Vấn đề pháp lý của công nghệ sinh học
Hotline

Vấn đề pháp lý của công nghệ sinh học

Công nghệ DNA tái tổ hợp đã giúp các nhà khoa học thay đổi cơ chế tiến hóa của tự nhiên, sáng tạo ra sản phẩm của gen, tạo ra các dạng sinh vật mới
 
Công nghệ DNA tái tổ hợp đã giúp các nhà khoa học thay đổi cơ chế tiến hóa của tự nhiên, sáng tạo ra sản phẩm của gen, tạo ra các dạng sinh vật mới. Ngày càng có nhiều bằng chứng hiển nhiên về lợi ích của công nghệ DNA tái tổ hợp. Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc đến những nguy cơ tiềm tàng của nó, và thực tế cũng đã nảy sinh một số vấn đề pháp lý quan trọng buộc chúng ta phải xem xét lại một cách thận trọng.
Chẳng hạn, chúng ta có thể tham khảo hệ thống quản lý đối với các sản phẩm cây trồng của công nghệ sinh học hiện đại ở Mỹ, nơi mà lĩnh vực công nghệ sinh học được đầu tư và phát triển tốt nhất trên thế giới.
Hệ thống quản lý của Mỹ là một bộ phận quan trọng nhằm đảm bảo an toàn lương thực. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Bảo vệ Môi trường (EPA), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đóng vai trò quản lý các loại lương thực có nguồn gốc thực vật được tạo ra nhờ công nghệ sinh học. Theo Đạo luật Lương thực, Dược phẩm và Mỹ phẩm (FD&C), FDA có thẩm quyền bảo đảm độ an toàn của tất cả các lương thực trong nước và nhập khẩu cho người và động vật trên thị trường Mỹ, ngoại trừ thịt gia súc-gia cầm và một số sản phẩm trứng, những hạng mục này thuộc phạm vi điều tiết của USDA. Tuy nhiên, độ an toàn của dư lượng thuốc thú y trong thịt gia súc, gia cầm và thủy sản là do FDA quản lý. Thuốc trừ sâu lại chủ yếu do EPA điều tiết. Cơ quan Kiểm tra Sức khoẻ Thực vật và Động vật của USDA (APHIS) có chức năng giám sát an toàn nông nghiệp và an toàn môi trường trong trồng trọt và thử nghiệm tại hiện trường các giống cây trồng được tạo ra nhờ công nghệ sinh học.
Các loại lương thực và thành phần lương thực được tạo ra nhờ công nghệ sinh học phải đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn tương tự như các tiêu chuẩn mà Đạo luật FD&C áp dụng đối với các cây trồng được tạo ra theo phương pháp lai giống thông thường. Điều này có nghĩa là các sản phẩm công nghệ sinh học cũng phải an toàn giống như các sản phẩm truyền thống trên thị trường. FDA có quyền loại trừ một loại lương thực khỏi thị trường hoặc trừng phạt những người buôn bán loại lương thực đó nếu nó gây ra rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng. Cần lưu ý rằng Đạo luật FD&C quy định những người áp dụng công nghệ sinh học phải chịu trách nhiệm pháp lý nhằm đảm bảo rằng những lương thực mà họ bán cho người tiêu dùng phải an toàn và đáp ứng tất cả các yêu cầu về pháp lý.
1. An toàn sinh học
1.1. Sự chuyển gen bằng hạt phấn
Cho tới nay không có hạt phấn của loại cây trồng biến đổi gen nào được hạn chế khả năng phát tán. Các phương thức quản lý như cách ly không gian và thời gian có thể hạn chế sự lưu chuyển gen giữa cây trồng, hạn chế hạt sót lại trong đất và cây sót lại sau khi thu hoạch. Việc sử dụng vùng cách ly, rào cản cây trồng và các rào cản thực vật khác giữa nguồn tạo và nơi nhận hạt phấn cũng có thể giảm mức độ phát tán hạt phấn. Thời gian hạt phấn ở trong không khí cũng khá dài, do đó có thể phát tán đến khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết và môi trường thay đổi có thể gây ra sự phát tán ở những khoảng cách xa hơn nữa. Các biện pháp cách ly sinh học đang được phát triển để xác định liệu sự sinh sản ở cây trồng có thể kiểm soát được hay không để tránh sự giao lưu gen qua hạt hoặc hạt phấn.
Đặc biệt ở các giống hoặc dòng có cây bất dục đực, sẽ xảy ra hiện tượng lai xa với giống biến đổi gen hữu thụ ở một tần số cao hơn và khoảng cách xa hơn so với giống truyền thống. Sự tích lũy gen (gene stacking) đã được quan sát ở cây trồng và người ta dự đoán là cây trồng mang gen đa kháng sẽ trở nên phổ biến sau khi cây trồng chuyển gen được phép đưa vào thị trường, và vì vậy cây mọc hoang biến đổi gen sẽ phải cần các biện pháp diệt cỏ khác.
Các nghiên cứu cho thấy phần lớn sự thụ phấn chéo xảy ra ở khoảng cách ngắn và khả năng thụ phấn thành công giảm theo hàm mũ so với khoảng cách từ nguồn phát ra hạt phấn. Nhưng trên phạm vi nông trại vẫn có sự lưu chuyển gen mặc dù mức độ xảy ra rất thấp ở một khoảng cách khá xa, vì vậy sự tách biệt hoàn toàn về mặt di truyền là rất khó duy trì.
Trong khi hạt phấn đóng vai trò quan trọng trong sự phát tán theo không gian thì hạt giống đóng vai trò quan trọng trong sự phát tán theo thời gian. Do đó, khi cách ly cây trồng chuyển gen với cây trồng không chuyển gen phải tính đến chuyện trước đó cây trồng chuyển gen có được trồng trên cùng mảnh đất đó không và tập quán canh tác có gây ra sự di chuyển các hạt giữa các mảnh ruộng hay không.
Ngoài ra, sự lưu chuyển gen (gene flow) giữa cây biến đổi gen và họ hàng của nó còn tùy thuộc vào loại tính trạng gen chuyển quy định, đặc điểm sinh học của cây (thụ phấn chéo hoặc tự thụ phấn) và bối cảnh nông nghiệp (hệ thống cây trồng, tổ chức không gian giữa các thửa ruộng).
1.2. Sự bền vững của DNA trong đất
DNA của cây chuyển gen có thể được phóng thích vào môi trường từ các nguyên liệu thực vật đã già hoặc mục nát. Vấn đề này đã được khảo sát ở một số cây chuyển gen như: thuốc lá (aacC1), hoa dã yên (NOS-nptII) và củ cải đường (bar/TR1, TR2/nptII, 35S/BNYVV-cp). Sự bền vững của cấu trúc DNA trong đất được phát hiện bằng cách tách chiết DNA trực tiếp từ đất, sau đó khuếch đại PCR cấu trúc này. Chọn lọc primer thích hợp cho phép phát hiện rõ ràng cấu trúc chuyển gen bên cạnh các gen xuất hiện tự nhiên. Với phương pháp này sự hiện diện của cấu trúc DNA có thể được phát hiện nhưng không có thông tin nào về sự hiện diện của nó trong nguyên liệu thực vật mục nát, có thể do DNA tự do đã được hấp thụ vào bề mặt đất. DNA của cây củ cải đường chuyển gen được phát hiện trong mẫu đất ở vị trí đã không sử dụng 6, 12 và 18 tháng sau khi cây củ cải đường bị cày lấp trong đất. Người ta cũng đã tìm thấy DNA cây thuốc lá chuyển gen ở trong đất sau hơn 1 năm thu hoạch. Trong khi đó DNA của hoa dã yên chuyển gen chỉ có thể phát hiện vào thời điểm 2 tháng sau khi cây được cày lấp trong đất.
Mặc dù chỉ có một vài khảo sát về sự bền vững của DNA cây chuyển gen ở trong đất, nhưng sự bền vững của cấu trúc trong một thời gian dài có thể được chứng minh rõ ràng.  
1.3. Chuyển gen ngang từ thực vật vào vi sinh vật đất
Chuyển gen ngang (horizontal gene transfer) là hiện tượng chuyển các gen hoặc nguyên liệu di truyền trực tiếp từ một cá thể riêng biệt vào một cá thể khác bằng các quá trình tương tự sự gây nhiễm. Phân biệt với một quá trình bình thường là chuyển gen dọc (vertical gene transfer)-từ bố mẹ vào con cái-xuất hiện trong quá trình sinh sản. Chuyển gen ngang trong phần này đề cập đến DNA ngoại lai của cây chuyển gen hiện diện ở trong đất, vi khuẩn phát triển khả năng để nhận gen này và cuối cùng, các trình tự này được hợp nhất trong genome của vi khuẩn.
Nguy cơ của công nghệ di truyền đó là làm tăng tiềm năng của sự chuyển gen ngang qua các loài không họ hàng. Các cơ chế tế bào cho phép các gen ngoại lai xen đoạn vào genome của một loài nào đó. Các gen kháng thuốc diệt cỏ hoặc kháng kháng sinh của vi khuẩn thường được sử dụng như là các chỉ thị chọn lọc đối với cây chuyển gen. Vì thế, chuyển ngang từ thực vật vào vi sinh vật của các gen kháng như thế thường được xem như là một hiệu ứng tiềm tàng không mong muốn giữa cây chuyển gen và các vi sinh vật đất.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng về việc chuyển gen từ thực vật vào các vi sinh vật. Hiện nay, nghiên cứu an toàn sinh học (biosafety) về chuyển gen ngang từ cây chuyển gen vào vi sinh vật (vi khuẩn và nấm) có hai hướng chính là tìm hiểu cơ chế chuyển gen từ thực vật vào vi sinh vật và đánh giá các hậu quả sinh thái của nó.
Hầu hết cơ chế có thể cho việc chuyển gen từ thực vật vào vi sinh vật là sự biến nạp tự nhiên đòi hỏi sự hấp thụ DNA tự do. Vi khuẩn đất khả biến tự nhiên và có thể hợp nhất DNA ngoại lai trong genome của mình. Để chuyển gen từ thực vật vào vi sinh vật ở điều kiện đồng ruộng, không phải chỉ có cơ chế cho phép hấp thụ và sao chép trong một vật chủ mới mà sự chọn lọc vật chủ để biểu hiện một tính trạng mới là quan trọng nhất. Phát hiện chuyển gen ngang có thể thực hiện bằng cách phân tích vi khuẩn đất sau giai đoạn nuôi cấy đầu tiên.
1.4. Chuyển gen từ thực vật vào virus
Kết quả đầu tiên về cây chuyển gen biểu hiện protein vỏ của virus khảm thuốc lá (TMV) đã ngăn chận sự phát triển của bệnh xuất hiện trong năm 1986. Phương thức này sau đó đã được sử dụng để tạo ra tính kháng cho các loại virus khác nhau, tuy nhiên các nhà di truyền học đã đặt câu hỏi về sự an toàn của cây trồng chuyển gen ngay từ những ngày đầu tiên. Nguy cơ rõ rệt nhất là tiềm năng tạo ra các virus gây nhiễm mới bằng sự tái tổ hợp, ví dụ: gen chuyển của virus (viral transgene) liên kết hoặc trao đổi các phần với nucleic acid của các virus khác. Do vỏ protein không ngăn được virus xâm nhập vào tế bào thực vật, gen chuyển (transgene) sẽ được tiếp xúc với các nucleic acid của nhiều virus được mang tới thực vật bởi các vector côn trùng (insect vector).
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng các virus thực vật có thể tấn công một loạt các gen virus khác nhau từ cây chuyển gen. Chẳng hạn:
- Virus gây bệnh khảm hoại tử ở cây cỏ ba lá màu đỏ (red clover necrotic mosaic virus-RCNMV) dạng khiếm khuyết đã thiếu gen cho phép nó chuyển từ tế bào này đến tế bào khác (vì thế không gây nhiễm được) đã tái tổ hợp với một bản sao của gen đó trong cây thuốc lá chuyển gen N. benthamiana, và đã sinh sản các virus gây nhiễm.
- Cây cải Brassica napus chuyển gen VI, một nhân tố hoạt động dịch mã, của virus khảm súp-lơ (cauliflower mosaic virus-CaMV), đã tái tổ hợp với phần bổ sung của virus thiếu mất gen đó, và tạo ra virus gây nhiễm trong 100% cây chuyển gen.
- Sự tái tổ hợp giữa CaMV dạng hoang dại và dạng chuyển gen VI được chứng minh trong N. bigelovii. Ít nhất một trong số virus tái tổ hợp có độc tính hơn dạng hoang dại.
- Cây N. benthamiana biểu hiện một đoạn gen protein vỏ của virus CCMV (cowpea chlorotic mottle virus) đã tái tổ hợp với virus khiếm khuyết thiếu gen đó.
Người ta nhận thấy trong các thí nghiệm có CaMV tần số tái tổ hợp cao hơn nhiều so với các virus khác. Trong khi CCMV tái tổ hợp được phục hồi từ 3% cây chuyển gen N. benthamiana, thì  CaMV tái tổ hợp được phục hồi từ 36% cây chuyển gen N. bigelovii. Người ta nghi ngờ rằng sự đứt gãy DNA sợi đôi có thể xảy ra trong trường hợp tái tổ hợp ở CaMV do thực tế là DNA chuyển gen bao gồm cả promoter CaMV 35S.
2. An toàn thực phẩm
Các giống cây trồng chuyển gen ngày càng được phát triển nhờ vào các công cụ của công nghệ sinh học hiện đại. Cũng chính vì vậy mà nhiều người băn khoăn rằng liệu các thực phẩm này có an toàn bằng các loại thực phẩm có được nhờ sử dụng các phương pháp nông nghiệp truyền thống hay không. Vậy sự khác biệt giữa lai giống thông thường và công nghệ sinh học thực vật là gì. Thực ra cả hai đều có cùng một một mục tiêu là tạo ra các giống cây trồng có chất lượng cao với những đặc tính đã được cải thiện giúp chúng phát triển tốt hơn và ngon hơn. Sự khác biệt là ở chỗ mục đích này đạt được bằng cách nào.
Lai giống truyền thống đòi hỏi sự trao đổi hàng ngàn gen giữa hai cây để có được tính trạng mong muốn. Trong khi đó, nhờ công nghệ sinh học hiện đại, chúng ta có thể lựa chọn một đặc tính mong muốn và chuyển riêng nó vào hạt giống. Sự khác biệt giữa hai kỹ thuật này là rất lớn. Phương pháp công nghệ sinh học hợp lý hơn, có hiệu quả cao và đem lại kết quả rất tốt.
Các kỹ thuật sử dụng trong công nghệ sinh học hiện đại cung cấp cho những nhà lai tạo giống những công cụ chính xác cho phép họ chuyển những đặc tính mong muốn vào cây trồng. Hơn thế nữa, họ có thể làm điều này mà không bị chuyển thêm các tính trạng không mong muốn vào cây như vẫn thường xảy ra nếu sử dụng lai giống truyền thống.
Thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng chuyển gen phải trải qua nhiều thử nghiệm hơn bất kỳ loại thực phẩm nào trong lịch sử. Trước khi được đưa ra thị trường, chúng phải được đánh giá sao cho phù hợp với các quy định do một vài tổ chức khoa học quốc tế đưa ra như Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Nông Lương, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế… Những quy định này như sau:
- Các sản phẩm chuyển gen cần được đánh giá giống như các loại thực phẩm khác. Các nguy cơ gây ra do thực phẩm có nguồn gốc từ công nghệ sinh học cũng có bản chất giống như các loại thực phẩm thông thường.
- Các sản phẩm này sẽ được xem xét dựa trên độ an toàn, khả năng gây dị ứng, độc tính và dinh dưỡng của chúng hơn là dựa vào phương pháp và kỹ thuật sản xuất.
- Bất kỳ một chất mới nào được đưa thêm vào thực phẩm thông qua công nghệ sinh học đều phải được cho phép trước khi đưa ra thị trường cũng như việc các loại chất phụ gia mới như chất bảo quản hay màu thực phẩm cần phải được cho phép trước khi thương mại hóa.
Một số nhận định trong vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay như sau:
- Mức độ ăn toàn của thực phẩm chuyển gen ít nhất cũng tương đương với các thực phẩm khác bởi vì quá trình đánh giá an toàn đối với thực phẩm chuyển gen kỹ lưỡng hơn nhiều so với việc đánh giá các thực phẩm khác. Quá trình đánh giá an toàn thực phẩm đảm bảo rằng thực phẩm chuyển gen mang lại tất cả các lợi ích như thực phẩm thông thường và không có thêm một tác hại nào.
- Chưa có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm chuyển gen hiện đang có trên thị trường gây ra bất cứ lo ngại nào về sức khoẻ con người hay có bất kỳ khía cạnh nào kém an toàn hơn so với cây trồng tạo được nhờ lai giống truyền thống.
- Một điểm đặc trưng của kỹ thuật chuyển gen là nó đưa vào một hay nhiều gen đã được xác định rõ. Điều này giúp cho việc thử nghiệm độc tính của các cây trồng chuyển gen dễ thực hiện hơn so với các cây trồng bình thường.
2.1. Các chất gây dị ứng
Một trong những mối quan tâm lớn nhất về thực phẩm chuyển gen là chất gây dị ứng (một protein gây ra phản ứng dị ứng) có thể được chuyển vào thực phẩm. Đến nay các nhà khoa học đã biết rất nhiều về các thực phẩm gây ra dị ứng ở trẻ nhỏ và người trưởng thành. 90% sự dị ứng thức ăn là có liên quan tới tám thực phẩm và nhóm thực phẩm-động vật có vỏ (tôm, cua, sò, hến), trứng, cá, sữa, lạc, đậu tương, quả hạch và lúa mỳ. Những loại thực phẩm này và rất nhiều chất gây dị ứng khác đã được xác định rất rõ và do vậy khó tin rằng chúng có thể được đưa vào thực phẩm chuyển gen.
Tuy vậy, việc kiểm tra tính dị ứng vẫn là một khâu quan trọng trong việc kiểm tra an toàn trước khi một giống cây trồng được đưa ra làm thực phẩm. Hàng loạt các thử nghiệm và câu hỏi phải được xem xét kỹ để quyết định liệu thực phẩm này có làm tăng sự dị ứng hay không.
Các chất gây dị ứng có những đặc tính chung như: không bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa, có xu hướng không bị phân hủy trong quá trình chế biến thực phẩm, và thường có rất nhiều trong thực phẩm. Cho đến nay, không có loại protein nào được chuyển vào thực phẩm chuyển gen đã được thương mại hóa lại mang những đặc tính nói trên. Chúng không có tiền sử và khả năng gây dị ứng hay độc tính, cũng không giống với các chất gây dị ứng hay các độc tố đã biết và nói chung chức năng của chúng đã được biết rõ. Những protein này có một hàm lượng rất thấp trong thực phẩm chuyển gen, nhưng nhanh chóng bị phân hủy trong dạ dày và đã được kiểm tra độ an toàn trong các nghiên cứu về thực phẩm cho động vật.
Các gen mã hóa thông tin di truyền có mặt trong tất cả các loại thực phẩm và việc ăn chúng không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào. Không có tác hại di truyền nào xảy ra khi tiêu hóa DNA cả. Trên thực tế, chúng ta luôn nhận DNA mỗi khi ăn do nó có mặt ở tất cả thực vật và động vật.
2.2. Đánh giá độ an toàn của các thực phẩm
Bất kỳ một sản phẩm chuyển gen nào trước khi được đưa ra thị trường phải được thử nghiệm toàn diện, được các nhà khoa học và các giám định viên đánh giá độc lập xem có an toàn về dinh dưỡng, độc tính và khả năng gây dị ứng hay không. Các khía cạnh khoa học thực phẩm này dựa trên những quy định của các tổ chức có thẩm quyền của mỗi nước, bao gồm: một hướng dẫn sử dụng sản phẩm, thông tin chi tiết về mục đích sử dụng sản phẩm, các thông tin về phân tử, hóa sinh, độc tính, dinh dưỡng và khả năng gây dị ứng. Các câu hỏi điển hình có thể được đặt ra là: (1) Các thực phẩm chuyển gen có được tạo ra từ thực phẩm truyền thống đã được công nhận an toàn hay không. (2) Nồng độ các độc tố hay chất gây dị ứng trong thực phẩm có thay đổi hay không. (3) Hàm lượng các chất dinh dưỡng chính có thay đổi hay không. (4) Các chất mới trong thực phẩm chuyển gen có đảm bảo tính an toàn hay không. (5) Khả năng tiêu hóa thức ăn có bị thay đổi hay không. (6) Các thực phẩm có được tạo ra nhờ các quy trình đã được chấp nhận hay không.
Ngay khi các câu hỏi này và các câu hỏi khác về thực phẩm chuyển gen đã được trả lời, vẫn còn nhiều việc phải làm trong quá trình phê chuẩn trước khi thực phẩm chuyển gen được thương mại hóa. Thực tế, thực phẩm chuyển gen là loại sản phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trong các loại đã được sản xuất.
3. Đạo đức sinh học
Đạo đức sinh học (bioethics) là một phạm trù phức tạp mà cách nhìn nhận tùy thuộc vào đặc điểm dân tộc và văn hóa khác nhau. Cho nên những vấn đề được coi là hợp với đạo đức ở nơi này có thể là trái đạo đức ở nơi khác. Thuật ngữ này có lẽ bắt nguồn ở Mỹ vào những năm 1970, khi các kỹ thuật thao tác trên gen (gene manipulation), còn gọi là kỹ thuật di truyền hay công nghệ DNA tái tổ hợp, được áp dụng.
Phạm trù đạo đức sinh học bao hàm cách đánh giá lợi ích và rủi ro liên quan tới sự can thiệp của con người, đặc biệt là công nghệ mới, xem xét làm cân đối sự theo đuổi quyền tự do cá nhân với trách nhiệm pháp lý. Đạo đức sinh học đòi hỏi phải đánh giá công nghệ thật kỹ, trong đó có đánh giá ảnh hưởng đến xã hội và cá nhân.
Cùng với thời gian, vấn đề này ngày càng trở nên sâu sắc. Trước những xáo trộn do sự phát triển của di truyền học, người ta tự hỏi mình đang tiến tới loại xã hội nào và sự cân bằng mới nào trên hành tinh sẽ được thiết lập.
Đạo đức sinh học không giới hạn suy nghĩ về mối quan hệ giữa khoa học và xã hội. Nó gắn liền quan hệ giữa con người với tự nhiên trong tính đa dạng sinh học của nó, kể cả bản chất của chính con người. Mặt khác, đạo đức sinh học là một cách suy nghĩ về tương lai và giá trị của chúng ta. Nó giúp cho giới chuyên môn đối thoại với những người ra quyết định và quần chúng, cùng quan tâm đến sự tồn tại của xã hội loài người.
Ngày 25. 7. 1978, Louise Brown em bé gái được thụ thai ở ngoài cơ thể mẹ lần đầu tiên đã ra đời ở Anh. Từ đó đến nay, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và cấy chuyển phôi ở người đã tạo ra không biết bao nhiêu em bé như vậy trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Mục đích đầu tiên của công việc này là lành mạnh. Trong trường hợp của Louise Brown, người mẹ bị vô sinh do khuyết tật ở vòi trứng nên để giúp bà có con, người ta đã lấy tế bào trứng của bà thụ tinh trong ống nghiệm với chính tinh trùng của chồng bà, rồi cấy lại hợp tử ngay tử cung của bà. Về mặt sinh học và pháp lý, em bé là con của họ; và điều này cũng không đặt ra vấn đề gì về đạo đức hay điều luật nào.
Nhưng một vấn đề tế nhị và phức tạp khác lại được đặt ra nếu một phụ nữ không thể hoặc không muốn mang thai, yêu cầu một phụ nữ khác nhận trứng được thụ tinh của mình và mang hộ cái thai đó, vậy đứa con sẽ là của ai. Cho đến nay, ở những nước có dịch vụ mang thai hộ đã phát sinh nhiều vụ kiện vì người được thuê nhiều khi phá hợp đồng, không muốn trả lại đứa con cho người thuê nữa.
Một biểu hiện của chủ nghĩa ưu sinh dưới dạng mới, đó là người ta hy vọng có được những đứa con thiên tài bằng cách xin hoặc mua tinh trùng của các nhà bác học được giải thưởng Nobel, cho thụ tinh với trứng của những phụ nữ trẻ đẹp và thông minh rồi cấy phôi vào những phụ nữ này. Nhưng cách làm này không chắc chắn tuyệt đối do quy luật phân ly di truyền và đứa con sinh ra vẫn có thể thuộc loại tầm thường. Sau thành công nhân bản cừu Dolly, người ta hy vọng khắc phục được vấn đề trên bằng cách “nhân bản các thiên tài” nhờ chính tế bào của họ. Như ta đã biết, nhân bản người là một vấn đề rất khó và hiện nay hầu như bị cấm trên thế giới. Vả lại đồng nhất di truyền không có nghĩa là đồng nhất bản sắc cá nhân. Xét về mặt luân lý và đạo đức việc làm trên không thể chấp nhận được, còn về mặt khoa học cũng khó hiện thực: thiên tài chỉ biểu hiện ở một độ tuổi nào đó và nếu định cho ra thiên tài theo cách này cũng khó vì hình dạng và thể chất của người mẹ đã khác trước. Lại càng khó thực hiện nếu thông qua một phụ nữ xa lạ không phải là mẹ mình, vì hệ gen của tế bào chất trong trứng lạ cũng có ảnh hưởng và sẽ không phát huy được như của chính mẹ mình. Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh học đã đặt cho các ủy ban đạo đức và luật pháp trên thế giới những vấn đề sau đây:
- Có nên cho phép thay đổi chương trình di truyền của người hay không; và nếu cho phép thì ở mức độ nào, cho dù việc làm này được biện minh là để chữa các bệnh di truyền.
- Có nên chấp nhận việc chẩn đoán trước khi sinh để lựa chọn giới tính của đứa trẻ hay không.
- Có nên bắt buộc các chương trình phát hiện di truyền phục vụ lợi ích vì sức khoẻ của người dân hay để mỗi cá nhân nhận xét cơ hội dựa vào các thử nghiệm mà kết quả có thể trái ngược, ảnh hưởng tới họ và người thân của họ (ví dụ việc sinh ra một đứa con có thể có rủi ro khuyết tật hay không).
- Có nên cấm liệu pháp gen (gene therapy) nhằm vào các tế bào sinh dục hay không. Theo Suleiman, giáo sư nghiên cứu các vấn đề quốc tế và giám đốc của Ủy ban nghiên cứu châu Âu (Đại học Princeton, Mỹ) thì “Nhà nước cần xác định mức độ can thiệp vào nghiên cứu khoa học qua tranh luận công khai nhằm hợp pháp hóa hành động cũng như để công dân kiểm soát các hành động này. Tóm lại, nhà nước cần hợp tác với cộng đồng khoa học để đảm bảo tự do nghiên cứu và ứng dụng hợp đạo đức các kết quả từ đó”.
4. Quyền tác giả và sở hữu trí tuệ
4.1. Quyền tác giả
Mặc dù đã có rất nhiều cuộc tranh luận ở các diễn đàn quốc tế về quyền tác giả của các nước có nguồn gen quý hiếm được phương Tây sử dụng trong công nghệ tạo giống nhưng đến nay vẫn chưa đem lại một kết quả thât sự nào. 169 nước đã đăng ký vào công ước Quốc tế về Đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity) và công ước này có hiệu lực từ 12/1993, trong đó quy định cùng chia sẻ quyền lợi giữa các nước có nguồn gen với các công ty phương Tây sử dụng nguồn gen đó. Tuy nhiên, từ đó đến nay các nước có nguồn gen quý hiếm vẫn tiếp tục bị mất dần tài sản quốc gia của mình mà quyền lợi được chia sẻ thì không đáng kể.
Chẳng hạn, ngày 16/1/1996, Bản quyền sở hữu số 5.484.889 của Mỹ được cấp cho Giáo sư Sylvia Lee-Huang (Đại học New York) để bảo vệ quyền tác giả của ông về một loại protein chiết từ một giống mướp đắng (Momordica charantia) có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc. Giống mướp đắng này là thành phần chính của một bài thuốc dân gian cổ truyền của Trung Quốc để chống nhiễm trùng. Lee-Huang đã cho rằng nhờ công nghệ DNA tái tổ hợp, từ nay ông không cần phải mua hạt mướp đắng từ Trung Quốc nữa, vì các protein tái tổ hợp sản xuất trong phòng thí nghiệm của ông hoàn toàn giống như protein chiết từ quả mướp đắng trước đây.
Năm 1994, hãng ArgEvo phân lập được gen PAT (phosphinothricin acetyltransferase) từ dòng vi khuẩn Streptomyces viridochromogens có trong mẫu đất lấy từ Camerun. Gen PAT cho phép tạo ra các giống cây trồng kháng thuốc diệt cỏ nhóm glufosinate, đóng góp quan trọng vào doanh số 2,3 tỷ USD của AgrEvo năm 1995. Tuy nhiên, hãng này đã từ chối không trả cho Camerun một khoản tiền nào về quyền tác giả.
Các trường hợp trên cho thấy các công ty lớn ở các nước phát triển nhờ vào tiềm năng khoa học và nguồn vốn dồi dào của mình đã thương lượng về bản quyền tác giả với tư thế của kẻ mạnh. Sự thua thiệt của các nước yếu về CNSH sẽ còn kéo dài.
4.2. Sở hữu trí tuệ
Một trong những nét đặc trưng của CNSH hiện đại là sự gia tăng tính sở hữu của nó. Hiện nay, ngành CNSH được bảo vệ bởi các bằng sáng chế và các quyền về sở hữu trí tuệ (IPR).
Như chúng ta biết, sở hữu trí tuệ đại diện cho các sản phẩm của trí tuệ. Chúng là các ý tưởng được chuyển thành dạng hữu hình. Ví dụ của sở hữu trí tuệ bao gồm: các sáng chế, phần mềm máy tính, ấn phẩm, băng đĩa ca nhạc, giống cây trồng-vật nuôi... Để tạo ra những sản phẩm như vậy thường đòi hỏi một khoảng thời gian dài và một nguồn vốn đầu tư lớn. Do vậy, các nhà sáng chế thường tìm cách thu hồi các nguồn đầu tư bằng cách sử dụng IPR. IPR cho phép các sáng chế giới hạn quyền sử dụng sở hữu trí tuệ, không một cá nhân hoặc tổ chức nào được phép sử dụng để sản xuất, nuôi trồng, bán hay đề nghị để sáng chế mà không được cho phép. Có một số hình thức để bảo vệ các tác giả bao gồm: quyền tác giả, sáng chế, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, quyền bảo hộ giống cây trồng-vật nuôi... Các bằng sáng chế, quyền bảo hộ giống cây trồng-vật nuôi và các nhãn hiệu hàng hóa được ban hành bởi chính phủ của từng quốc gia và sự bảo hộ chỉ có hiệu lực trong các nước mà IP được ban hành. Do vậy, để nhận được sự bảo hộ ở nhiều nước, các quyền này phải được áp dụng và thông qua ở mỗi nước. Còn quyền tác giả và bí mật kinh doanh không đặc trưng theo quốc gia. Hiện nay, nhiều công nghệ mũi nhọn được sử dụng để tạo ra các sản phẩm CNSH nông nghiệp dường như không được bảo hộ ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn, các bằng sáng chế đối với promoter CaMV 35S chỉ được cấp và có hiệu lực ở Hoa kỳ và Châu Âu (và ở Nhật Bản chỉ có một đơn xin đăng ký cấp bằng). Do đó, hiện nay chưa có IP nghiêm cấm các nước đang phát triển sử dụng công cụ này trong nghiên cứu.
Hơn nữa, các tổ chức và cá nhân có thể sử dụng các công nghệ trong tạo giống cây trồng bao gồm triển khai, sản xuất và tiêu thụ ở các nước mà công nghệ sản xuất này chưa có IP bảo hộ. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến IP sẽ phát sinh ở các nước có những công nghệ được bảo hộ bởi IPR. Thời gian phát triển sản phẩm cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì các bằng sáng chế có thể được cấp ở trong nước cùng thời gian điểm phát triển sản phẩm. Do vậy, các nhà khoa học ở các nước đang phát triển cần biết phải về các vấn đề liên quan đến IP và có phương án giải quyết thích hợp.
Cây trồng được canh tác để sử dụng bền vững ở các nước đang phát triển và các công nghệ được áp dụng để tạo ra các cây trồng này đang nhận được rất ít sự quan tâm thương mại của khu vực kinh tế tư nhân. Trên thực tế, các công nghệ này đã và đang được chuyển giao nhằm tăng năng suất mùa vụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở các nước đang phát triển cần thận trọng vì chuyển giao công nghệ liên quan đến nhiều vấn đề, không chỉ là ký kết các hợp đồng chuyển giao nguyên liệu và cấp giấy phép sử dụng cho một sản phẩm. Cả bên chuyển giao và bên tiếp nhận công nghệ phải thận trọng với các IPR liên quan đến công nghệ và điều này là cần thiết cho các đối tác để tạo sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên tham gia.
Các nước đang phát triển luôn thiếu năng lực và nguồn lực quản lý IP để tiến hành các phân tích và đánh giá về sự cho phép sử dụng công nghệ nhằm phát triển sản phẩm nhập khẩu. sử dụng hoặc xuất khẩu sản phẩm. Do vậy, để giúp chuyển giao các công nghệ  ứng dụng trong nông nghiệp cho các nước đang phát triển, việc xây dựng khả năng quản lý IPR là rất quan trọng cho cả bên chuyển giao và bên tiếp nhận công nghệ. Cây trồng được canh tác để sử dụng bền vững ở các nước đang phát triển và các công nghệ được ứng dụng để tạo ra các cây trồng này rõ ràng nhận được ít sự quan tâm thương mại của khu vực kinh tế tư nhân. Trên thực tế các công nghệ này đã và đang được chuyển giao nhằm tăng năng suất mùa vụ.
Trong lĩnh vực CNSH nông nghiệp, sáng chế có thể bao gồm: các phương pháp chuyển gen ở thực vật, các vector, các gen... và ở các quốc gia cho phép cấp bằng sáng chế cho các dạng sống cao hơn như thực vật hay động vật biến đổi gen. Các sáng chế giữ vai trò quyết định nhất trong bảo hộ CNSH nông nghiệp và được đánh giá là công cụ mạnh nhất trong hệ thống IP. Các sáng chế tạm thời, nhìn chung được bảo hộ trong khoảng 20 năm và tùy thuộc vào mỗi quốc gia.
Nói chung, các cơ quan nghiên cứu khoa học của chính phủ cần xây dựng năng lực quản lý sở hữu trí tuệ mà họ nhận được hay tạo ra. Kiến thức về IPR sẽ giúp các nhà khoa học của các nước đang phát triển xác định được các thông tin về một công nghệ nhất định đã thuộc quyền sở hữu công cộng và họ có quyền sử dụng. Hơn nữa, IP do các khu vực kinh tế nhà nước tạo ra có thể được xem xét là tài sản được trao đổi với các công ty tư nhân hoặc được sử dụng làm hàng hóa trong các đàm phán chuyển giao công nghệ. Sự hợp tác giữa các khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân trong phát triển công nghệ nhờ chia xẻ bí quyết sản xuất và IP sẽ thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ và đem lại lợi ích cho cả hai bên.
 
Theo nhập môn công nghệ sinh học của
Nguyễn Hoàng Lộc

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio