Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, thị trấn Hà Tiên đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm môi trường bởi khối lượng lớn nguồn rác thải sinh hoạt, trung bình 75m³/ngày,
Dự tính đến năm 2020 trung bình 92 tấn rác/ngày sẽ là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường sinh thái, mất vẻ đẹp mĩ quan đô thị ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường du lịch. Trong khi đó, biện pháp xử lí rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp tốn nhiều diện tích đất sinh hoạt, trồng trọt, nguy cơ ô nhiễm môi trường xung quanh rất cao.
Trước nhu cầu bức thiết của vấn đề môi trường, Công ty cổ phần dịch vụ & đầu tư phát triển Việt Ninh xây dựng nhà máy xử lí rác thải (vào năm 2008 tại phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên), sử dụng công nghệ sinh học xử lí rác với biện pháp yếm khí tùy nghi (Anoxy Bio Technology-ABT) nhằm chế biến rác thải làm nguyên liệu để chế biến phân hữu cơ vi sinh và một số sản phẩm hữu ích khác phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công nghệ A.B.T xử lí rác ở mọi quy mô công suất, không cần phân loại rác trước khi xử lí, không có mùi hôi thối, không có khí độc hại, khí dễ gây cháy nổ, không phát sinh nước rỉ rác vì có sự tham gia của tổ hợp VSV có trong chế phẩm sinh học P.MET và phụ gia dạng bột đẩy mạnh tốc độ phân hủy các chất hữu cơ làm nhiệt độ khối rác ủ tăng cao nên không phát sinh nước rỉ rác, tiêu diệt các VSV gây bệnh, khử mùi hôi sinh ra trong quá trình vận chuyển, xử lí rác (chế phẩm sinh học P.MET là chế phẩm được chế biến từ Enzym tổ hợp VSV có ích trong việc xử lí ô nhiễm môi trường, không gây độc hại đối với người sử dụng, động vật, thủy sinh vật trong môi trường sống; phụ gia là các chất có chứa các chất dinh dưỡng và Gellulose làm giá thể sinh học để tổ hợp VSV như Bacillus subtilis, Lactobacilliusspp, Sacharomyces cerevisiae, đạm… với nhiều công năng có ích trong chế phẩm P.MET lưu trú và phát triển tăng nhanh khối lượng, mật độ vi sinh, các hoạt tính hữu hiệu, phân giải cellulose, lân, kali, cố định đạm, phân giải lưu huỳnh…đẩy nhanh quá trình phân hủy các chất hữu cơ).
Rác thải sinh hoạt chuyển đến địa điểm tập kết được nhặt riêng rác cứng, có kích thước lớn, sau đó được phun đều dung dịch chế phẩm sinh học P.MET để khử mùi hôi. Còn hầm ủ có kích thước 5,0 x 2,0 x 1,0 xây chìm dưới mặt đất, đáy hầm bê tông cốt thép, được phun ướt xung quanh và đáy bằng dung dịch chế phẩm sinh học P.Met và rải đều phụ gia dạng bột cho đáy hầm ủ theo liều lượng quy định.
Rác thải được máy xé bao ni lông xé các túi ni lông đựng rác thoát ra ngoài, băng chuyền đưa rác xuống hầm ủ theo từng lớp dày 20cm, mỗi lớp rác được phun dung dịch chế phẩm sinh học P.MET và rải phụ gia dạng bột, miệng hầm ủ được phủ kín bằng bạt nhựa không trong suốt, thời gian ủ rác từ 28 – 30 ngày, trong quá trình ủ rác, kiểm tra yếu tố nhiệt độ, độ pH, nước rỉ rác… định kì ngày 3 lần, nếu độ ẩm khối rác ủ dưới 50% thì thực hiện phun bổ sung chế phẩm sinh học P.MET đảm bảo độ ẩm cho các VSV phân hủy các chất hữu cơ đồng thời khử mùi hôi sinh ra.
Rác thải sinh hoạt đã ủ được đưa lên máy sàng quay để tách mùn hữu cơ và các thành phần còn lại. Mùn hữu cơ làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Khối lượng mùn thô thu được của một hầm ủ 10m khối rác dao động từ 881 – 915 kg, một tấn rác hữu cơ đưa vào ủ, khối lượng mùn thô thu được khoảng 375 – 378 kg, một tấn rác đầu vào như ni lông, giấy, vỏ sò, rác hưu cơ… khối lượng mùn thô thu được từ 215 đến 223kg.
Các chỉ tiêu mùn thô như hàm lượng chất hữu cơ, axithumic, cadimi, chì, thủy ngân, Salmonella, E.Coli, Coliform, tổng số VSV cố định đạm, tổng số VSV phân giải lân, tổng số VSV phân giải xenlulo so với tiêu chuẩn 10 TCN 526-2002 sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ rác sinh hoạt đều đạt, chất lượng mùn thô khá tốt, có thể đưa vào sản xuất chế biến phân hữu cơ vi sinh.
Công nghệ, thiết bị xử lí rác hoàn toàn được chế tạo ở trong nước có cấu tạo đơn giản, giá thành hạ, chủ động mua sắm, thay thế, sửa chữa, chi phí đầu tư, vận chuyển, xử lí rác thấp.
Trương Anh Sáng