Xin giới thiệu một số thành tựu công nghệ sinh học của các nhà khoa học Việt Nam trong nỗ lực vì một môi trường trong sạch.
Công nghệ sinh học ngày nay đang len lỏi vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có công tác bảo vệ môi trường.
Tảo: Lọc sạch nước thải
Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học như Viện Công nghệ sinh học, Trung tâm sinh học thực nghiệm ... đã chọn tảo làm đối tượng nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang đặt ra. Hiện có các mô hình xử lý nước thải sinh học và chăn nuôi như:
- Mô hình kết hợp cột lọc sinh học hiếu khí và bể tảo: nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước dùng cho tưới tiêu hoặc nuôi trồng thủy sản. Lượng tảo thu được có thể làm nguồn thức ăn cho gia súc, hoặc làm phân bón.
- Mô hình thực vật thủy sinh: Rau ngổ được chọn làm cây thủy sinh để lọc các chất gây ô nhiễm. Đây là loại cây dễ trồng, có khả năng sống khỏe cả mùa đông cũng như mùa hè, mọc được ở nhiều nơi. Nếu như nước thải sinh hoạt có độ ô nhiễm nhẹ thì có thể sử dụng mô hình này.
- Mô hình kết hợp bể bùn hoạt tính hiếu khí và bể nuôi tảo: Đây là mô hình xử lý nước thải chăn nuôi lợn quy mô trang trại từ 60 - 100 con. Nước sau khi xử lý có thể đổ vào hệ thống thoát nước tự nhiên.
Rong, rêu, bèo… hút hết kim loại nặng
Viện Công nghệ sinh học và Viện Hóa học đã phối hợp nghiên cứu thành công quy trình xử lý nước thải chứa kim loại nặng bằng cả hai phương pháp hóa học lẫn sinh học. Quy trình này sử dụng các chất có nguồn gốc sinh học để làm chất hấp thụ. Ở công đoạn cuối, quy trình có sử dụng thêm một số thực vật thủy sinh xử lý để môi trường sạch hơn nhờ thực vật.
Qua thử nghiệm, nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn B của tiêu chuẩn Việt Nam. Đặc biệt hàm lượng các kim loại nặng giảm 81,4% đến 98,7% tùy theo kim loại, trong đó có một số kim loại có thể khử được triệt để hoàn toàn. Những vật liệu hấp thụ lại rất dễ kiếm, rẻ tiền như rong, rêu, bèo, tảo biển, phụ phế liệu nông thủy sản.
Rác cũng ra tiền
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện KH - CN Việt Nam) đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các chất phế thải. Các nhà khoa học đã phân lập được một số chủng vi sinh vật chịu nhiệt có khả năng phân hủy nhanh các chất hữu cơ (chủ yếu là các chất chứa xenlulô). Nhờ đó đã rút ngắn được quá trình ủ rác bớt 14 ngày so với quy trình đang áp dụng và tăng 20% lượng bùn trong phân bón. Theo các nhà khoa học, vi sinh vật giống như những nhà máy tí hon, thường xuyên sản xuất các chất có tác dụng tốt đối với cây trồng và khi trộn vào rác bón cho cây trồng thì chúng sẽ hoạt động trong đất đem lại hiệu quả rất cao.
Theo Uy Vũ