chí Minh, hai từ “mưu phạt” và “tâm công” trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, hay một chữ “đàn” trong câu thơ “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du1,... cũng vậy, Nguyễn Khắc Phi đều soi tìm đến ngọn nguồn của câu chữ trong các mối liên hệ và phát triển, tìm ra những nghĩa sáng tạo của chúng trong văn học dân tộc. Những giá trị vượt thời đại của thơ Hồ Xuân Hương với những phát hiện mới mẻ của Nguyễn Khắc Phi cũng được đặt trong những mối liên hệ so sánh đa chiều như vậy.
 
 
Tính tranh luận là một trong những đặc điểm của ngòi bút Nguyễn Khắc Phi, khiến cho các bài viết của ông luôn có tính thời sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người đọc. Đôi khi, sự tranh luận thực sự trở thành một cuộc “đấu tranh” không khoan nhượng để bảo vệ những giá trị của văn hóa, văn học dân tộc như trường hợp trao đổi lại với những ý kiến chưa đúng của học giả Trung Quốc Đổng Văn Thành qua bài viết về Kim Vân Kiều truyện hạ thấp giá trị tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du1. Nguyễn Khắc Phi đã có những biện luận và nhận xét sắc sảo, trao đổi một cách có tình có lý với tác giả bài báo, yêu cầu phải so sánh một cách toàn diện, cụ thể, không nên bỏ qua một chi tiết nào. Và chính từ việc so sánh một cách toàn diện và cụ thể như vậy, ông đã có thêm những tìm tòi, đóng góp mới chứng minh cho sự sáng tạo của Nguyễn Du. Ở đây, những kiến thức về so sánh văn học và sự thấu hiểu một cách cặn kẽ lịch sử, lịch sử văn hóa và văn học Trung Hoa mà nhà nghiên cứu tích lũy được trong nhiều năm đã phát huy tác dụng một cách hữu hiệu. Chiều sâu văn hóa và những lập luận nhã nhặn nhưng đầy sức thuyết phục trong bài viết của Nguyễn Khắc Phi chắc chắn đã khiến cho người đối thoại phải nhìn nhận lại những ý kiến cực đoan của mình. Bên cạnh đó, ông cũng có bài viết ca ngợi những đóng góp quan trọng của La Trường Sơn - nhà khoa học của nước bạn am hiểu và yêu mến nền văn hóa Việt Nam2. 
 
                                                       *
 
                                                     *  *
 
Phải kể đến một công việc “trái tay” của Nguyễn Khắc Phi là dịch thuật. Ông chỉ dịch khi cần, trước hết là phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Không được đào tạo ở nước ngoài như nhiều đồng nghiệp khác, Nguyễn Khắc Phi học tiếng Trung và tiếng Hán cổ từ khi còn là sinh viên và tự học là chính trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình. Và chính sự kiên trì, chịu khó đã khiến ông có được sự tinh tế về mặt chữ nghĩa trong công việc học thuật đầy gian khó của một người nghiên cứu văn học cổ trung đại. Mặc dù đọc và dịch được cả tài liệu tiếng Pháp và phần nào tiếng Anh, tiếng Nga, nhưng Nguyễn Khắc Phi chủ yếu tiến hành công việc dịch thuật của mình từ tiếng Trung Quốc. Đôi khi, nhu cầu dịch đến với ông từ sự thôi thúc của thực tế, từ việc bạn đọc hoặc đồng nghiệp hiểu chưa đúng một bài thơ, một câu, một chữ trong một bản dịch nào đó. Và thế là Nguyễn Khắc Phi lại miệt mài tìm kiếm, tra cứu, suy ngẫm và viết. Từ chỗ đọc nhiều, ông có nhiều kinh nghiệm về câu chữ, ngay cả những chữ và nghĩa rất hiếm gặp của một từ nào đó. Những bài viết của ông về dịch thuật, cũng như những câu chữ mà ông tìm tòi, bổ sung cho cách hiểu và dịch, ví dụ về bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế hay Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du khiến người đọc sáng ra rất nhiều, học hỏi được rất nhiều tri thức từ việc phân tích một câu, một chữ của ông. Ngay sau khi Từ điển văn học (bộ mới)1 ra đời, Nguyễn Khắc Phi đã chuyển cho Ban Biên tập cuốn sách một danh sách những chữ Hán cổ và Trung văn hiện đại bị sai. Đó là hững lỗi mà có lẽ chỉ những người như ông mới có thể nhanh chóng nhìn ra được. Muốn có được một vốn tri thức như vậy, rõ ràng những tinh hoa của nền văn hóa mà ông yêu thích phải và đã trở thành máu thịt. Những tri thức phong phú, sâu rộng của Nguyễn Khắc Phi trong dịch thuật lại trở lại phục vụ đắc lực cho công việc nghiên cứu chuyên sâu. Bởi kinh nghiệm học thuật giúp ông hiểu rất rõ rằng, nhiều nhà thơ cổ chỉ còn để lại cho đời duy nhất có một bài thơ, đôi khi đó là một bài thơ tứ tuyệt kiệm lời, ít chữ, việc dịch và hiểu sai một chữ, một câu trong tác phẩm của họ sẽ dẫn đến những sai lầm hết sức đáng tiếc trong việc tìm hiểu con người và sự nghiệp của các tác giả này.
 
 
Nguyễn Khắc Phi có khá nhiều bài viết khởi đầu từ một từ, một chữ trong một bài thơ, bài văn như : Từ một từ nghĩ đến việc phiên âm chữ Hán (tạp chí Ngôn ngữ số 16-2001), Về việc dịch một số chữ trong “Bình Ngô đại cáo” (tạp chíVăn học và tuổi trẻ, số 7-2003), Bàn thêm về chữ “đàn” trong một câu thơ của “Truyện Kiều” (Tạp chí Văn học, số 4-1995), ... Đó không chỉ là những bài viết kịp thời mà còn là những trang văn thể hiện sự tài hoa, sắc sảo như một thế mạnh hiếm có của nhà nghiên cứu. Rất nhiều bài của ông xuất phát từ việc phục vụ một cách kịp thời nhu cầu thông tin tri thức và từ các cuộc tranh luận học thuật. Chắc sẽ có người không coi trọng lắm những bài viết đó, cho rằng nó không bề thế, mang nặng “tính báo chí”; cũng như có người không đánh giá cao những trang viết ngắn “thiên về chữ nghĩa” của Nguyễn Khắc Phi. Tất nhiên, nhận xét thế nào là quyền của mỗi người, nhưng điều dễ dàng có thể thống nhất được là ở chỗ : đó đều là những bài viết kịp thời và bổ ích, đem lại cho bạn đọc một lượng tri thức chính xác, phong phú, bù đắp nhiều lỗ hổng trong kiến thức mỗi người và không hiếm trong số đó là những bài viết hấp dẫn. Qua một giọt nước có thể nhìn thấy chiều sâu rộng của biển cả, qua cách hiểu, cách kiến giải một chữ, một từ mà có thể thấy được phần nào tầm tri thức của người viết. Nhiều bài viết của Nguyễn Khắc Phi vừa giải quyết được một vấn đề học thuật nào đó, lại vừa có tính phổ cập, hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Một mặt, có lẽ, ông là người thích giải quyết những vấn đề thực tiễn của văn học đặt ra từ nhu cầu muốn hiểu biết của mọi người, mặt khác, trước những vấn đề khó nắm bắt của lịch sử và văn hóa Trung Hoa, ông lại là người có đủ khả năng đem lại cho bạn đọc những thông tin chính xác, tương đối đầy đủ, nhờ soi tìm từ nguồn gốc sâu xa của chúng.
 
 
Nghiên cứu văn học cổ trung đại Trung Quốc và Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa, trong thế văn – sử - triết bất phân là một trong những đặc điểm các bài viết của Nguyễn Khắc Phi. Đó cũng là một phần lý do tồn tại của mục : Tản mạn bên lề văn học trong cuốn Nguyễn Khắc Phi - Tuyển tập. Ở đó cũng không hiếm những trang viết lý thú về một chuyến viếng thăm Hàng Châu; về việc được chiêm ngưỡng pho tượng Phật ngồi lớn nhất thế giới ở Trung Quốc; về nhà bác học Hoàng Xuân Hãn; về người thầy thuốc tài ba Lê Khắc Thiền đã cứu sống cậu học trò Nguyễn Khắc Phi; về nhà nghiên cứu văn học lão thành Trương Chính; câu chuyện về những học trò bảo vệ luận án tiến sĩ; và một mẩu hồi ký về những năm tháng khi nhà nghiên cứu văn học tương lai mới bước chân ra Hà Nội để học đại học, ... Tất cả cho thấy thấp thoáng một tư cách mới của cây bút Nguyễn Khắc Phi - một người viết ký có duyên.     
 
 
                                                    *
 
                                                   *  *
 
 
Bên cạnh vai trò nhà nghiên cứu và nhà giáo, Nguyễn Khắc Phi còn là một nhà quản lý và tổ chức giáo dục. Trên các lĩnh vực đó, ông đã có những đóng góp quan trọng và tâm huyết cho hoạt động đào tạo ở các bậc học phổ thông, cao đẳng, cho đào tạo đại học và sau đại học, cho công tác xuất bản và cải cách giáo dục. Ông nguyên là Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục và hiện là Tổng chủ biên bộ sách Ngữ văn Trung học cơ sở, Trưởng ban Xây dựng Chương trình và biên soạn giáo trình của ngành Ngữ văn Cao đẳng Sư phạm. Công việc quản lý và tổ chức đã tiêu tốn của ông rất nhiều thời giờ, nhưng vốn là một người say mê nghiên cứu, nên chính trong thời kỳ đảm nhiệm những công việc này, Nguyễn Khắc Phi đã bị lôi cuốn vào việc viết lách. Ông viết khá nhiều, trong số đó, những bài viết của ông xung quanh các vấn đề của giáo dục, đào tạo, Chương trình sách giáo khoa, vấn đề phân ban ở phổ thông, chính sách giáo dục, ... chiếm một số lượng đáng kể. Từ góc độ của một người nghiên cứu và giảng dạy văn học, ông quan tâm nhiều hơn đến Chương trình, nội dung, các vấn đề chuyên sâu của sách giáo khoa Ngữ văn, đặc biệt là phần Tiếng Việt, văn học Trung Quốc, văn học Việt Nam - vốn là những vấn đề gần gũi với chuyên môn của ông.
 
 
Rồi thời gian sẽ chứng minh cho sự đúng đắn cũng như tâm huyết của ông cho sự nghiệp giáo dục hiện đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội với những lời khen và cũng không ít lời than phiền, những cuộc tranh luận nảy lửa. Nguyễn Khắc Phi tham bác nhiều nền giáo dục trên thế giới, góp phần xây dựng cho Chương trình và các bộ sách nền tảng lý luận hiện đại với mong muốn có thể từng bước hòa đồng với những nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ông viết bài ủng hộ hướng tích hợp trong Chương trình môn Ngữ văn bậc Trung học cơ sở, chỉ ra điểm mạnh và hạn chế của nó. Ông đấu tranh chống việc cào bằng và hạ thấp vai trò của môn Văn ở Ban Khoa học Tự nhiên, cũng như môn Toán ở Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn trong khi tiến hành thí điểm phân ban ở Trung học phổ thông. Những ý kiến của ông đóng góp cho Dự thảo bộ Luật Giáo dục sửa đổi là rất đáng chú ý. Đây là những bài viết giàu tính thời sự, đặc biệt là phần bài về sách giáo khoa - một vấn đề nóng hổi trong mấy năm qua. Nhiều ý kiến của ông không tránh khỏi sự đụng độ với một số quan điểm đã được “bảo hiểm” khác. Tuy vậy, nhà khoa học vẫn tiếp tục viết để bảo vệ các ý kiến của mình. Trong số này cũng phải kể đến các bài viết của ông về không ít tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình phổ thông. 
 
 
Nguyễn Khắc Phi là người dành nhiều tâm huyết cho nghề giáo. Ngay từ khi còn là một cán bộ giảng dạy trẻ, ông đã xung phong thay thế một đồng nghiệp vào Vinh (Nghệ An) xây dựng Trường Đại học Sư phạm đầu tiên của khu vực miền Trung và trong một thời gian dài đảm đương trách nhiệm Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn. Đó là những ngày đầu không kém phần vất vả của một trường đại học mới thành lập, đặc biệt trong những ngày Trường và Khoa phải đi sơ tán tránh bom đạn giặc Mỹ. Các sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh những năm này còn nhớ mãi thầy Phó chủ nhiệm Khoa đầy nhiệt tình và yêu đời, tác giả của bài hát Luồng nứa theo anh ghi lại những ngày đầy gian khổ của những năm vừa học vừa đánh giặc. Nguyễn Khắc Phi gắn bó với Trường Đại học Sư phạm Vinh hơn mười bảy năm ròng. Sau đó, ông trở lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đảm nhiệm giảng dạy phần văn học Trung Quốc, rồi được cử làm Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, kiêm phụ trách một vài công việc khác của Trường, cùng các đồng nghiệp xây dựng Khoa vững mạnh, xây dựng Tổ Văn học nước ngoài trở thành một trong những tổ chuyên môn giỏi của ngành nghiên cứu và giảng dạy văn học. Ông là người dễ gần, một người hùng biện trong tranh luận, một thầy giáo giảng bài hấp dẫn, hết sức nhiệt tình với học sinh, đấu tranh bảo vệ đến cùng cho những quyền lợi chính đáng của họ. Có rất nhiều câu chuyện cảm động về Giáo sư Nguyễn Khắc Phi mà các học trò của ông đã kể lại. Một vài chuyện đã được ghi lại trong cuốnNhững nhà giáo, những trang văn1. Nguyễn Khắc Phi được rất nhiều học sinh yêu quý và kính trọng. Đó cũng là một niềm hạnh phúc lớn của đời ông.

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio