Những ký ức khó quên
Hotline

Những ký ức khó quên

Muốn trở thành bác sĩ giỏi thì cần phải đi bằng hai chân, đó là lâm sàng và xét nghiệm
 
 
 
 
Khi làm việc trên Trường đại học Y Thái Nguyên, một đề tài NCKH mà tôi thực hiện là "Xét nghiệm huyết thanh giang mai những người cho máu tại BVĐK Thái Nguyên bằng phản ứng VDRL trong 2 năm 1979 - 1980". Khi tổng kết đề tài, bạn gái khi đó và là vợ của tôi bây giờ đã viết giúp tôi, cho đến nay, bản viết tay đó tôi vẫn còn lưu giữ. Thời đó chủ yếu là viết tay, sau đó mới đưa đi đánh máy chữ. Phải nói thêm là trước khi tôi lên công tác, trên Thái Nguyên chưa thực hiện xét nghiệm phát hiện giang mai. Là bác sĩ lâm sàng nhưng thật may mắn vì trong chương trình đào tạo của Bộ môn Da liễu, Trường đại học Y khoa Hà Nội, các bác sĩ chuyên khoa phải học cả xét nghiệm. GS. Lê Kinh Duệ dạy chúng tôi về một điều mà cho đến nay tôi thấy vừa là chân lý, vừa là bí quyết để trở thành một bác sĩ giỏi, đó là: "Muốn trở thành bác sĩ giỏi thì cần phải đi bằng hai chân, đó là lâm sàng và xét nghiệm". Và thế là tôi đã thực hiện được một kỹ thuật mới ở Thái Nguyên. Đề tài thực hiện sau khi tôi lên trên đó được 2 năm và có sự đóng góp của vợ tôi khi tổng kết và viết bản báo cáo. Sau 7 năm làm việc trên Trường đại học Y Thái Nguyên, các thầy giáo của tôi đã nhận tôi về Viện Da liễu làm việc. Đó là năm 1984, cũng vào những ngày đầu tháng 5 này. Nhìn lại, tôi thấy từ đó mình mới thực sự bắt đầu sự nghiệp học tập và làm việc của mình. Nhiều điều phải học và làm lại sau một thời gian dài ở xa các thầy, xa trung tâm khoa học. Kinh qua các vị trí công tác trong Viện: Phòng chỉ đạo ngành, Phòng xét nghiệm, Phòng Đào tạo và NCKH. Dù bất cứ ở đâu, tôi vẫn luôn luôn gắn bó với lâm sàng, được khám chữa bệnh cho bệnh nhân là niềm hạnh phúc của người thầy thuốc. Muốn có được kinh nghiệm, người thầy thuốc phải thực hành nhiều nhưng như vậy chưa đủ mà còn cần phải cập nhật các kiến thức. Để làm được điều đó cần phải đọc nhiều, mà sách tiếng Việt lại không đáp ứng điều đó. Do vậy, các thầy thuốc chúng tôi phải học ngoại ngữ. Tôi bắt đầu học tiếng Pháp theo chỉ thị của thầy tôi để chuẩn bị sang Pháp học cùng với mấy cán bộ nữa. Thế là các buổi chiều sau giờ làm việc, tôi ngồi học bài để chuẩn bị đi sang Trung tâm ngoại ngữ ở Đại học Bách khoa theo học tiếng Pháp buổi tối. Chẳng có gì ăn trước khi học, chỉ uống cốc nước lọc rồi đến trung tâm. Học đến 8 giờ tối lại đạp xe về ăn cơm cùng vợ con. Đôi khi, nhà mất điện, vợ tôi lại đi bộ từ nhà đến cổng Trường đại học Bách khoa đón tôi. Lúc đó tôi thật xúc động và thương vợ tôi vô cùng. Cả thời gian mang thai cháu lớn và sau này khi đã sinh, vợ tôi bế con đi bộ gần 2km đón chồng đi học ngoại ngữ về. Hình ảnh đó còn lưu lại trong tôi cho đến tận bây giờ. Nhờ sự chăm sóc và động viên đó mà tôi đã theo học hết bằng C tiếng Pháp. Nhưng thật không may, sau đó cơ hội đi sang Pháp học không được, thế là 5 năm đầu tư bị bỏ mất. Người Pháp có câu: "Cest la vie"- đó là cuộc đời. Nhưng cũng đâu có uổng phí, sau này có dịp sang Pháp mấy lần, vốn tiếng Pháp của tôi đã có cơ hội được sử dụng, thật tuyệt. Hơn nữa, tôi có thể dịch tài liệu, đọc tài liệu chuyên môn bằng tiếng Pháp. Tôi đã cùng người thầy, GS. Lê Kinh Duệ dịch cuốn "Những chỉ số dịch tễ học cơ bản của chương trình phong" và đã được in từ những năm đầu thập kỷ 90. Vì muốn hòa nhập với thế giới và nâng cao trình độ thì không có cách nào là phải học ngoại ngữ, đó là tiếng Anh. GS. Lê Kinh Duệ, người thầy của chúng tôi là tấm gương mẫu mực cho  tất cả thế hệ bác sĩ da liễu chúng tôi, ông có thể nói thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, ngoài ra ông còn biết tiếng Đức, Nga, Trung. Thế là lại bắt đầu kế hoạch học tập mới. Mỗi ngôn ngữ có những điều thú vị và những khó khăn để học được. Tiếng Anh dễ học hơn tiếng Pháp, khi đã học tiếng Pháp rồi thì học tiếng Anh rất thuận lợi. Có điều, khi đã lớn tuổi thì việc học ngoại ngữ rất khó khăn, đặc biệt là phát âm. Mặc dù biết là cần thiết nhưng vào thời gian đó tiếng Anh trong chuyên môn cũng không được sử dụng là bao vì trong thư viện chỉ có bộ sách da liễu bằng tiếng Pháp, đó là cuốn "Dermatologie" của Robert Degos. Nhưng mọi sự cố gắng học đều rất cần thiết. Vào đầu thập kỷ 90, tình hình HIV/AIDS mà khi đó hay được gọi là SIDA bắt đầu bùng nổ trên toàn cầu. Ở Việt Nam, năm 1990 thành lập UBQG PC AIDS mà GS.VS. Phạm Song làm chủ tịch. Khi đó, bắt đầu cơ hội của các bác sĩ làm công tác phòng chống bệnh hoa liễu, nay gọi là các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tôi đã được phân công làm việc này từ năm 1984, thay cho một bác sĩ đã chuyển công tác. Thế là cơ hội bắt đầu đến với tôi. GS. Duệ có một bài báo cáo mà khi đó ít người hiểu được tầm cỡ quan trọng về sau của bệnh dịch này: "SIDA - một bệnh hoa liễu mới". Tôi được đi dự hội thảo nước ngoài lần đầu tiên cũng về vấn đề này. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên đó rất đáng nhớ, nó mở mang cho tôi rất nhiều và thúc đẩy việc học tiếng Anh của tôi nhanh hơn. Một bậc đàn anh, PGS. TS. Phạm Văn Hiển, người mà tôi rất kính trọng vẫn thường nói:"Người ta nói khổ học chứ có sướng học đâu!". Điều đó rất đúng. Việc học luôn vất vả, cần có quyết tâm và không bao giờ được nản chí.
TS. Nguyễn Duy Hưng

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio