Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
Hotline

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Nguyễn Khắc Viện tiêu biểu cho một thế hệ trí thức nước ta, sinh ra vào buổi Nho học hết thời, lớn lên thời kỳ phương Tây gọi là “giữa hai cuộc đại chiến”. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Một người quyết sống
Người đọc Nguyễn Khắc Viện khâm phục sự uyên bác của ông. Và tài hơn nữa, nhất là khi ông viết bằng Pháp ngữ, mà một thành công là bản dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp. Ai gặp ông cũng có ấn tượng về sự giản dị trong lối sống và tính duy lý trong suy nghĩ. Ai quen ông, không khỏi kinh ngạc trước nghị lực phi thường và năng suất quá lớn của một người sống và làm việc năm mươi năm với chỉ một phần tư bộ phổi.
Nghị lực giành giật cuộc sống của Nguyễn Khắc Viện, ông đã nhiều lần thuật lại khi bàn về thuật dưỡng sinh. Một thanh niên cao lớn, ham mê thể thao, trong tay ba bằng tú tài, hai bằng bác sĩ, đang làm việc nội trú ở bệnh viện Paris, vững bước trên con đường tiến tới ước mơ cao nhất là một thầy thuốc nổi tiếng chữa bệnh cho mọi người. Tóm lại, một cuộc đời đang phơi phới đột nhiên bị phạt ngang bởi căn bệnh nan y.
Điều trị 8 năm, rời bệnh viện này sang nhà an dưỡng khác, 7 lần lên bàn mổ, 8 xương sườn bị cắt bỏ, xẻo luôn toàn bộ phổi phải và một phần phổi trái. Sau lần giải phẫu cuối, các giáo sư hàng đầu của y học Pháp lắc đầu ái ngại khuyên bệnh nhân hãy... thanh thản nghỉ ngơi.
Nhưng con người ấy quyết sống. Sống và làm việc. Không chỉ chống chọi với cái chết đợi sẵn ở phòng chờ, mà còn dành thời gian điều trị để học chữ Nho, tạo cái vốn đủ bàn về Khổng giáo với văn hào Albert Camus; để học triết học Đông Tây kim cổ, theo dõi thời cuộc để có đủ sức bút chiến với các chính khách và trí thức tên tuổi Tây phương. Sống để làm việc. Sống để trả nợ nhà, nợ nước, nợ đời. Năm tám mươi tuổi, phát biểu nhân dịp nhận giải lớn Viện Hàn lâm Văn học Pháp trao tặng, Nguyễn Khắc Viện nói: “(Thế mà) tôi không hề được chuẩn bị cho nhiệm vụ ấy. Tôi học Y, đâu có học khoa học chính trị hay văn chương. Nhưng chẳng sao, người chiến sĩ phải làm được tất cả, một khi hoàn cảnh đòi hỏi”.
85 năm trang trải món nợ tinh thần
Nghị lực khác thường của ông hẳn được hun đúc bởi động cơ trả nợ. Nợ nhà lớn lắm. Thân sinh ông nổi tiếng hay chữ, mười chín tuổi đỗ Hoàng giáp (tức Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân) ra làm đốc học. Sau khi người Pháp bỏ trường thi chữ Hán, cụ từ ngành học quan chuyển sang ngạch chính quan, làm đến “một đại thần triều đình Huế” (NKV). Để con có thể sang Pháp du học, cụ bỏ ra đúng một nửa lương tháng của mình, còn lại nhà mười bốn người sống bằng nửa lương kia.
Trong hoàn cảnh xuất thân ấy, ba mươi tuổi Nguyễn Khắc Viện mới có “một ít nhận thức chính trị”. Nhờ sống giữa kiều bào, số đông là lao động nghèo thất học, hoà mình trong cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp, tiếp cận Đảng Cộng sản - người giúp trí thức Pháp “sáng mắt sáng lòng” (ý thơ Aragon), ông giác ngộ dần, từ người yêu nước trở thành người cách mạng. “Ngày trước lòng già cỗi từ tuổi hai mươi, vì trên đất nước không tìm ra chỗ đứng; may mắn là lúc ở nước ngoài lại tìm được đường trở về với dân tộc, đặt lại đời riêng của mình vào giữa dân tộc, mỗi một việc làm nhỏ mọn đều có ý nghĩa, vì được gắn bó với sự nghiệp chung”. Đó là nợ nước.
Nguyễn Khắc Viện không chỉ nợ dân tộc Việt Nam. Ông nói: “Đối với nhân dân Pháp, cả đời tôi mắc một món nợ tôi không thể nào lẩn tránh. Ông phấn đấu sống và làm việc đến những ngày tháng cuối cùng ở tuổi 85, trang trải những món nợ tinh thần ấy.
Lớn lên và bơi lội giữa hai nền văn hoá Đông Tây, bản chất thông tuệ, Nguyễn Khắc Viện tiếp thu tinh hoa cả hai nền văn minh trác việt. Ông kết hợp tinh thần bất khuất của dân tộc, tính khí khái của con người Việt Nam với đầu óc lý luận Tây phương, đặc biệt triết học duy lý, chất cartésien mà người Pháp vẫn tự hào.
Ông nói: “Tôi may mắn được học y khoa là môn khoa học thực nghiệm, lấy thực nghiệm làm cơ bản. Rồi từ phương pháp thực nghiệm chuyển sang phương pháp nghiên cứu xã hội của Mác... Hiện nay, dù có sự đổ vỡ ở châu Âu, tôi suy nghĩ theo cách suy nghĩ của Mác. Tôi cũng thấy học thuyết Mác còn có những mặt thiếu về mặt tu luyện con người”.
Ông tự nhận đã học đạo lý Nho giáo, học thuyết Mác, thuyết tự do, có mặt theo đạo Lão, có mặt theo đạo Phật. Ở tuổi tám mươi, ông nói: “Tất cả những gì tôi tiếp thu được, nay tôi không phủ nhận, phủ định vấn đề gì. Con người tôi tiếp nhận tất cả, xem đấy như là một cái vốn riêng”.
Có người băn khoăn hình như tư duy Nguyễn Khắc Viện không được nhất quán. Ông thấy rõ điều đó. Ai theo dõi sát những bài nói và đọc tác phẩm của ông, có thể cảm thấy điều đó. Là người duy lý nhưng có khi ông quá say sưa với cảm xúc trực quan. Không ít lần ông lạc quan quá sớm. Có khi lại quá bảo thủ. Có điều ông không chịu sửa lại ý kiến của mình đã phát biểu thời điểm trước, về sau không phù hợp nữa: “Con người ta chứ đâu phải Thánh”, ông nói vậy. Kẻ viết bài này vẫn suy nghĩ, tư duy, kiến giải của con người về các vấn đề xã hội ở tuổi bảy mươi, nhất là trong cuộc sống đang chuyển động với vận tốc lớn. Tư duy biểu đạt kiến thức của mỗi người và phản ánh thực tiễn người ấy trải nghiệm. Không có gì phi lịch sử hơn khi có người muốn chỉnh lý những tác phẩm của mình công bố vài chục năm trước cho ăn nhập với thời thế. Tư duy người trí thức vận động không ngừng suốt cuộc đời, đến khi nhắm mắt xuôi tay. Đó là cái “biến”. Cái bất biến là kiên trì quan điểm chính trị.
Nguyễn Khắc Viện tiếp thu nhiều thứ, kể cả những điều trái ngược nhau như học thuyết Mác và đạo Lão; dường như ông cố gắng dùng những cái khác nhau bổ túc cho nhau, với ý muốn chân thành tạo nên “cái vốn”, giúp mình dày thêm kiến thức, để làm điều có ích. Cái bất biến ở ông là lòng yêu nước. Việc nhà trí thức lớn con quan, sống một phần ba cuộc đời bên Tây, cuối cùng an nghỉ trong nghĩa trang Mai Dịch bên cạnh các bậc Cách mạng tiền bối, là sự ghi nhận của dân, của nước đối với tấm lòng son sắt của ông.
Tôi thấy bậc sĩ phu duy lý ấy nhiều khi cũng nặng về cảm tính. Thăm đồng bằng sông Cửu Long, ông nhìn Đồng Tháp Mười đẹp nhất là hoa súng chứ không phải hoa sen, và nói ra ý nghĩ của mình. Dường như mải say sưa, ông quên khuấy hai câu lục bát đã đi vào kho tàng ca dao Việt Nam: Tháp Mười đẹp nhất... Trong bối cảnh những năm 80, ý kiến ông không khỏi gợi nên phản ứng chính đáng của nhiều bạn đọc
Con người tự nhận là sĩ phu ấy không cố chấp như các bậc sĩ thời xưa, mà say sưa với cái mới, nhạy bén với cái mới, sẵn sàng tiếp nhận ý kiến khác với mình. Tôi mơ hồ cảm thấy, trong bối cảnh xã hội nào đó, phát biểu cái mới quá sớm so với thời điểm lịch sử tối ưu, ít khi được số đông chấp nhận, và vì vậy có thể mang lại sự phiền toái cho con người có suy nghĩ mới quá sớm. Nguyễn Khắc Viện là một trường hợp.
Tôi có dịp hỏi một nhà báo, vốn là bạn vong niên của Nguyễn, được ông quý và từng viết cả một cuốn sách về Nguyễn sau khi ông qua đời: “Theo anh, đâu là đặc điểm lớn nhất trong nhân cách Nguyễn Khắc Viện?”. Anh không trả lời thẳng, chỉ nói: “Tôi quan sát thấy, về cuối đời, ông già ấy hay nhìn về tương lai, hay nghĩ, hay nói về tương lai”. Có phải vì vậy mà ông già dành những năm tháng cuối đời cho sự nghiệp nghiên cứu và thực nghiệm tâm lý học và tâm bệnh học con trẻ
Tám mươi năm nhìn lại, Nguyễn Khắc Viện viết, con đường tôi đi có những bước rõ ràng: Tham gia giải phóng dân tộc, tham gia cuộc đấu tranh dân chủ hoá, tham gia vào khoa học con người, khoa học nhân văn. “Con đường đó, nếu cần đi lại, tôi vẫn đi như thế thôi, không có gì thay đổi”.
 
 
 
 
Nhà báo Phan Quang

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio