Nhà Văn Nguyễn Khắc Phê
Hotline

Nhà Văn Nguyễn Khắc Phê

Bố anh từng đậu Hoàng Giáp năm 19 tuổi. Các anh trai đều là bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi... Có người nói vui “Nguyễn Khắc Phê con nhà quan tính nhà lính”.
 
 
 
 
 
 
Nguyễn Khắc Phê quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Anh xuất thân trong một gia đình trí thức. Bố anh từng đậu Hoàng Giáp năm 19 tuổi. Các anh trai đều là bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng như Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi... Có người nói vui “Nguyễn Khắc Phê con nhà quan tính nhà lính”.
 
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
Năm 15 tuổi, anh từ giã quê hương, gia đình lang thang ở Hà Nội bán sách dạo, dạy kèm kiếm sống. Sau ba năm học ở trường Kỹ thuật giao thông, anh trở thành cán bộ ngành Giao thông vận tải, làm việc suốt 15 năm trời trên tuyến đường Trường Sơn. Anh lăn lộn ở những vùng mũi nhọn, vùng trọng điểm. Nguyễn Khắc Phê thú nhận: cuộc sống ấy chẳng những đã rèn cách sống cần phải có của một người cầm bút chân chính mà còn cho tôi một cái vốn quý vô giá đối với người sáng tác. Một vài trang viết của tôi phần nào có được sức hấp dẫn bạn đọc chủ yếu nhờ ở cái vốn ấy, nhờ được là người trong cuộc, chứ tôi tự thấy mình không có mấy khả năng sáng tạo. Tác phẩm đầu tiên của anh gây được sự chú ý là bút ký Những người đi tiên phong, viết về những người bạn cùng lớp phải bỏ dở khóa học vào Vĩnh Linh mở đường Trường Sơn (in trên báo Văn học, năm 1959). Năm 1968, cuốn sách đầu tay - ký sự Vì sự sống con đường - do nhà văn Nguyễn Khải giới thiệu và NXB Thanh niên ấn hành đã phần nào khẳng định chỗ đứng của anh trên văn đàn. Với vốn sống phong phú tích lũy được, gần mười năm sau anh lần lượt cho ra mắt những tập tiểu thuyết được độc giả quan tâm như: Đường qua làng Hạ (1976); Đường giáp mặt trận (1976); Chỗ đứng người kỹ sư (1980)... Đặc biệt tiểu thuyết Chỗ đứng người kỹ sư đã nhận được giải thưởng Văn học đề tài công nhân 5 năm (1975 - 1980) của Tổng công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1985 đến nay, trong xu thế đổi mới và hội nhập của đất nước, Nguyễn Khắc Phê mạnh dạn đặt ra trong tác phẩm của mình những vấn đề xã hội nóng bỏng, thiết thực, tâm huyết. Không chỉ viết tiểu thuyết, phóng sự, bút ký anh còn viết cả tản văn, bình luận, chân dung văn nghệ sĩ. Mỗi bài viết của anh đều gợi cho người đọc những điều cần suy nghĩ về tự do, về lẽ công bằng, về lòng nhân ái...Cho đến nay, sau 50 năm cầm bút, Nguyễn Khắc Phê đã xuất bản: 9 tập tiểu thuyết; 2 tập ký sự, phóng sự, bút ký; 2 tập nghiên cứu phê bình; 2 tập tản văn... Ngoài giải thưởng về đề tài văn học công nhân, anh còn nhận nhiều giải thưởng có giá trị khác như: Giải thưởng Bông sen trắng, tặng thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; giải thưởng Cố đô...
MAI VĂN HOAN giới thiệu
 
NGUYỄN KHẮC PHÊ
 
Biết đâu địa ngục thiên đường
            (Trích tiểu thiểu)
“Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu”
     (“Kiều” - Nguyễn Du)
 
Chương I
Con tàu suốt Bắc Nam vận hành chưa được bao lâu, ậm ạch trườn lên dốc rồi đột ngột dừng bánh. Không ga, không cờ hiệu, không một tiếng còi. Chỉ thấy một vùng đồi núi um tùm lau lách và cỏ dại vây quanh. Ấy là cái thời “con tàu Việt Nam” vừa hồi sinh, bất cần giờ giấc và luật lệ. Tàu chậm 4-5 tiếng đồng hồ cũng chẳng cần xin lỗi ai. Hầu hết hành khách đang gật gà ngủ bỗng choàng tỉnh. Bóng đêm bao quanh đoàn tàu chỉ vừa mới bắt đầu bị pha loãng bởi những ánh hồng từ phía biển dọi lên.
- Tàu với bè như con c...!
Kẻ văng tục là anh chàng có dáng một lái buôn đường dài vừa tỉnh giấc, đang oằn người trên ghế gỗ xỉn màu bởi trăm ngàn thứ mồ hôi và ghét bẩn chất chồng qua năm tháng.
- Tàu Việt Nam mình e “tự do” nhất thế giới!
Ai đó ở hàng ghế sau chợt góp lời bình, giọng lè nhè như người say. Vị khách ngồi đối diện chàng lái buôn, khẽ nâng chiếc mũ cối từ nãy vẫn úp sụp trước mặt để “ngụy trang” giấc ngủ, lên giọng:
- Hừ! Bao nhiêu xương máu mới có ngày nối được đường tàu Thống Nhất này, đừng có mỉa mai.
- Ơ! Ai dám mỉa mai thưa ông! Thì tàu muốn dừng, muốn chạy lúc nào cũng được, không phải tự do nhất thế giới là gì?
Thế là cả toa tàu cùng tỉnh giấc. Có lẽ chỉ còn một vị khách nằm dưới chân ghế, trên sàn tàu bụi bậm đầy những mảnh vỏ trái cây và giấy loại, là đang ngái ngủ. Cái thân hình mảnh nhỏ co quắp trong tấm áo khoác vi-ni-lông đen xỉn bỗng khẽ cựa quậy, rồi ngước lên hỏi:
- Tàu đến mô rồi các o các chú?
- Qua Hải Vân rồi! Dậy đi bố! Ngủ gì mà ngủ lắm thế!
- Ờ...ờ...
Người nằm co quắp trên sàn tàu lại khẽ cựa mình rồi nằm yên. “Vậy là gần đến Huế rồi!...” Ý nghĩ thầm lặng mà anh có cảm tưởng như ai đó vừa kêu vang, tiếng kêu vuốt dài tựa mũi khoan khiến anh muốn chồm dậy ngay. Nhưng biết bao là ý nghĩ lẫn lộn ùa đến cùng những hình ảnh trong giấc mơ đang thoáng hiện lại vừa như gánh nặng kéo anh trĩu xuống, vừa như một cuốn phim hấp dẫn, giàu sức suy tưởng, khiến anh muốn nằm yên để nhấm nháp và ngẫm nghĩ. Ôi chao! Chặng đường đời anh vừa trải qua, nghĩ dài thì cũng thật là dài với biết bao biến cố, dằn vật; nhưng nhiều lúc anh lại thấy nó chóng vánh hư ảo như một giấc mơ. Đời là cõi tạm mà! Anh đã qua tuổi 50; cũng coi như xong một đời! Chỉ còn một món nợ, một nỗi ân hận, như chiếc neo giữ anh lại với trần thế. “Tàu với bè thế này, không biết mình đi ra có kịp gặp mẹ không?...” Ngày bố mất, vì non sông cách trở, anh đã chẳng thể về chịu tang. Gần một năm sau anh mới biết tin, chỉ còn biết thắp nén hương hướng về trời Bắc xa xôi mịt mù, cầu mong vong linh bố tha tội cho đứa con bất hiếu. Nay đất nước đã liền một dải, nếu anh không kịp về bên mẹ thì đúng là số trời định bắt anh phải ân hận suốt đời. Mẹ đã chờ anh hơn 20 năm trời đằng đẵng với bao nỗi nghi ngại, đau đớn. Anh là một đứa con đi lạc, chứ nào phải trong đội quân chiến thắng trở về!...
Anh bỗng thấy hồi hộp và như hoảng sợ nữa. Mẹ trông đợi hơn 20 năm trời để gặp lại một kẻ thất cơ lỡ vận, nhếch nhác như đứa ăn mày thế này sao? Nỗi hoảng sợ dù chỉ thoáng qua, đã khiến anh cứ muốn nằm co giấu mình trong tấm áo choàng lem luốc. Cho đến khi một nhân viên đường sắt đá nhẹ vào chân anh:
- Sáng bạch rồi! Dậy cho người ta quét dọn ông nội! Vé đâu?
Anh lồm cồm bò dậy, đôi tay như luống cuống khi mở dây buộc túi vải; mở được dây, lục ra gói ni lông bọc kỹ chiếc ví, moi hết lớp này đến lớp khác vẫn không thấy vé đâu. Anh mua vé tận ga Sài Gòn, có ghế ngồi ghi số hẳn hoi, vậy mà run sợ đến toát mồ hôi. “Con chim bị đạn sợ làn cây cong” mà! Anh vừa chợt nhớ ra chiếc vé bỏ ở túi áo trong, đang lúi húi mở cúc, gỡ kim băng thì người soát vé liếc xéo anh với ánh mắt đầy xoi mói:
- Lậu vé hả? Giấy tờ đâu?
Không một ai tỏ ra khó chịu với thái độ cửa quyền trịch thượng của gã soát vé. Trong ngành đường sắt, anh ta thuộc hàng nhân viên bậc thấp, nhưng ở đây, anh ta to quyền nhất; đường sắt là ngành độc quyền, giữa vùng đồi núi hoang vu này, nơi không có phương tiện giao thông nào khác, vị thế độc quyền của “anh” đường sắt càng uy nghiêm. Anh muốn lôi thôi ư? Cho xuống tàu ở đây thì chỉ có khóc với sên vắt thôi! Thế đó, quyền năng như trời ban, gã soát vé hách dịch là phải! Chưa nói đến bộ dạng kẻ lậu vé rất đáng ngờ.
Trong giây lát, gần chục cặp mắt chĩa tia nhìn vào anh. Đúng là một kẻ khả nghi! Mặt mũi hom hem, râu ria không cạo như tù mới vượt ngục, ăn mang lôi thôi như một kẻ bụi đời, nhưng dưới cái trán cao bóng lộn lại là cặp kính cận rất trí thức! Anh cũng muốn các bạn đường đừng nhìn anh khinh rẻ như một tên lậu vé; còn bảo anh là kẻ bụi đời thì đích đáng rồi! Chính là hồi nửa đêm, khi cái lưng còm nhom mỏi nhừ, anh chàng lái buôn đường dài ngồi đối diện gác chân lên cả chỗ anh ngồi và cô ả vú vê thỗn thện cùng đi với anh ta thì cứ gật gà đổ dựa vào anh, phả mùi nước hoa rẻ tiền lẫn mồ hôi nồng hắc tận mũi anh, anh đã tặc lưỡi rồi buông mình xuống sàn tàu. Thoạt đầu, các mùi vị từ rác rưởi, hàng hóa xung quanh và cả mùi từ các bàn chân cùng thân thể các bạn đường hai ngày đêm không được tắm rửa tỏa xuống đã khiến đôi cánh mũi nhạy cảm của anh phản ứng. Nhưng chỉ giây lát, anh đã tìm ra được điều an ủi vui vẻ: “Mà mình đây cũng hơn tuần rồi không tắm rửa! Nghĩ cũng lạ, con người ta chỉ tài đánh hơi ra sự xú uế của thiên hạ, còn bản thân mình mốc thiu vẫn tưởng là thơm tho! Thôi, xá gì! Con người ta ai rồi cũng đến lúc trở nên hôi thối, cũng trở về cát bụi, tập dần cho quen!”
Anh đã lục tìm ra vé và giấy tờ tùy thân. Tưởng như những cặp mắt sắc nhọn tứ phía đang xía vào anh đọc được tờ giấy thông hành khác biệt với mọi người - giấy chứng nhận người vừa hết hạn ở trại cải tạo - bộ mặt gầy sọm của anh co rúm lại, trông thật đáng thương.
Nhân viên kiểm soát không còn cớ gì để sách nhiễu, dúi trả tấm vé và giấy tờ sát tận mặt anh, khẽ “hừ” một tiếng rồi bước đi.
Đoàn tàu vẫn đứng ì một chỗ. Chẳng ai biết vì lý do gì. Anh chàng buôn đường dài đưa cặp mắt đỏ kè nhìn những bao gói đầy căng chất hầu khắp giàn để hành lý của khoang tàu và lại văng tục:
- Đ. mẹ! Biết tàu bè như cái đếch thế này thì bố nhảy xe cho rồi!
Câu nói của anh chàng sẽ chẳng mấy ai để ý, chẳng có dư âm gì, nếu như đúng lúc đó, đoàn tàu không đột ngột giật mạnh chuyển bánh, khiến một bao hàng trên giàn gác tuột rơi xuống đầu vị khách mặc quân phục đã cao tuổi. Khách không hề hấn gì vì có mũ cối bảo hiểm, lại phản ứng mau lẹ tựa như hồi nãy đã kịp chẹn họng anh chàng mỉa mai sự tự do. Dù vậy, ông cũng lừ mắt cho anh chàng lái buôn một bài học:
- Này, anh muốn nhanh thì cứ việc nhảy xuống mà đi cho đỡ vướng mọi người!
Anh chàng vừa đứng lên buộc lại bao hàng, vừa chọi lại vị khách có lẽ mang chức bậc cao nhất trong toa:
- Tôi muốn lên, muốn xuống mặc tôi, việc đếch gì đến ông!
- Này, có việc đấy! Xin anh hãy lôi cái bao của nợ này về chỗ của anh!
- Ông đếch có quyền gì ở đây! Người ta bán vé chỗ ngồi, chứ có bán chỗ giàn gác đồ cho ông đâu!...
Cuộc đấu khẩu rồi cũng kết thúc. Anh chàng lái buôn đã phải hạ bao tải hàng xuống đặt giữa hai hàng ghế, kèm một tiếng chửi hậm hực:
- Đ. Mẹ! Chúng nó nẻ tính tiền từng bao một, chứ đâu...
- Chú cứ để đó. Bực dọc nóng nẩy làm chi cho mệt người chú. Chen chúc chật chội có khi lại vui. Nhanh cũng đến, mà chậm rồi cũng đến! - Vị khách vừa bị kiểm tra vé, lóp ngóp trồi lên từ sàn tàu, đưa mắt nhìn người bạn đường mặt mũi nhăn nhó chẳng khác chi cái bao tải dưới chân, nhẹ nhàng góp lời bàn. Không ngờ anh chàng khẽ hếch cùi tay ra vẻ khinh thị:
- Thôi đi bố! Bố mới ở trại cải tạo ra, chứ gì đó mà lên mặt dạy đời!
Chuyện chẳng đâu vào đâu, nhưng thế là một lần nữa anh bị vạ miệng trong đời. Có lẽ cũng vì thói quen nghề nghiệp, chứ lúc thấy anh chàng tống cái bao chình ình giữa hai hàng ghế, anh cảm thấy gân cốt khắp người chợt như căng lên. Quyền lợi bị xâm phạm mà! “Thế là đêm nay mình hết chỗ ngả lưng rồi!” Anh thoáng nghĩ, nhưng rồi chép miệng an ủi: “Đời là vậy mà!...”
Con tàu không hề biết cuộc tranh chấp trong cơ thể nó, cứ đều đặn gõ nhịp tiến ra phía Bắc. Chàng lái buôn sau khi thất thế trước ông khách bộ đội, đã lại tỏ ra vênh vang vì vừa chứng tỏ mình nhanh mắt nhất, kịp đọc được tờ giấy nhỏ trong tay viên kiểm soát, nên đã lật mặt nạ, hạ nhục được vị khách đeo kính trắng. Anh ta khuỳnh tay, xoạc chân chiếm tới hai phần ba chiếc ghế; còn vị khách đeo kính người đã mảnh nhỏ, nay xo lại ngồi nép đầu mút ghế, lảng tránh những ánh mắt không lấy gì làm thiện cảm xung quanh.
“À! Hóa ra là một tên phải đi cải tạo!”
“Chẳng biết hắn phạm tội gì? Sức vóc ấy đi lính thì bắn được ai nhỉ?...”
“Ờ, không chừng CIA đó!”...
Trước ánh mắt những bạn đường chợt trở nên như thù nghịch đang ngầm bình xét anh, anh ngồi lặng thinh, đôi mắt nhìn đâu rất xa, nhưng thực ra là đang soi lại cuộc đời mình, vừng trán cao chợt hằn mấy vết nhăn.
“Mình đã một lần nhảy ra khỏi hàng ngũ - có khác chi đoàn tàu đang ầm ầm lao theo chiếc đầu máy đen trũi này. Chẳng phải muốn đi nhanh, mà cái tạng trời sinh không chịu nổi những rung động của khối sắt thép ấy; cũng chán cảnh chen lấn dẫm đạp nhau trên đường đời... Vậy mà đã hơn 30 năm qua!... Mình bỏ cuộc đúng hay sai? Ờ, cuộc đời đâu phải một bài toán giản đơn, tại sao lại cứ buộc phải trả lời “đúng” hay “sai”? không A thì ắt phải B, mà không thể là C?...”
Anh vừa kịp nhớ lại một chặng đường đầy sóng gió, vừa thoáng tìm ra lời đáp cho câu hỏi không biết đã bao lần anh tự vấn thì một vị khách chừng như đang đi về phía toa hàng ăn, bỗng dừng lại trước hàng ghế anh ngồi. Khách còn trẻ, khuôn mặt phúc hậu với đôi tai to, cái cằm đầy đặn, ăn mang gọn ghẽ và lịch sự - áo phông bỏ trong quần Jean, chân mang giầy da đen láng bóng, đầu đội mũ lưỡi trai “Levis” mới cứng.
- Ai như thầy Tâm?... Thưa thầy!
Tiếng nói khẽ khàng vì lễ phép và chút ngại ngần lầm lẫn. Thầy trò cũng không tiếp xúc nhiều và đã mấy năm xa cách. Nhưng vóc dạng ấy, vầng trán ấy rất khó lẫn với ai. Quả đúng là thầy Tâm đó, nhưng thầy lại ngước nhìn người khách trẻ với ánh mắt ngạc nhiên và nghi ngại. Có lẽ cũng vì người thầy khá lâu rồi không được ai chào hỏi kính cẩn như thế, lại vừa bị các bạn đường khinh rẻ nhìn ngó như với một tên lưu manh. Người khách trẻ hơi cúi mình, nói rành rọt từng tiếng bên tai thầy:
- Chắc là thầy không nhớ. Con là Tịnh, hồi bảy hai khi bị địch đuổi bắt, thầy đã cho con tá túc trong phòng...
- A...ô, phải rồi, Tịnh! Mình nhớ rồi!
Không ai tính được bao nhiêu học trò đã từng được anh dạy dỗ; anh cũng không thể nhớ hết bọn họ. Nhưng với Tịnh, chỉ cần gợi nhắc qua là anh nhớ. Đêm hè Đà Lạt ấy quả thật khó quên...
Thế là một lần nữa, những người ngồi quanh lại hướng về anh; không còn là những chùm tia xoi mói, kỳ thị mà là những ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa tò mò và cả sượng sùng nữa. Chỉ trong chốc lát mà họ đã mấy lần ngộ nhận về anh. Tưởng là một tên lậu vé, hóa ra kẻ phản động vừa ra khỏi trại cải tạo; nay lại thành vị giáo sư và hơn thế, một người có công với cách mạng!
Như để chuộc lỗi, chàng lái buôn khép chân, dịch hẳn vào góc, tỏ ý dành chỗ cho Tịnh ngồi tạm. Tịnh khẽ “cảm ơn” và liền ngồi xuống ôm cánh tay gầy mảnh của vị giáo sư từng mở cánh cửa cứu mạng anh ngày nào.
- Thầy ốm quá! Thầy ra thăm Huế ạ?
- Không, mình ra Hà Nội thăm bà cụ. Cụ bệnh nặng... Thế em đi đâu đó?
- Con ghé Huế thăm bà già ít ngày, rồi ra Hà Nội dự một lớp học.
- À này, nghe chúng nó bảo em làm cán bộ to rồi phải không?
- Không có đâu thầy! Cán bộ to việc gì còn phải đi học thưa thầy.
Tịnh vừa nói vừa vòng tay riết chặt quanh tấm lưng còm của Tâm, như muốn tỏ ý cho dù thời gian và vị trí xã hội xa cách, tình thầy trò vẫn thân thiết như xưa. Không ngờ, Tâm chợt né người, nghiêng mắt nhìn người học trò cũ, giọng điệu kiểu cách mà lại như đùa bỡn:
- Mình chẳng phải là Chúa Giê-su để phải sợ Giu-đa ôm hôn chỉ điểm. Chỉ là vì mình dơ quá! Hai ngày đêm lăn lê trên sàn tàu, cả tuần rồi không tắm, mà em thì sạch sẽ thơm tho thế! Lại còn vết dơ bị đi cải tạo nữa! Coi chừng “gần mực thì đen” đó!
Tịnh khẽ lắc đầu, như không muốn nghe Tâm nói tiếp, níu tay người thầy đứng dậy và nói nhanh:
- Chuyện đó con vừa nghe... Cho qua đi thầy! Chắc là thầy chưa ăn sáng? Con mời thầy xuống toa hàng ăn dùng cà phê với con.
Thế rồi hai thầy trò líu ríu dắt nhau đi, để vọng lại sau giọng nói đùa cợt vui vẻ:
- Chà! Trên tàu có cà phê thật à? Cách mạng chơi ngon vậy, không đi theo cũng uổng! Mà này, em định trả ơn cứu mạng bằng một cốc cà phê thôi sao?
- Thầy cứ đùa! Con đang có rất nhiều chuyện muốn hỏi thầy...
 
 Con tàu đã qua Truồi, Cầu Hai, Đá Bạc, tiến gần về Huế. Hai bát phở gà luễnh loảng còn dư phân nửa, nhưng hai cốc cà phê thì đã cạn tận đáy và Tâm đã đốt đến điếu thuốc thứ ba.
- Thôi! Em về chuẩn bị hành lý mà xuống kẻo lỡ. Còn chuyện của mình thì hẹn dịp khác.
- Tầu còn lâu mới đến Huế thưa thầy. Ra Hà Nội, con sẽ tìm đến thăm bà cụ và hầu chuyện thầy. Nhưng có điều này, con muốn hỏi thật...
 Tịnh ngần ngừ giây lát, nhưng thời gian ngồi bên người thầy ân nhân không còn bao lâu nữa; con tàu về gần Huế thì như phóng nhanh hơn, tiếng bánh sắt gõ xuống đường ray hối hả đã hối thúc Tịnh lên tiếng:
- Thưa thầy, bây giờ thì có lẽ thầy không cần che giấu nữa. Có phải thầy là người miền Bắc cài vào...
Tâm buông điếu thuốc rít dở, hơi dướn mắt nhìn người học trò cũ:
- Em nghĩ mình là Việt cộng à? Người ta đang nghi mình là CIA thì có!
- Thầy lại đùa rồi! Xin thầy nói thật, vì lần này khai lý lịch khi vào lớp học, con không thể không nhắc đến thầy. Thầy hiểu cho, ngành công tác của con buộc phải khai rất tỉ mỉ. Con biết nói như thế nào?...
Tâm bỗng rít mạnh một hơi thuốc và như không quan tâm đến việc trả lời Tịnh, vừa đứng lên vừa nói:
- Thế em cho rằng chỉ có Việt cộng mới biết cứu giúp người gặp hoạn nạn, mới là người yêu nước thôi à? Nhưng mà thôi, mình nói thật nhé: tốt nhất là đừng nhắc đến mình, kẻo rồi thiệt đó!
Tàu đã qua ga Hương Thủy, phăm phăm gõ bánh và rú còi liên hồi khi qua vùng An Cựu. Không còn cách nào khác, Tịnh đành đưa người thầy về lại chỗ cũ và trước khi chia tay, một lần nữa níu kéo:
- Hay là thầy xuống Huế với con? Không chừng có người đang chờ thầy ở Huế đó…
- Thôi! Em lo mà xuống đi! Mình đang sợ không ra Hà Nội kịp đây...
Tịnh nhét vội bao thuốc “ba số năm” vào túi quần Tâm rồi bước vội.
 
Đoàn tàu đã dừng bánh ở ga Huế. Cuộc đời anh đã có biết bao kỷ niệm vui buồn ở đất cố đô này. Cảnh chen lấn xuôi ngược trên sân ga cùng những tiếng rao mè xửng và đủ loại quà bánh không át nổi dòng thác kỷ niệm dồn nén bao năm bất chợt trào dâng. Và nhà ga Huế với kiến trúc khiêm tốn, với những bức tường rêu phong y như ba mươi năm trước, rồi cầu Bạch Hổ xây từ thời Pháp trên dòng sông Hương phẳng lặng cũng vẫn như xưa... Tất cả đã đan kết lại thành tấm phông đượm màu sương khói cho anh thả tâm hồn trôi ngược thời gian…
...
N.K.P
(246/08-09)

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio