Nghiên Cứu Điều Trị HIV/AIDS trên thế giới và ở Việt Nam
Hotline

Nghiên Cứu Điều Trị HIV/AIDS trên thế giới và ở Việt Nam

1. Tình hình nghiên cứu điều trị ở thế giới
Chúng ta biết rằng thế giới hiện nay có 4 hướng điều trị HIV/AIDS chính đó là:
1/ Điều trị đặc hiệu: Dựa vào chu kỳ nhân lên của virus để dùng thuốc tổng hợp hoá học tấn công. Các thuốc đó gồm: AZT, đI, đC, Saquinavi, Indinavir, Ritonavir... nhằm ức chế enzym sao chép ngược và ức chế enzym proteaza khiến cho virus không thể hình thành và giải phóng ra khỏi tế bào chủ được.
Qua sử dụng các thuốc trên cho thấy chúng có tác dụng tốt cho điều trị các bệnh nhân HIV/AIDS vì chúng làm giảm dần số lượng virus trong cơ thể và làm tăng trong máu tế bào lympho TCD4 – là tế bào đích mà các virus HIVtấn công.
Gần đây theo công trình của Ho, người ta còn thấy tác dụng hiệp đồng của 2 – 3 thuốc sử dụng cùng một lúc trên chu kỳ nhân lên của virus sẽ vừa làm giảm sự kháng thuốc của virus, vừa làm tăng hiệu lực diệt virus nhân lên nhiều lần, đồng thời lại ít độc hơn cho bệnh nhân.
Năm qua người ta lại khuyến cáo trong điều trị AIDS nên sử dụng phương pháp định kỳ dùng thuốc để virus có dịp hồi phục lại và khiến hệ thống miễn dịch nhận diện để tấn công tiếp.
2/ Điều trị phục hồi miễn dịch: Điều trị này nhằm mục đích làm tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại virus. Các thuốc gồm INFa, g để chống lại sarcoma Kaposii, IL-2, GM-CSF.
3/ Điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội như đối với vi trùng, vi khuẩn. Ví dụ: trực trùng lao thì dùng đa kháng sinh như INH, Rifamycin, Streptomycin...; vi khuẩn lậu thì dùng Ciprofloxacin; đối với virus như Herpes simplex thì dùng Acyclovir, Gancylovir; đối với ký sinh trùng như P. Carinii thì dùng Pentamidin, như P. Gondii thì dùng Sunfadiazin; đối với naasm nưh Candida albicans thì dùng Nistatin.
4/ Điều trị dự phòng bằng vacxin: Hướng điều trị dự phòng bằng vacxin là hướng triển vọng, nhưng khó vì virus HIV sống lưu lại trong cơ thể một cách tiềm ẩn và luôn luôn biến đổi. Hiện nay thế giới đang thử nghiệm các loại vacxin sau đây: vacxin nhược độc, vô hoạt, tái tổ hợp, vacxin dùng toàn bộ con virus hay chỉ dùng kháng nguyên bề mặt hay kháng nguyên lõi.
Gần đây một nhóm các nhà khoa học Mỹ của Trường Tổng hợp California, Los-Angeles làm vacxin bằng cách lộn ngược bên trong của virus HIV để hệ miễn dịch dễ sinh ra kháng thể đặc hiệu để tấn công và mặt khác lại kích thích tiết ra nhiều interferon-g để chống lại virus.
Đối với điều trị đặc hiệu với các thuốc kháng retrovirus.
Gồm 5 cách:
Cách 1: Các thuốc ức chế sự xâm nhập virus vào lympho TCD4
Cách 2: Các thuốc ức chế sao chép ngược ức chế enzym RT (ddI, AZT, ddC)
Cách 3: Các thuốc ức chế integrase xúc tác sự hợp nhất ADN của virus với ADN của tế bào.
Cách 4: Các thuốc ức chế enzym protease tham gia trong sự giải phóng virus khỏi tế bào như indinavir, sacquinavir.
Cách 5: Các antisens oligonucleotid
Về mục đích của điều trị
- Làm giảm thiểu tối đa lượng virus
- Tái lập hoặc duy trì tình trạng miễn dịch
- Cải thiện lâm sàng, cải thiện đời sống
Về tác dụng phụ của điều trị tân dược (bằng hoá chất)
- Thiếu máu, suy tủy, nôn oẹ, mệt nhọc, viêm gan, viêm thận mãn, rối loạn tiêu hoá.
Các thuốc này lại quá đắt nên hướng hiện nay là sử dụng các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học để điều trị đặc hiệu và nâng cao sức miễn dịch.
Trong các hướng dẫn điều trị HIV/AIDS nói trên thì hướng điều trị đặc hiệu là quan trọng nhất, trực tiếp tấn công vào sự sinh sản của virus. Nhưng virus lưu lại trong cơ thể một cách tiềm ẩn nên phải điều trị lâu dài (có khi suốt cả cuộc đời) – mà điều trị lâu dài thì dễ gây nhiễm độc cho cơ thể và sinh ra tốn kém. Mỗi năm giá thuốc điều trị phải tốn từ 15.000 – 22.000 USD. Vừa qua ở Hội nghị AIDS quốc tế ở Nam Phi, các hãng thuốc Âu Mỹ đồng ý hạ giá thuốc xuống khoảng 8000 USD/năm để có thể áp dụng được với các nước ở thế giới thứ ba; gần đây một số nước nghèo đã tự sản xuất lấy thuốc điều trị để hạ giá thành hơn nữa.
Tuy có nhiều phương pháp điều trị tiến bộ như vậy nhưng cho tới nay vẫn chưa có một người nào được biết là đã chữa khỏi bệnh HIV/AIDS
Vì điều trị lâu dài nên phải tránh độc hại lại phải có đủ tiền để đeo đuổi được, nhất lại là các bệnh nhân ở thế giới thứ ba – là những bệnh nhân nghèo lại mắc bệnh nhiều nhất, nên thế giới cũng đang nghiên cứu một số thảo dược có hoạt tính sinh học nhằm điều trị nâng cao sức đề kháng để cải thiện phần nào sức khoẻ cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Trên thế giới hiện nay đã có một số các kết quả nghiên cứu một số dược thảo tạo ra các bài thuốc dân tộc:
- Trung Quốc có bài thuốc AIKE gồm 8 vị dược thảo do Viện bào chế thuốc cổ truyền Trung Quốc tại Dalian sản xuất
- Meruelo D. và cộng sự đã công bố trong Proc-Natl.Acad.Sci. USA 1988 về cây Hypericum triquetrifolium có khả năng ngăn cản hữu hiệu sự lây nhiễm HIV và các retrovirus khác.
- Zhang.Y.T. và cộng sự đã công bố trong Immunopharmacol. Immunotoxicol – 1995, cây Trichosanthes Kirilowii có hoạt chất ức chế sao chép virus HIV trong cả tế bào lympho và đại thực bào.
- Cho đến nay người ta đã tìm ra được nhiều cây dược liệu khác có hoạt tính chống HIV đặc biệt trên invitro. Đặc biệt các chương trình sàng lọc có tầm cỡ đã và đang tiến hành tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật, Trung Quốc... gần đây đã phát hiện ra một lượng lớn các hợp chất tự nhiên có hoạt tính chống HIV.
- Cũng cần nói thêm vừa qua hãng Tibotec- Virco có trụ sở ở Vương quốc Bỉ, Ireland và USA đã ký kết với Viện Hoá học – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam một dự án 2 năm đầu tiên (2003-2004) tìm kiếm ở Việt Nam những cây cỏ chống HIV với số tiền trên 300.000 Euro.
Cho nên thế giới hiện nay đi tìm những cây cỏ chống HIV đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ.
2. Tình hình nghiên cứu trong nước
Theo hướng Tây y hiện nay ở nước ta có nhiều cơ sở điều trị các bệnh nhân HIV/AIDS bằng các thuốc tân dược, hoá học mới đó là AZT (Ziđovuine), ddI (Didanosine), ddC (Zaleitabine), 3T (Lamivudine), Nevirapine, Saquinavir, Indinavir, Ritonavir.v.v...
Có thể kể ra một vài bệnh viện dưới đây đã dùng hoá trị liệu phối hợp trị HIV/AIDS như Bệnh viện da liễu tỉnh Khánh Hoà. Theo báo cáo ghi trong tạp trí y học thực hành tháng 5/2000, 5 bệnh nhân đã được lựa chọn, trong đó có 3 nam, 2 nữ qua tháng đầu điều trị đều tăng cân trung bình 1,2kg (cao nhất là 4kg), đến tháng thứ 6 trung bình chỉ tăng 0,5kg. TCD4 tăng lên 8,8% và một số triệu chứng có thuyên giảm như tiêu chảy, nhức đầu...
Điều trị thuốc hoá chất phối hợp có Trung tâm bệnh viện nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 năm hoạt động điều trị có tới 58 bệnh nhân được dùng phối hợp 2-3 thuốc đều có tăng cân, tăng TCD4 và giảm các triệu chứng khác.
Gần đây trong hợp tác với Pháp và Mỹ một số cơ sở điều trị HIV/AIDS trong nước cũng đã đang thử nghiên cứu mạnh các loại thuốc điều trị đặc hiệu.
- Về nghiên cứu một số hợp chất thiên nhiên, Viện Hoá học – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa qua có tiến hành tách chiết một vài hợp chất có hoạt tính chống HIV nhưng chưa đưa vào thử nghiệm trên bệnh nhân.
- Ở phân viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên có Lê Võ Đình Tường công bố năm 2001 về kết quả thăm dò dùng cây thuốc nam làm thuốc điều trị HIV/AIDS (Nhà xuất bản Nông nghiệp, năm 2001). 2 bài thuốc SH1 và SH2 của tác giả thấy báo cáo bước đầu có tác dụng cải thiện sức khoẻ cho người nhiễm HIV.
- Ở Trung tâm Nghiên cứu hoá sinh ứng dụng – Viện Khoa học Việt Nam trước đây, GS.TSKH Đái Duy Ban và cộng sự đã tiến hành ra một số công trình như: Tách chiết một số hoạt chất từ các nguồn dược liệu, xây dựng mô hình suy giảm miễn dịch trên động vật để thử tác dụng hoạt chất tách chiết được, cùng với xí nghiệp Traphaco, sản xuất thử và kiểm nghiệm thuốc tạo được, cùng với Trung tâm Cai nghiện Bình Triệu – BS. Nguyễn Văn Ngái, Trung tâm Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch – TS. Phạm Duy Linh và trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh – GS. Đỗ Đình Hồ và BS Trương Thìn thử các thuốc đó: DT1, DT2, DT3 và DT4 trên bệnh nhân lao có HIV (+).
- Gần đây kế hoạch 2003-2004 của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong hướng nghiên cứu các hoạt chất thiên nhiên do GS Viện sĩ Đặng Vũ Minh chủ trì, GS.TSKH Đái Duy Ban cũng đã nghiên cứu đề tài với nhan đề: “Nghiên cứu sử dụng một số hợp chất thiên nhiên từ thảo mộc có hoạt tính chống HIV” cùng với cộng tác viên GS.TS Lã Đình Mỡi, PGS.TS Phạm Hoàng Ngọc, TS Nguyễn Quyết Chiến.
GS. VS. TSKH. BS. Đái Duy Ban

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio