Đạo làm trò của Hoàng Giap Nguyễn Khắc Niêm
Hotline

Đạo làm trò của Hoàng Giap Nguyễn Khắc Niêm

Cụ Nguyễn Khắc Niêm đã không chỉ làm tròn đạo lý với thầy mà còn tỏ lòng tôn kính với cả vợ con, gia quyến của thầy khi thầy mất
 
 
 
 
(ĐHVH) Ở bất kì đất nước nào, thời đại nào, người thầy cũng nhận được sự tôn vinh của xã hội.  Người tôn trọng thầy không chỉ là học trò mà cả cha mẹ học trò, cả làng xã, cả huyện, cả phủ; tôn trọng thầy còn là tôn trọng cả gia đình và những người thuộc gia quyến của thầy. Từ đạo lý này, trong lịch sử Việt Nam đã có nhiều câu chuyện cảm động về đạo làm trò, trong đó có câu chuyện về đạo làm trò của cụ Hoàng giáp nhà Nguyễn: Nguyễn Khắc Niêm.
Nguyễn Khắc Niêm (1888-1954), quê làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1907, ông thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi đình Đinh Mùi, tại Huế. Cụ đã nhận nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình Huế Thượng thư Bộ Lễ, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa. Sau năm 1945, cụ tích cực tham gia công tác tại địa phương.
Nguyễn Khắc Niêm còn là người cha của một gia đình tập trung nhiều trí thức văn hóa lớn của đất nước như: Bác sĩ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Khắc Viện; Giáo sư, Tiến sĩ thần học Nguyễn Khắc Dương; nhà văn Nguyễn Khắc Phê; Giáo sư văn học Nguyễn Khắc Phi; dược sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo. Có thể nói, cụ Nguyễn Khắc Niêm là nhà Nho lớn trong lịch sử Việt Nam, chính tấm gương trí tuệ và đạo đức sáng ngời của người cha đã giáo dục nên một thế hệ những trí thức lớn có nhiều đóng góp cho đất nước.
Có nhiều câu chuyện kể về cụ Hoàng Giáp, trong đó câu chuyện được người dân vùng Hương Sơn nhắc đến nhiều nhất vẫn là chuyện về đạo làm trò của cụ. Trước khi đỗ đạt làm quan, cụ Nguyễn Khắc Niêm thụ giáo cụ Nguyễn Duy Dư ở Sơn Tiến, cách nhà 4km. Đây là người thầy nổi tiếng hay chữ được Hội Ta văn hàng Huyện tôn là "Hương Sơn tứ hổ".  Trong kì thi Hương năm 1906, hai thầy trò cùng đi thi nhưng chỉ có cụ Nguyễn Khắc Niêm đậu cử nhân và tiếp tục đậu Hoàng giáp trong kì thi Đình ở Huế, còn thầy Nguyễn Duy Dư chỉ đậu tú tài. Nhưng không đợi được 3 khóa tú tài để được thi Hội thì năm 1909 cụ từ trần. Trong truyền thống người Việt, khi thầy mất học trò cũng để tang thầy 3 năm nhưng không mặc tang phục, gọi là tâm tang. Thầy mất, học trò chịu tang kính thầy là lẽ đương nhiên, điều đáng nói là 30 năm sau, khi đã là Thượng thư Bộ Lễ, biết tin vợ thầy mất cụ vẫn lặn lội đường xa về phúng viếng. Khi nghe tin có Thượng thư về viếng tang thầy, Tri huyện tiếp điện đã ra lệnh cho tổng lý địa phương đem kiệu và võng lọng ra tận bờ sông đón rước. Thế nhưng khi đến cổng xóm vào nhà thầy, cụ đã xuống cán, đi chân đất, có hai lính hầu dìu hai bên lên tận nhà thầy trên đỉnh đồi, mặc cho đất đá lởm chởm trên đường. Thấy thế, quan địa phương cũng vội cắp giầy, chân đất mà đi theo. Vì là thế huynh nên mặc dầu là dân thường và ít tuổi hơn nhưng con trai cụ Tú vẫn được cụ Thượng thư vái chào rất cung kính. Cụ Nguyễn Khắc Niêm đã không chỉ làm tròn đạo lý với thầy mà còn tỏ lòng tôn kính với cả vợ con, gia quyến của thầy khi thầy mất. Thử hỏi đạo làm trò thể hiện đến mức đó thì có ai bằng?
Ông cha ta có câu: "Không thầy, đố mày làm nên",  vị trí của người thầy luôn luôn được đề cao trong mọi thời đại bởi đó chính là những người đào tạo nên nhiều thế hệ hiền tài cho đất nước. Ta hiểu vì sao cụ Chu Văn An được trọng vọng, được đưa vào thờ trong Văn Miếu, ta hiểu vì sao Quang Trung ba lần mời Nguyễn Thiếp- một thầy giáo nổi tiếng- làm quân sư chính để thu phục sĩ tử Bắc Hà, và ta cũng hiểu vì sao chỉ có ở Việt Nam ngày hiến chương nhà giáo trở thành ngày Nhà Giáo Việt Nam. Cụ Nguyễn Khắc Niêm là một nhà Nho thấm nhuần đạo lý Khổng Tử, cụ lại là một Thượng thư Bộ Lễ, tấm lòng của cụ bày tỏ với thầy đã không chỉ là chuyện đạo làm trò của riêng cụ mà là biểu hiện cao đẹp của sự tiếp nối đạo lý truyền thống của dân tộc và là tấm gương sáng để hậu thế nhìn vào, suy ngẫm và noi theo!
 
 Bùi Thu Linh

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio