Ung Thư Tế Bào Gan
Hotline

Ung Thư Tế Bào Gan

Bệnh gặp nhiều ở các nước châu Á
 
Các nghiên cứu về dịch tễ cho thấy, những người bị viêm gan B hay C mãn tính là đối tượng có nguy cơ hàng đầu trong số các nguyên nhân dẫn đến ung thư tế bào gan; bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác như, ô nhiễm môi trường nước, không khí, thực phẩm, rượu, gia đình có người bị ung thư gan… cũng là những yếu tố đưa đến bệnh ung thư tế bào gan. Theo bác sĩ Đặng Tâm – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa – gan mật (Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM): có nhiều loại ung thư nguyên phát ở gan, nhưng thường gặp nhất là ung thư tế bào gan – chiếm 80-90% các trường hợp. Chính vì vậy mà các nhà chuyên môn thường gọi ung thư gan nguyên phát để chỉ ung thư tế bào gan.
 
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư tế bào gan gặp ở nam nhiều hơn nữ – đứng khoảng hàng thứ 5 ở nam và thứ 8 ở nữ. Lứa tuổi thường gặp là từ 45 tuổi trở đi. Loại bệnh này gặp rất nhiều ở các nước châu Á – nơi có tần suất cao bị viêm nhiễm vi – rút viêm gan B, C trong dân số. Có khoảng 75-80% các trường hợp ung thư gan thuộc về các nước châu Á, Việt Nam cũng là nơi có tần suất mắc bệnh ung thư gan cao.
 
Khó phát hiện
 
Theo bác sĩ Đặng Tâm, ung thư tế bào gan không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu khi khối u con nhỏ. Một số những biểu hiện như: mệt mỏi, đầy bụng, chán ăn, sụt cân, đau hạ sườn phải… cũng chỉ xuất hiện khi khối u ở gan đã lớn. Một khi những triệu chứng xuất hiện khá rõ (như: đau dưới sườn phải, khối u xuất hiện nhiều dưới sườn phải, bụng báng, thể trạng gầy sút, sốt, vàng da…) thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa trị lúc này là rất khó khăn. Vì khó phát hiện, nên phần lớn người bệnh đến bệnh viện thường ở giai đoạn muộn, tiên lượng xấu. Chính vì vậy mà việc tầm soát để phát hiện bệnh sớm, phát hiện khối u ở gan khi khối u còn nhỏ là rất quan trọng, nhất là những người mắc bệnh viêm gan mãn tính cần đi tầm soát. Các phương tiện chẩn đoán hiện nay gồm có, siêu âm, chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm, hay sinh thiết…
 
Theo các bác sĩ, có một số phương pháp được áp dụng để chữa trị ung thư tế bào gan, nhưng đến thời điểm hiện tại thì chưa có phương pháp nào hiệu quả bằng việc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Những phương pháp chữa trị đối với căn bệnh này gồm có: phẫu thuật cắt một phần gan; phẫu thuật ghép gan sau khi cắt bỏ toàn bộ gan bị bệnh; hủy u tại chỗ; làm tắc động mạch gan; xạ trị, hóa trị… Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chữa trị thích hợp. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì việc phẫu thuật cắt gan, hay ghép gan có thể hy vọng tỷ lệ người bệnh sống đạt từ 50-70%, nhưng nếu phát hiện trễ, bệnh đã ở giai đoạn muộn, thì thời gian sống của bệnh nhân rất ngắn ngủi.
 
( theo sức khỏe và đời sống )

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio