Con muốn học gì thì học, đừng học làm quan như thầy.
Theo hồi ký của Nhà Văn Hóa Bác Sỹ Nguyễn Khắc Viện: “Bố tôi quê ở Đức Thọ, thời thuộc Pháp là một nhà giáo từng nhiều năm dạy trường Tiểu học Thịnh Xá, sát ngay làng Gôi Mỹ, quê của cụ Nguyễn Khắc Niêm. Nối nghiệp bố, sau Cách mạng Tháng Tám tôi đã từng có những năm dạy trường cấp 2 Võ Liêm Sơn, đóng ngay ở làng Gôi Mỹ.
Tôi đã và vẫn được nghe khá nhiều chuyện tốt đẹp về cụ Nguyễn Khắc Niêm, một vị từng là đại thần triều Nguyễn mà được dân hàng xã, hàng huyện và cả hàng tỉnh kính phục, tôn trọng, ngay cả khi còn tại chức và khi đã về quê vui thú điền viên, ngay cả trước và sau Cách mạng Tháng Tám.”
Về trí thông minh và tài học, dân trong vùng coi Nguyễn Khắc Niêm là thần đồng. Lúc còn là một cậu bé, khi người lớn ra vế “Bộ ghế ngựa”, cậu đã biết đối “Tấm rèm voi”. Một lần cùng bạn bè lứa tuổi chơi ở sân nhà một vị quan, vị quan muốn thử tài đám trẻ con, ra vế đối “Trong nhà không bạch đinh” Nguyễn Khắc Niêm đã đối ngay “Ngoài sân có hoàng giáp”.
Hương Sơn, thuộc tỉnh Hà Tĩnh, cũng như Quảng Nam, Quảng Ngãi từ xa xưa tới nay vốn là đất học, có nhiều người đỗ đạt. Về Hán học, cử tú rất nhiều, tiến sĩ cũng không ít. Nhưng có được một vị vào thi đình đỗ Hoàng Giáp, lại đỗ đại khoa khi mới 19 tuổi(*) như Nguyễn Khắc Niêm thì quả là rất hiếm.
Trong bài trướng thay mặt các thân sĩ An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) tặng Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, cụ Cao Xuân Dục (1843-1923), một học giả, nhà văn hóa, nhà văn, từng giữ chức Thượng thư Bộ Học đã viết: “...Người có đức thì lời văn thuần nhất, người có học vấn thì trí thức toàn diện, người có lý lẽ minh bạch thì sách luận khúc chiết. Ở Nguyễn quân (Nguyễn Khắc Niêm) hội đủ tất cả những điều trên. Văn là người, gọi Nguyễn quân là một trang thiếu niên anh tuấn cũng đáng mà gọi là một bậc lão thành cũng không phải là không xứng. Con người ấy tuổi trẻ mà văn già dặn, lại đỗ cao, tất cả những điều đó đều đáng truyền tụng...”.
Với học vị Hoàng Giáp, Nguyễn Khắc Niêm đã được liệt vào bậc hiền tài nguyên khí của quốc gia, họ tên được ghi bảng vàng, khắc vào bia đá lưu lại đời sau. Đó là một trong những yếu tố suy tôn Cụ là nhà văn hóa.
Là một vị đại khoa, chắc Cụ có nhiều tác phẩm văn thơ, nhiều công trình văn hóa. Tiếc rằng qua những biến động xã hội, các tác phẩm đã bị thất tán, con cháu và những người thân kẻ nhớ được đoạn này, người đoạn khác. Tuy nhiên vẫn còn đó 4 câu đối trên cột trụ Thương bạc Huế hai đôi ở phía mặt Thượng Tứ, hai đôi ở phía mặt sông Hương), nhiều câu đối bức hoành ở đền, đình, nhà thờ họ; câu đối mừng học giả Hoàng Xuân Hãn, câu đối viếng cụ Hoàng Giáp Đặng Văn Thụy, bài bình tập thơ Ái Châu danh thắng; các bài thơ viết dâng tổ tiên và các bậc sinh thành... Đặc biệt khi làm quyền Tổng đốc Thanh Hóa, đến thăm động Từ Thức. Cụ đã viết bài học giả và nhà thơ có tiếng dịch ra thơ nôm, và gần đây đã được UBND tỉnh Thanh Hóa, theo đề nghị của sở Văn hóa Thông tin cho khắc vào bia đặt trước cửa động. Bài thơ không chỉ mang giọng văn hàn lâm mà còn là một tác phẩm của một tâm hồn thơ đích thực.
Có lẽ ban đầu bước vào hoạn lộ, Nguyễn Khắc Niêm muốn đem tài học của mình chấn hưng nền giáo dục và văn hóa. Cụ đã từng là Đốc học Nghệ An, Tư nghiệp (tương đương hiệu phó) trường Quốc Tử Giám Huế. Cụ cũng đã là giám khảo thi Hội năm 1910 ở Huế, thi Hương năm 1912 ở Bình Định. Năm 1920 đảm trách tổ chức các trường học Pháp Việt ở Nghệ An...
Khi thực dân Pháp bỏ các kỳ thi chữ Hán, nhà hoạt động văn hóa Nguyễn Khắc Niêm không còn đất để thi thố tài học, đành phải chuyển sang làm quan hành chính, đã từng giữ các chức Án sát Nghệ An, Thị lang, Tham tri Bộ Hình, Tuần vũ Khánh Hòa, Phủ doãn Thừa Thiên... Tháng 8-1941 là quyền Tổng đốc Thanh Hóa và đến tháng 2-1942, chán cảnh làm quan, cụ đã xin về hưu trước tuổi...
Nói về các vị quan triều Nguyễn thời thuộc Pháp, nhận thức của chúng ta, qua những nông nổi tả khuynh một thời, ngày càng chín chắn hơn, trúng hơn. Tất nhiên là có những “ông quan” bán mình cho quỷ dữ, vô luân đối với dân với nước, lấy sự tàn bạo để lên chức lên quyền. (Những kiểu quan này thì thời nào cũng có!). Nhưng, có thể nói không ít các vị quan, đặc biệt là các vị xuất thân khoa bảng, thấm thuần Nho giáo, đều cố gắng giữ đạo làm quan. Các vị tự biết mình không thể dấn thân để làm cách mạng thì đành giữ một chức quan để vinh hiển gia đình đã đành, nhưng cũng mong đem những sở đắc của mình giúp dân, giúp nước.
Các vị đó làm quan, có người là quan rất to nhưng luôn cố gắng giữ lấy thiên lương. Các cụ Cao Xuân Dục, Đào Tấn, Đặng Văn Thụy, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, v.v... là những nhân vật tiêu biểu. Có không ít vị quan khi có dịp vẫn tìm cách kín đáo giúp đỡ cách mạng. Lúc phải xét xử các chính trị phạm, họ kín đáo bày cho cách khai cung để giảm nhẹ tội. Điều này đã được đích thân đồng chí Nguyễn Xuân Linh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tỉnh và đồng chí Đỗ Đức Chước, nguyên Tỉnh ủy viên Hà Tĩnh, cả hai đều từng là chính trị phạm bị tù đày, trực tiếp kể cho nghe.
Theo nhận thức của các nhân sĩ, trí thức và cả của những nhà cách mạng vùng Hương Sen và tỉnh Hà Tĩnh thì cụ Nguyễn Khắc Niêm cũng là một vị quan biết giữ phẩm cách. Khi thi đỗ đại khoa, được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái, nhà vua đề nghị mỗi vị hãy góp kế sách để phục hưng quốc gia, Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu:
Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy
Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy.
(Trần Đại Vinh đã tạm dịch:
Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp
Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong).
Những phương châm ứng xử nói trên của Cụ, đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, qua lời kể trong cuốn Bàn về đạo nho cũng đã hé mở cho chúng ta biết một ít tâm sự của phụ thân mình. Nhuyễn Khắc Viện kể: năm 1934, thầy tôi làm Tuần vũ Khánh Hòa, tôi đỗ tú tài sắp vào đại học, ông bảo tôi: Con muốn học gì thì học, đừng học làm quan như thầy. Năm 1937 tôi đi Pháp, ông tiễn tôi đến bến tàu thủy Sài Gòn. Trước khi tôi lên tàu ông trao cho tôi một bức thư bảo: Tàu ra đến biển, con mở ra xem. Không dặn dò gì khác. Tàu kéo neo ra biển, mở thư xem: “Thầy chắc chắn con sẽ học hành đầy đủ, không căn dặn gì thêm, chỉ mong con không lấy vợ đầm.”
Nguyễn Khắc Viện còn kể tiếp về cuộc đời làm quan của thân phụ mình. Năm 1930, khi Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi lên, Pháp cần những ông quan trung thành để cai trị Vinh, bèn đẩy hai chức quan trọng của tỉnh là Tổng đốc Phạm Liệu và Án sát Nguyễn Khắc Niêm là hai nhà Nho, hai vị tiến sĩ được Nho sĩ trong tỉnh tin phục về ngồi “cạo giấy” tại các Bộ ở Huế.
Đúng như lời kể của Nguyễn Khắc Viện, nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng để thay thế Phạm Liệu và Nguyễn Khắc Niêm, thực dân Pháp và Nam triều đã cử Nguyễn Hữu Bài làm Khâm sai đại thần và một vị Thượng thư Bộ hình ra trực tiếp làm Tổng đốc An Tĩnh để tiến hành cuộc khủng bố đẫm máu.
Chúng tôi phải kể lại cụ thể tình hình trên để thấy rằng cụ Nguyễn Khắc Niêm, do giữ đạo làm quan của mình, đã không được thực dân Pháp và Nam triều tin dùng trong việc đối phó với Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Về ý thức làm quan của Cụ, có người còn kể rằng khi chuẩn bị ra Thanh Hóa nhậm chức quyền Tổng đốc, gặp người nhà đến chúc mừng. Cụ đã trả lời giọng hài hước: “Mừng gì cháu! On peut mettre n’importe qui, n’importe òu pour faire n’im - porte quoi!” (câu tiếng Pháp có nghĩa là: họ có thể đặt bất cứ ai vào bất cứ đâu để làm bất cứ gì chẳng được!”). Câu nói đó chứng tỏ Cụ cũng đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của câu nói nổi tiếng của cụ Phó bảng Sắc, thân phụ Bác Hồ: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hữu nô lệ”.
Với một ít mẩu chuyện nói trên cũng đã có thể thấy rõ cụ Nguyễn Khắc Niêm thuộc hàng quan hữu đạo, nói theo chữ mà một số chúng ta thường dùng hiện nay là biết giữ văn hóa làm quan.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các nhà chức trách Nghệ An đã đòi những người đã từng làm quan ở Nghệ An về Vinh để xét tội. Trong đó dĩ nhiên có cụ Nguyễn Khắc Niêm. Một số nhân sĩ, trí thức, cán bộ Việt Minh và nhân dân ở Hương Sơn và các xã vùng Thịnh Xá, Gôi Mỹ đã kịp thời làm thư kiến nghị không xét xử Cụ. Kết quả là Cụ đã được miễn nghị.
Sau Cách mạng Tháng Tám, với quá khứ là một đại thần triều Nguyễn, Cụ vẫn tích cực tham gia công tác, không nề hà cấp thấp, cấp cao, từ Hội đồng nhân dân xã, Ủy ban phòng vệ huyện Hương Sơn, Ban văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, Ủy viên chấp hành Mặt trận Liên Việt, kiêm Trưởng ban Cứu trợ thương binh Liên khu 4. Vào khoảng năm 1952, Cụ đã có giấy mời ra Việt Bắc họp hội nghị Liên Việt Trung ương, nhưng tiếc thay cụ yếu, không đi được.
Có một chi tiết này cũng đáng để chúng ta hiểu thêm về Cụ. Khi cố vấn Vĩnh Thụy bỏ trốn rồi trở về lập chính phủ quốc gia, cho máy bay rải truyền đơn vào vùng Nghệ Tĩnh kêu gọi nhân dân ủng hộ. Trong một cuộc trao đổi giữa các quan lại cũ của triều Nguyễn, cụ Nguyễn Khắc Niêm đã dứt khoát tuyên bố: “Cố vấn Vĩnh Thụy ly khai, lập chính phủ mới tự xưng là Quốc trưởng. Chúng ta đã được cựu Hoàng đế Bảo Đại tháo bỏ mọi bổn phận đối với nhà Nguyễn. Chúng ta không có bổn phận gì đối với Quốc trưởng Vĩnh Thụy cả! Và mệnh trời đã rõ khi ấn kiếm đã được trao vào tay Chính phủ Cụ Hồ”.
Định nghĩa văn hóa, Armold Toynbee, sử gia Anh nổi tiếng toàn thế giới đã chấp nhận: Văn hóa là những quy tắc thường xuyên trong ứng xử bên trong và bên ngoài của các thành viên của một xã hội. Trong quan trường. cụ Nguyễn Khắc Niêm đã có cách ứng xử nhất quán và phải đạo. Còn trong gia đình và xã hội thì sao? Giáo sư Vũ Ngọc Khánh cho biết: “Nguyễn Khắc Niêm là người cha trong một gia đình thật độc đáo, hội tụ được nhiều nguồn văn hóa xa gần. Ở đây có đủ mặt, người theo chủ nghĩa cộng sản, người theo Phật giáo, người theo Công giáo, người theo Nho giáo. Ở đây cũng có người có vốn kiến thức Tây phương, có người chuyên trách về văn học Trung Quốc, có người là bác sĩ y khoa, là dược sĩ, kỹ sư, có người dạy đại học, dạy phổ thông, lại có người chuyên về công tác Đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp phụ nữ... Gần như tất cả các luồng văn hóa Đông, Tây, cũ mới đều quy về gia đình này”.
Và tất cả những người đó, những con trai, con gái của cụ Nguyễn Khắc Niêm qua những lời kể đầy xúc cảm của mình đều thừa nhận họ đã thừa hưởng được rất nhiều từ phong cách ứng xử của người cha. Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện đã từng bộc bạch: Thầy tôi không lấy sách Khổng, Mạnh dạy chúng tôi, nhưng bao quanh cuộc sống của chúng tôi thời tấm bé là một không khí đặc biệt.
Ra vào lễ phép, ăn nói nhẹ nhàng... Đứng về góc độ tâm lý học mà nói, tôi đã tự đồng nhất với hình ảnh của bố tôi về nhiều mặt từ lúc còn nhỏ, một cách vô thức.
Còn về mặt xã hội? Đến vùng đất Sơn Hòa và huyện Hương Sơn, cho đến ngày nay khi Cụ đã mất đúng 58 năm, chúng tôi khi hỏi chuyện về Cụ vẫn được nhân dân kể lại nhiều điều tốt đẹp. Nào chuyện Cụ lúc còn là quan đại thần về thăm quê, đã cởi giày, dép, đi chân đất đến chào thầy học cũ nhà ở tận núi cao. Nào việc Cụ bốc thuốc không lấy tiền cho dân nghèo, việc Cụ đối xử rất chân tình, bình đẳng với các bậc trưởng lão và nhân dân trong làng, trong huyện... Đặc biệt là chuyện nạn đói năm 1945, Cụ là người độc nhất trong huyện Hương Sơn đã xuất gạo nấu cháo phát chẩn cho dân làng.
Khó kể hết những chuyện tốt đẹp về Cụ. Chỉ xin nói thêm rằng năm 1995, trong dịp con cháu Cụ đưa di hài của Cụ ông và Cụ bà từ Hà Nội về an táng tại quê nhà Sơn Hòa, ông Nguyễn Chưởng, giáo viên hưu trí xã Sơn Thịnh, đã thay lời phát biểu bằng 4 câu thơ:
Thế thượng chỉ anh
Nho môn đẩu tinh
Đại khoa khôi giáp
Thảo gia lưu danh.
(Trần Đại Vinh dịch:
Anh hoa đáng mặt trên đời
Là sao Bắc Đẩu giữa trời Nho gia
Rõ ràng đầu bảng đại khoa
Lưu danh muôn thuở nếp nhà thanh cao).
***
Khi bài thơ này ra đời, Cụ đã mất trên 40 năm. Nhưng dù thời gian có làm phai mờ những ký ức thì trong lòng nhà giáo Nguyễn Chướng, và có lẽ trong lòng nhiều nhà trí thức, cụ Nguyễn Khắc Niêm vẫn là một ngôi sao sáng giữa trời Nho gia, giữa một xã hội đầy biến động và nhiều nhũng nhiễu.
Trong phạm vi một bài báo, tôi không thể kể thật đầy đủ những lý do giúp tôi khẳng định rằng cụ Nguyễn Khắc Niêm xứng đáng được coi là một danh nhân văn hóa. Cho nên xin đề nghị trong các bộ sách viết về văn hóa Việt Nam sẽ ra đời trong tương lai, bên cạnh phần về Nguyễn Khắc Viện, nên dành những trang đẹp và chân tình về nhà giáo, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Niêm, người đã mở đường và đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện và các danh nhân tộc Nguyễn.
Nhà văn ĐOÀN MINH TUẤN