Chuyện Đại Gia Đình
Hotline

Chuyện Đại Gia Đình

Trong ba anh em tôi  (Lê Khánh Hoài , Lê Khánh Châu và Lê Khánh Như), thì Châu là người ít dính dáng tới văn chương nhất, vì từ nhỏ em đã say mê toán học và suốt ngày đêm “Ăn toán, ngủ toán và bạn bè cũng dân toán”. Thế mà rồi sau này, duyên phận thế nào, tôi thì trở nên con rể của Giám đốc Sở giao thông vận tải Hải Phòng, cô em gái Như có thời gian làm biên tập viên văn nghệ thiếu nhi Đài TNVN, thì làm dâu một nhà bác sỹ ngành y, còn riêng Châu là Tiến sỹ toán cơ  lại trở thành con rể của một nhà thơ…
 Nguyên là sau lớp 10 phổ thông, do học giỏi toán, Châu được tuyển vào học Đại học kỹ thuật quân sự, rồi sau đó được sang học tai MGU (Liên xô cũ). Ở đây Châu thân với một nữ sinh Việt nam học ngành sinh vật  và rồi hai người nẩy nở tình yêu. Ngày cô gái  về nước , Châu viết một lá thư cho ba mẹ cô gái” Thưa hai bác, cháu là Lê Khánh Châu. Cháu yêu con gái hai bác và con gái hai bác cũng yêu cháu. Hiện cháu đang vừa học, vừa làm thêm để tới đây có tiền mua vé máy bay về ra mắt hai bác và xin cưới con gái hai bác”.Thấy lá thư của nhà khoa học trẻ  chân thành và giản dị, nhà thơ liền duyệt ngay chàng rể tương lai và tạo điều kiện cho chàng rể  về Việt Nam cưới vợ…
*
 Cũng trong ba anh em, đứa con hợp với mẹ tôi nhất, được mẹ tôi thương yêu nhất, tâm sự sẻ chia nhiều nhất về cuộc đời, về nghệ thuật… và cũng là người  chăm sóc mẹ tôi nhiều nhất, ấy chính là Châu.
 Hồi nhỏ, cũng như tôi, Châu (và cả Như) đều ít được gần bố mẹ. Ngày ấy là con cán bộ (Nghệ sỹ ngày ấy cũng được coi là cán bộ), mà lại cán bộ làm văn hóa – nghệ thuât thì cầm chắc là phải xa bố mẹ suốt. Bởi bố tôi ở báo Nhân dân, thường xuyên đi công tác, rồi lại nhiều năm đi chiến trường Trị Thiên - Huế. Còn mẹ thì quanh năm suốt tháng đi biểu diễn, khi trong nước, khi ngoài nước, khi thì lăn lộn hàng tháng ngoài mặt trận lửa đạn…Tôi ở với ông bà, còn Châu, Như thì đi trại trẻ, đứa trại trẻ này và đứa trại trẻ kia. (Sau này ba anh em cùng được đưa về ở chung tại trại trẻ báo Nhân dân sơ tán ở Chương Mỹ- Hà Tây). Lâu lắm lắm mới được bố mẹ tới thăm một lần…
 Sau này lớn lên, Châu cũng như tôi nhập ngũ, rồi Châu học Đại học kỹ thuật quân sự, rồi sang Nga làm tiến sỹ, rồi lấy vợ là con gái đầu lòng của nhà thơ  và  ở chính bên nhà vợ, kể như đi ở rể…
 Nhưng dù vậy, trong tình yêu của mẹ, Châu bao giờ cũng là đứa con gần gũi nhất. Châu hiền lành, tình cảm, cứ có giây phút nào rảnh rỗi là chạy về bên mẹ ngồi tâm tình, không buồn vui gì không tâm sự, không miếng ngon nào là không chia sẻ với mẹ. Châu yêu mẹ lắm lắm, trong trái tim Châu tình yêu Mẹ luôn trang trọng, thiêng liêng…
Trước khi mẹ tôi quyết định vào Sài Gòn, Châu và Hoa rất muốn đón mẹ tôi sang sinh sống tại Đức (Châu là GSTS giảng dạy tại Đại học Bochum, đã đưa vợ con sang sinh sống ở đây). Ai cũng cho như thế là rất hợp lý, vì đời sống ở Đức cao, nhất là Châu lại là môt GSTS nên lương tiền khá, có thể chăm sóc rất tốt cho mẹ. Hơn nữa mẹ cũng muốn gần gũi Châu nhất. Và cũng có thể thêm một lý do nữa là Thi, con trai của Như – em gái tôi cũng đã sang du học ở Đức…
Nhưng khi nhớ con thì mẹ tôi bay sang thăm, có khi ở lại chơi hàng tháng, nhưng ở hẳn bên đó như ao ước của Châu thì không …
 Không đón được mẹ sang, Châu và Hoa thể hiện tình cảm của mình với mẹ bằng một sự chăm sóc hết lòng.Từ góp tiền mua nhà cho mẹ- một ngôi nhà rất đẹp trong khu sân bay Tân sơn nhất, từ hàng tháng đều đặn gửi tiền gửi quà về chăm sóc mẹ, dù mẹ ở HN hay SG, với số tiền còn nhiều hơn tiền lương hưu hàng tháng cho một người nghệ sỹ. Và khi vài ba tháng, lúc lâu nhất cũng là một năm, Châu lại bay về thăm mẹ, đưa mẹ đi chơi Nha Trang, Vũng Tàu, bất cứ vùng biển nào mẹ thích... Sự chăm sóc của Châu với mẹ, kể cả về vât chất và tinh thần, tôi ít thấy ở những người con trong cuộc sống thực dụng hôm nay. Nó là bài ca của lòng hiếu thảo. Nó cũng chính là niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ tôi, như có một báu vật quý hiếm của đời…
*
 Năm 2015, Châu và Hoa cùng về nước, và lần này thì chàng rể đã cùng vợ và cô em gái bay từ Hà nội vào Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng xuôi xe đò  tìm về làng Rô giữa rừng xanh…
“Ơi làng Rô nhỏ của tôi
Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng
Trăm năm ta nhớ ơn làng
Cánh tay che chở bước đường gian nguy”.
 Những câu thơ này không chỉ khắc ghi trong lòng bạn  đọc về một làng Rô anh dũng, mà còn để truyền lại cho con cháu , cho những thế hệ sau lòng hàm ơn về một làng Rô đã từng nuôi giấu, chở che cho cách mạng và cho nhà thơ trong một lần vượt ngục năm xưa. Và hôm nay các con ông  đã đi trong ánh sáng của những vần thơ người cha để lại, để tìm về làng, cái địa  danh mà cùng  với làng Hanh Cù Hậu Lộc quê  Mẹ Tơm, đã trở nên  thân thuộc với họ như chính quê hương …  
 Đi vào một sáng đầu hạ, vượt qua một trăm cây số đường núi rừng từ TP Đà Nẵng . Ngày xưa khi người cha thân yêu của họ vượt ngục qua đây, làng chỉ có 12 nóc nhà rách nát, thì đến nay, đã có 42 nóc nhà khang trang lợp ngói, với mấy trăm nhân khẩu. Lại có cả một trường học dành cho các cháu thiếu nhi. Nhớ mãi tâm sự của nhà thơ  với các con  trước lúc ra đi : “Mấy năm sau ngày giải phóng, ba mẹ  có dịp về thăm lại làng Rô. Thấy vẫn còn xác xơ lắm. Nên có đề nghị tỉnh Quảng Nam giúp đỡ cho việc xây dựng lại vài chục nóc nhà bằng gạch ngói, và bày vẽ cho dân làng sản xuất, bảo đảm đời sống ấm no, thanh thiếu niên biết chữ, và tiêu diệt bệnh sốt rét… Không biết làng Rô hôm nay đã đỡ cực khổ chưa? Đó là điều lòng ba còn trăn trở lắm …”
 Khi đến nhà Già làng Đễ năm xưa, thấy trên bàn thờ, bên cạnh hình già làng Đễ, là hình nhà thơ - Dân làng đã thờ nhà  thơ như thờ người thiêng liêng nhất- Những  người con của nhà thơ khi dâng hương   đã không kìm được những dòng nước mắt  
 Thời gian không nhiều, nhưng họ  vẫn  gắng đi thăm và tặng tiền, quà cho đủ mọi người,  từ nhà già làng Đễ đến nhà của Già làng hôm nay, từ nhà đồng chí chủ tịch xã cho tới những cụ ông cụ bà cao niên nhất... Quà tặng của họ cũng ở chừng mực, nhưng cái  tình của họ thì thực sự làm dân làng hết sức cảm động, bởi họ hiểu cái nghĩa tình này không chỉ là của một thế hệ, mà của nhiều thế hệ gia đình nhà thơ  luôn dành cho dân làng…
 Và  không dừng lại ở đây. Họ còn kêu gọi bè bạn, anh em,  các cơ quan đoàn thể cùng  có những hoat động từ thiện để góp phần hỗ trợ cho bà con làng Rô  .Một đoàn bác sỹ Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng bạn của Hoa đã lên khám bệnh và phát thuốc cho bà con , và những người bạn của Châu  đã góp thêm số tiền 20 triệu để mua thuốc cho đoàn bác sỹ  lên chữa bệnh cho bà con…
 Đón Châu về từ làng Rô, tôi thấy những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt em. Tôi hiểu đấy  là một trong những nghĩa cử ân tình “ cùng chung nhịp tim đập “ của em với Bố vợ của mình- Nhà thơ Tố Hữu.

Nhà Văn Châu La Việt - Lê Khánh Hoài

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio