Trở thành công nhân trong khi bố mẹ đều là giáo sư; “dám cả gan” xông vào lĩnh vực vốn nổi tiếng độc quyền để rồi thành công. Với Nguyễn Chí Linh, ông chủ trẻ công ty TNHH Nhật Linh LiOA, dường như không có gì là không thể.
Người “lập dị” trong gia đình
Trong khi cả gia đình theo nghiệp văn chương báo chí, bố là nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục còn mẹ là giảng viên Đại học Y Hà Nội, chú là học giả nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện, ông là Hoàng Giáp Thượng Thư Triều Đình Huế Nguyễn Khắc Niêm thì riêng Linh lại đeo đuổi đam mê với những máy móc linh kiện điện tử. Trong nhà có cái máy nào là cậu lại táy máy gỡ ra xem xét, rồi chỉnh sửa, cải tiến. Vì thế mà ngay từ còn là học sinh, Linh đã biết sửa chữa các đồ điện tử cho các gia đình trong khu phố.
Thông minh nhưng lười học, mà có lẽ chính do không thích những môn nghiên cứu lý luận nên Linh không chịu học mà suốt ngày chỉ “quay” với mấy bài lý, hóa có tính ứng dụng cao. Trong năm học quan trọng nhất, lớp 10 cuối cấp, Linh bị tai nạn phải nghỉ học đến 3 tháng. Đến khi trở lại, sức học sút hẳn và kết quả kỳ thi đại học năm ấy đã không làm anh hài lòng.
Song anh nghĩ, trong cuộc sống có nhiều con đường để lập nghiệp đâu chỉ riêng con đường học vấn. Nghĩ là làm, anh xin vào làm công nhân cho nhà máy cơ khí Ngô Gia Tự ngay sau khi biết kết quả kỳ thi đại học. Trở thành công nhân, đi ngược hẳn với truyền thống công chức của gia đình, song cả bố và mẹ đều tôn trọng con đường mà con trai họ lựa chọn.
Vừa làm công nhân, Linh vừa làm thêm đủ nghề để kiếm sống. Đến giờ anh vẫn cho rằng, chính từ cuộc sống lăn lộn trong 9 năm trời khi còn là công nhân ấy đã dạy anh rất nhiều điều quý giá.
Đi làm công nhân với đồng lương ít ỏi Linh đã “xoay” thêm đủ nghề, từ nấu rượu, làm săm lốp rồi pin nhưng chẳng cải thiện cuộc sống là bao.
Quá thất vọng vì nghĩ mình chẳng làm nên trò trống gì, Linh quyết không làm gì nữa. Cùng lúc ấy là anh có quyết định chuyển sang phụ trách bộ phận âm thanh của nhà hát kịch Việt Nam. Ấy vậy mà cũng chỉ “trụ” được chừng 2 năm, vì cảm thấy không hợp nghề.
“Linh ổn áp”
Rời nhà hát kịch ra, Linh không làm cho các cơ quan nhà nước nữa mà quyết định đi buôn đồ điện tử. Vốn có chút kinh nghiệm về cơ khí và sửa chữa điện tử nên khách mua hàng của anh nhiều hơn, bởi nếu có trục trặc gì thì anh sửa chữa và bảo hành luôn.
Qua những lần sửa chữa đồ điện cho khách hàng, anh phát hiện ra nguyên nhân là do người dân không biết hoặc sử dụng bừa bãi các thiết bị xút áp để điều chỉnh nguồn điện. Vì hầu hết các sản phẩm của Nhật sản xuất lúc ấy đều chỉ sử dụng nguồn điện 110 V. Muốn sử dụng được bằng nguồn 220 V thì cần có thêm bộ phận biến đổi ổn áp. Thêm vào đó là điện áp không ổn định khiến cho các loại máy “tự chế” của người dân nhanh hỏng.
Sự phát hiện này đã làm cho anh bừng tỉnh và xoay chuyển cuộc đời anh sang một hướng đi mới. Nhiều đêm anh không thể ngủ được, vì cứ chợp mắt anh lại nghĩ ngay đến cái ổn áp. Anh bỏ nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, tự mình học hỏi từ những chiếc ổn áp của Liên Xô.
Không ngờ nhu cầu về loại máy biến đổi nguồn điện này phát triển mạnh mẽ, không chỉ đổi được nguồn điện mà còn phải giữ cho ổn định dòng điện. Trong khi đó, máy móc loại này nhập khẩu từ nước ngoài vào rất ít lại đắt, nên anh quyết định đầu tư vào sản xuất ổn áp dân dụng. Đó cũng là nguyên nhân cho cái biệt danh “Linh ổn áp” ra đời.
- Ngay từ đầu anh đã đặt tên cho sản phẩm này là LiOA?
- Đúng vậy, phải đặt tên cho nó chứ! rất đơn giản, LiOA là tên ghép của tên Linh và hai chữ cái đầu của từ ổn áp.
Nhu cầu về ổn áp, biến áp ngày càng cao, xuất hiện các loại hàng nhái LiOA, để bảo vệ uy tín và thương hiệu của LiOA, năm 1994, anh quyết định thành lập công ty TNHH Nhật Linh với sản phẩm chính là ổn áp dân dụng với diện tích nhà xưởng chỉ vỏn vẹn 0.5 ha.
Nhìn trước tương lai
Làm phải cho ra làm. Những năm đầu, anh quyết định bỏ tiền túi để ra nước ngoài để học hỏi và tham khảo các dây chuyền công nghệ sản xuất của Nga, Trung Quốc, Đức và một số nước Tây Âu. Chiếc máy ổn áp ngày càng được nâng cấp cải tiến nhiều hơn về chất lượng cũng như mẫu mã. Hiện giờ, LiOA không chỉ sản xuất ổn áp dân dụng mà còn vươn cánh tay sang các sản phẩm khác cao cấp hơn như ổn áp 1 pha và 3 pha có công suất từ 0,5 KVA đến 500 KVA, ổn áp ngâm dầu có công suất từ 150KVA đến 1000KVA.
Trong những chuyến xuất ngoại đó, anh nhận thấy “Ở các nước tiên tiến không có nhu cầu về ổn áp, thậm chí một số nước có dòng điện ổn định không sản xuất ra sản phẩm này”.
Và anh sớm nhận ra tương lai của dòng sản phẩm này. Khi dòng điện của đất nước ổn định, các đồ điện tử đã chạy bằng dòng điện 220 V, thì máy ổn áp sẽ không còn chỗ đứng nữa. Mà nguyên nhân của sự mất ổn định này là do các đường dây cáp điện.
Cách đây khoảng 7-8 năm, các đường dây cáp điện rất “thổ phỉ”, theo như cách anh gọi chúng, không có một tiêu chuẩn kỹ thuật nào cả, nhiều tai nạn rủi ro về điện và sự thất thoát điện năng xảy ra phần nhiều là do các sự cố về đường dây. Cần phải có sản phẩm dây cáp điện an toàn một mặt đáp ứng nhu cầu xã hội một mặt để tìm lối ra cho chính công ty khi mặt hàng ổn áp đi xuống.
Năm 1998, anh bỏ ra hơn 10 triệu USD xây dựng nhà xưởng dây cáp điện. Hiện đây là nhà máy sản xuất cáp điện lớn nhất Việt Nam. Anh cho rằng đây là bước ngoặt lớn của mình. Sự mạnh dạn này bước đầu cũng đã được đền đáp. Người tiêu dùng không chỉ biết đến sản phẩm ổn áp của LiOA mà còn biết đến sản phẩm dây cáp.
Anh nhấn mạnh, đầu tư vào dây cáp điện anh không hề có “âm mưu” xuất khẩu gì, chỉ mong đáp ứng được nhu cầu trong nước là tốt lắm rồi. Bởi hiện nước ta vẫn phải nhập siêu mặt hàng này.
Vấn đề bức xúc nhất của anh hiện nay là gì?
- Nhà nước mình cần phải có một cơ chế xử phạt thật nặng với những trường hợp làm giả làm nhái hàng hóa.
Bởi chính anh đã gặp phải sự cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt này. Thực tế, sau 4 năm đầu tư vào dây chuyền sản xuất dây cáp điện, LiOA vẫn phải chịu bù lỗ. Gian khổ cực nhọc, thậm chí bị thua lỗ anh vẫn chịu được, nhưng anh không đành lòng ngồi nhìn các mặt hàng giả hàng nhái vẫn “lộng hành” tồn tại.
Tuy nhiên, trong thâm tâm của vị tổng giám đốc trẻ này vẫn còn có nhiều hy vọng về một tương lai sáng lạn hơn cho sản phẩm dây cáp điện. Mặc dù, trong phương diện kinh doanh có thể anh cho đó là thất bại, nhưng ý tưởng chuyển sản phẩm dây cáp điện thành sản phẩm chủ lực thay thế ổn áp LiOA vẫn nằm trong tầm nhìn của một người biết nhìn xa trông rộng.
Theo Vneconomy