Bào chế là tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình chế biến của các dược liệu thành các chế phẩm và dạng thuốc, sao cho các thành phẩm đó dễ bảo quản, kinh doanh, tiện sử dụng và phát huy tối đa phòng bệnh và chữa bệnh
HÀ THỦ Ô ĐỎ
Tên khoa học: Polygonum multiflorum Thumb
Họ Rau răm: Polygonaceae
1/ Bộ phận dùng
Rễ củ có đường kính trên 4 cm. Củ khô vỏ màu nâu sẫm, cứng đỏ chắc, nhiều bột, ít xơ và lõi, không mốc mọt là tốt.
2/ Thành phần hoá học
Chất đạm, tinh bột, tanin, chất béo, Lexithin...
3/ Tính vị, qui kinh
Vị đắng, ngọt, chát, tính ấm; vào 2 kinh can và thận.
4/ Tác dụng
Ích khí, trừ phong, mạnh gân cốt, bổ can thận.
Chủ trị: Di tinh, đới hạ, huyết hư, ỉa ra máu, suy nhược cơ thể, tóc bạc...
Liều dùng; 12 - 20 g/ 24 giờ.
Kiêng kỵ: Không dùng hành khi sử dụng.
5/ Mục đích của bào bào chế
Giảm tính táo, sáp (do tanin) nếu ngâm với nước vo gạo;
Tăng tác dụng nhuận tràng (ngâm);
Tăng tác dụng dẫn thuốc vào kinh thận (chế với Đậu đen).
Giải độc và bổ can thận, bổ huyết
6/ Kỹ thuật bào chế
Theo kinh nghiệm của Việt Nam.
6.1. Cách thứ nhất
Rửa sạch 1 kg Hà thủ ô, ngâm vào nước vo gạo một ngày đêm, rửa lại, rồi đổ nước đậu đen vào cho ngập (cứ 100 gam đậu đen nấu với 2 lít nước cho nhừ nát, gạn lọc lấy nước). Nấu cho đến khi gần cạn (nên đảo luôn cho thuốc được chín đều), củ trở nên mềm thì lấy ra lọc bỏ lõi, thái hoặc bào mỏng. Sau đó, đem phơi khô, nếu còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho đến hết. Cách này thường được áp dụng. Muốn làm kỹ nữa thì trước khi thái miếng làm cửu chưng, cửu sái. Khi đun nấu, đặt một cái vỏ ở đáy dụng cụ nấu để khỏi cháy khét.
6.2. Cách thứ hai
Chế biến theo phương pháp đồ.
+ Ngâm: Hà thủ ô trong nước vo gạo 4 ngày đêm, mỗi ngày thay nước một lần. Vớt ra, rửa sạch.
+ Đồ: Rải đậu đen và Hà thủ ô vào chõ. Cứ một lượt đậu đen lại một lượt Hà thủ ô. Đồ đến khi Đậu đen chín nhừ. Loại bỏ Đậu đen. Phơi Hà thủ ô đến khi khô. Làm như vậy nhiều lần (có thể 9 lần). Thái phiến hay bào phiến, phơi sấy đến khô kiệt để dùng hoặc tán bột.
Chế biến chưng với rượu
Hà thủ ô trộn với rượu theo tỷ lệ 100:25; chưng đến chín, phơi khô. Làm lặp lại 3 lần. Có thể chỉ ủ mềm mà không chưng. Thái phiến.
Một số phương pháp chế biến khác:
+ Hà thủ ô, đạu đen, Cháo cùng nấu trong 2 giờ. Phơi khô se. Hoặc ủ 12 giờ, đem đồ 2 giờ, phơi nắng xen kẽ phơi sương. Đồ 2 giờ. Phơi khô.
+ Hà thủ ô trộn nước nấu Đậu đen pha rượu tỷ lệ 10:1:2,5; ủ trong 4 giờ rồi chưng 24 giờ liền đến khi dịch ngấm hết vào Hà thủ ô. Thái phiến, phơi khô.
+ Hà thủ ô thái miêng to ngâm 4 ngày đêm. Nấu 20 phút; bỏ nước thêm Sinh khương, Đậu đen tỷ lệ 10:1:1; nấu 1 giờ. Bỏ Sinh khương, Đậu đen, phơi se khô, thái mỏng. Phơi khô.
+ Hà thủ ô để lên trên Đậu đen, Cam thảo tỷ lệ 10:2:2; nấu 12 giờ đến khi có màu hồng hơi đen. Thái phiến, phơi khô.
Tiêu chuẩn thành phẩm:
Phiến dày 1 - 2 mm, màu nâu đen, khô cứng, ít chát.
6.3. Rượu Hà thủ ô
Sau khi bào chế rồi, tán bột, bỏ vào trong túi vải. Ngâm rượu 40° trong vòng 10 ngày với tỷ lệ Thuốc/ Rượu = 1/4.
Lọc, pha thêm sirô đơn (1/2 Rượu Hà thủ ô kết hợ với 1 sirô đơn) càng tốt.
6.4. Hà thủ ô đỏ với nước sắc thục địa
Nấu thục địa, lấy Hà thủ ô gấp 5 lần lượng thục địa ban đầu rồi ngâm nước thục địa từ 3 - 6giờ. Chưng 3 - 5 giờ. đổ ra phơi khô se. Lại cho vào chưng 3 - 5 lần. Phơi khô.
7. Bảo quản
Để nơi khô, mát, nắng thì đem phơi do dễ mốc mọt.
8. Nhận xét:
- Hàm lượng Tanin giảm khoảng 1,5 - 2 lần và antraglycosid giảm khoảng 3 - 3,3 lần sau khi chế biến
- Hà thủ ô chế: Tác dụng nhuận tràng và tăng thể trọng rõ rệt cho người dùng
SINH ĐỊA VÀ THỤC ĐỊA
Sinh địa (Can địa hoàng) và Thục địa là vị thuốc thu hái đã được bào chế từ rễ củ của cây Địa hoàng.
Tên khoa học: Rhemannia glutinosa Libosch
Họ Hoa mõm chó: Scrophulariaceae
Thành phần hóa học: Mannit, rhemanin, đường khử, irdoid (Catalpol..., caroten.)....
1. SINH ĐỊA 生 地
1.1. Tính vị qui kinh:
- Sinh địa tươi: Vị đắng, tính hàn.
- Sinh địa đã chế biến: Vị ngọt đắng, tính lương. Vào 3 kinh Tâm, can, thận.
1.2. Tác dụng:
Bổ âm, thanh hoả, lương huyết, sinh tân dịch.
Chủ trị: Trị lao thương như ho lâu ngày, rối loạn thần kinh thực vật do lao (phế âm hư); trừ ứ huyết, đái ra huyết; bổ ngũ tạng, thông huyết mạch, tăng khí lực, sáng mắt.
Liều dùng: 12 - 24 - 64 gam/ 24 giờ.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người tỳ vị hư hàn và thấp nhiệt.
1.3. Cách bào chế: Có hai phương pháp
1.3.1. Phương pháp chế theo Dược điển Việt Nam. Đào, thu lấy rễ củ, rửa sạch, để ráo nước. Sấy từ từ (50 - 60 °C) đến khi củ mềm, cắt ngang thấy thịt củ có màu đen, dính, vị hơi ngtọ thì sấy nhanh đến khi khô kiệt.
1.3.2. Phương pháp chế biến theo kinh nghiệm.
Chế biến theo 3 giai đoạn.
1.3.2.1. Giai đoạn 1 (sấy)
Củ địa hoàng sau khi thu hoạch, rũ sạch đất (không được rửa cũng như không đào lúc trời mưa), phân loại to nhỏ, rải riêng từng loại, sấy nhẹ từng loại. Ngầy đầu sấy ở nhiệt độ 35 - 40°C, đến khi vỏ khô se. các ngày sau sấy ở nhiệt độ 50 - 60°C đến khi củ mềm dẻo, thịt củ có màu đen (5 - 7 ngày) thì lấy ra.
1.3.2.2. Giai đoạn 2 (ủ)
Rải Sinh địa đã chế ở trên ra sàn, ủ kín bằng bao tải đến khi có lớp mốc trắng mọc đều, thịt củ đen bóng, có chất dịch đen dính, củ dẻo thì lấy ra (củ mềm và nhũn như chuối chín).
1.3.2.3. Giai đoạn 3 (Sấy)
Củ sinh địa ở trên được cho sấy ngay ở nhiệt độ 50 - 60°C đến khi khô kiệt.
* Tiêu chuẩn thành phẩm
Khô kiệt, củ phải mềm dẻo, thịt củ có màu đen bóng và có chất dịch dính, vị ngọt hơi đắng, không mốc mọt.
Loại to từ 16 - 30 củ/ kg, loại nhỏ từ 40 - 60 củ/ kg.
Độ ẩm an toàn không quá 18%.
* Chú ý: Củ nhỏ quá thì để nấu lấy nước sắc đặc tẩm vào Thục địa.
1.4. Bảo quản
Lấy đất phù sa hay đất sét khô tán nhỏ mịn, rây qua rồi đổ vào cái nong. Cho Sinh địa vào chà lăn cho củ tròn đều, chú ý đừng để củ dài dễ gãy. Cho vào thùng đậy kín, để nơi khô ráo.
2. THỤC ĐỊA 孰 地
2.1. Tính vị qui kinh: Vị ngọt, tính hơi ôn vào 3 kinh tâm, can, thận
2.2. Tác dụng: Bổ âm, dưỡng huyết, sinh tân dịch, tráng thuỷ, thông thận.
Chủ trị: - Bổ thận chữa di tinh, đau lưng, mỏi gối, ngủ ít, đái dầm...
- Bổ huyết điều kinh
- Trừ hen suyễn do thận hư không nạp được phế khí
- Làm sáng mắt (chữa quáng gà, giảm thị lực do can thận hư)
- Sinh tân, chỉ khát (chữa đái nhạt - đái đường).
Nên phối hợp vị thuốc với các vị hoá khí như Trần bì, Sa nhân, Sinh khương...để giảm tác dụng gây trệ của Thục địa.
Liều dùng: 12 - 64gam/ 24 giờ.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn chớ dùng;
2.3. Bào chế
2.3.1.Mục đích
- Thay đổi tác dụng (công năng) của Sinh địa
- Tăng tính ấm, giảm tính hàn của vị thuốc bằng cách sử dụng sự tác động của nhiệt và một số phụ liệu: Rượu, Sa nhân, Sinh khương...
- Tạo ra vị thuốc mới, mùi thơm, vị rất ngọt và rất thuận tiện khi làm thuốc tễ.
- Chuyển vị thuốc từ âm dược sang dương trong âm dược.
2.3.2. Phương pháp chế biến ( kinh nghiệm của Việt Nam)
Lấy 10 kg Sinh địa, rửa sạch kỹ, ủ 2 ngày đêm.
- Tẩm: Ngâm 100 gam bột Sa nhân trong 5 lít rượu etylic từ 5 - 7 ngày. Tẩm dịch này thấm vào số Sinh địa trên trong hũ, thùng tráng men.
- Nấu: Cho Sinh địa cùng dịch rượu Sa nhân vào đun cách thuỷ 3 ngày đêm, vớt ra, phơi (ngày) xen kẽ tẩm (đêm) dịch thục trên thêm 1/2 rượu, đồ 3 giờ đem phơi. Làm như vậy đến khi hết dịch (cửu chưng cửu thái càng tốt).
- Phơi: Phơi đến khi sờ không thấy dính tay, củ mềm dẻo là được.
Thục địa phơi nắng vừa thơm, vừa dẻo và mềm. Thục địa sấy (50 - 60 °C) kém hơn do trong ruột ướt hơn, vỏ cứng hơn, ít thơm hơn Thục địa khô.
2.3.3. Phương pháp chế biến (kinh nghiệm của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam)
Sinh địa rửa sạch, xếp vào nồi nấu. Củ to xếp ở dưới, củ nhỏ xếp ở trên. Đổ nước ngập dược liệu 20 cm, đun sôi liên tục khoảng 3 ngày đêm đến khi củ Sinh địa ngót lại và có màu đen thì thôi (thêm nước và đảo đều). Ngày thứ tư, giã nhỏ gừng tươi với rượu 20% cho vào, trộn đều, ủ một đêm. Ngày hôm sau tiếp tục đun 4 ngày đêm tới khi củ Sinh địa có màu đen là được. Đem ra phơi hoặc sấy khô.
* Tiêu chuẩn thành phẩm
Thục địa mềm, dẻo, chắc, thơm. Màu đen bóng. Vị ngọt.
Độ ẩm an toàn không quá 10%.
* Bảo quản: Đựng trong thùng kín và để nơi khô ráo..
HƯƠNG PHỤ 香 附
Hương phụ là thân rễ đã được sơ chế của câu củ gấu.
Tên khoa học: Cyperus totundus Lin
Họ cói: Cyperaceae
1/ Bộ phận dùng:
Thân rễ (củ), thu hoạch vào lúc củ già; loại bỏ tạp chất và rễ, lá, lông nhỏ; phơi hoặc sây khô đên khi củ có màu nâu hồng là được.
2/ Thành phần hoá học
Tinh dầu, ancaloit, glycozit, flavonoit, đường, tinh bột, a cid béo, hợp chất phenolic...
3/ Tính vị qui kinh: Vị cay, hơi đắng, tính ấm; vào 3 kinh can, tâm, tỳ.
4/ Tác dụng: Hành khí, giải uất, điều kinh.
Chủ trị:
* Dùng sống: Thông khí trừ đờm
* Tẩm sao: Điều khí huyết, thông kinh bổ huyết hư, nhuận táo, hành kinh lạc.
- Chỉ thống do khí trệ như đau dạ dày, co thắt cơ, đau dây thần kinh ngoại biên, viêm đại tràng co thắt.
- Giải uất do lo nghĩ tức giận, can khí mất điều đạt gây ngực sườn đầy tức, đầy bụng và tình chí uất ức;
- Điều kinh giải uất: Do khí trệ trong huyết gây thất huyết..., thống kinh
- Kích thích tiêu hoá: Ăn không tiêu, bụng đầy tức buồn nôn.
- Tiêu ứ sữa, viêm tuyến vú và các loại mụn nhọt, các sưng đau khác.
- Tán hàn giải biểu trừ cảm mạo do hàn.
* Sao cháy: Chỉ huyết, bổ hư.
Liều dùng: 6 - 12g/24 giờ.
Kiêng kỵ: Người âm hư và huyết nhiệt chớ dùng.
5/ Bào chế
Mục đích: - Làm vị thuốc thơm ngon hơn, tăng tính ấm, giảm vị đắng, tăng tính dương cho vị thuốc
- Tăng tác dụng vốn có của vị thuốc; mở rộng chỉ định thuốc.
- Tạo ra số vị thuốc mới có thể dùng riêng rẽ hoặc dạng phối hợp.
5.1. Hương phụ mễ
Củ phơi thật khô, giã với trấu (hai phần củ kèm một phần trấu) bằng chày nhọn đầu cho trụi sạch lông vỏ. Chú ý giã cho khéo để khỏi vỡ nát.
5.2. Hương phụ thán:
Lấy hương phụ rửa lại cho sạch, phơi khô, sao cho cháy đen tồn tính, bắt chảo ra lấy vung úp lại cho nguội, có thể tán bột.
5.3. Hương phụ tứ chế
Hương phụ mễ 1kg được chia làm 4 phần bằng nhau;
Phần 1 tẩm với 200 ml Dấm (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam dùng 10 % so với dược liệu);
Phần 2 tẩm với 200 ml Đồng tiện (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam dùng lượng vừa đủ);
Phần 3 tẩm với 200 ml dung dịch Muối 15% ( Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam dùng dung dịch 5 - 20-% so với dược liệu) ;
Phần còn lại tẩm với 200 ml Rượu 40° (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam dùng 10% so với dược liệu).
Có thể thay nước Đồng tiện bằng nước Gừng để làm tứ chế. Tuy nhiên phần tẩm Dấm và Đồng tiện là quan trọng nhất không thể thiếu.
Mỗi phần sau khi tẩm để một đêm, sáng hôm sau giã dập, sao khô đến khi thấy mùi thơm là được. Riêng phần tẩm rượu thì sao khô giã dập trước mới tẩm rượu. để riêng từng phần cho vào lọ kín. Khi dùng tuỳ theo từng trường hợp mà cho lẫn vào nhau.
Một số phương pháp chế biến khác
+ Hương phụ trích Dấm, mật ong theo tỷ lệ 10:2:2
Hương phụ tẩm Dấm, ủ cho ngấm hết. sao khô hoặc hơi sém cạnh. Thêm Mật ong vào, trộn đều sao tới khô.
+Hương phụ trích Sinh khương, Muối ăn, Dấm, rượu tỷ lệ 1000:100:3:100:100;
Trộn hỗn dịch phụ liệu vào Hương phụ để ủ một đêm. Sao to lửa tới khô hoặc phơi khô hoặc chưng 2 giờ liền. để nguội. Phơi khô.
+ Hương phụ nấu Dấm, rượu, muối tỷ lệ 10:4:4:0,2
Nấu chung trong 10 giờ. ủ 12 giờ. Phơi khô và cho vào bao tải, đập sảy lông, sàng sẩy sạch.
*Bảo quản: Không nên bào chế nhiều, chỉ nên làm đủ dùng trong vòng 15 - 20 ngày. Đậy kín.
* Tiêu chuẩn chất lượng:
Vị thuốc nhuận, thơm, khô, không cứng.
* Chú ý: Người ta còn làm Hương phụ thất chế do tẩm thêm với dịch nước Cam thảo, nước Gừng, nước Vo gạo.
BÁN HẠ 半 夏
Tên khoa học: Pinelia ternata Breit
Họ Ráy: Araceae.
Việt Nam thưòng dùng củ Chóc chuột, củ Chóc ri
Thường chọn củ to hơn ngón tay cái (đường kính trên 15 mm), vỏ xanh hơi đen, thịt trắng có nhiều bột, không mốc mọt.
1. Thành phần hoá học
Tinh dầu, chất béo, chất dính, tinh bột, chất ngứa...
2. Tính vị qui kinh
Vị cay ngứa, tính hơi hàn (sống).
Sau khi đã bào chế : Tính ôn, ít cay, ít ngứa. Vào 2 kinh tỳ và vị.
3.Tác dụng:
Hạ khí nghịch, trấn thổ, tiêu đờm thấp.
Chủ trị: Dùng sống để trị rắn cắn (giã dập dắp vào chỗ bị thương)
Dùng chín, tẩm gừng: Trị ho có đờm, hạ khí nghịch, cầm nôn, tiêu phù, giảm đau.
Liều dùng: 6 - 12g/24 giờ.
Kiêng kỵ: Huyết âm hư, tân dịch kém, phụ nữ có thai không nên dùng.
4. Cách bào chế
4.1.Mục đích
- Thay đổi đường dùng của thuốc từ thuốc dùng ngoài sang có thể uống dược.
- Giảm tính cay ngứa; tính kích thích.
- Tăng tác dụng ôn hoá hàn đàm; tiêu đờm thấp; trấn thổ, hạ khí nghịch, chỉ ho, chống nôn, gây ngủ.
- Định hình vị thuốc không bị vụn nát và bảo quản thuốc được lâu hơn.
Ghi chú: Bán hạ bắc thiên về chữa phong đờm, củ Chóc chuột (Bán hạ nam) thiên về chữa đờm thấp.
Khác với các vị ôn phế, chỉ khái, trừ đàm Bán hạ là vị thuốc thiên về giáng vị khí nghịch
4.2. Phương pháp chế biến ( kinh nghiệm của Việt Nam)
Cách 1: Nấu 1 kg củ Chóc với 100 gam Cam thảo và 100 gam quả Bồ kết (đổ ngập nước) cho đến khi cạn hết nước, bẻ củ ra thấy ruột trong đều là được. Nếu còn thấy đốm trắng thì nấu lại bằng nước sôi. Đem phơi khô.
Phương pháp này, sản phẩm vẫn còn gây ngứa.
Cách 2: Rửa sạch củ rồi ngâm với nước từ 2 - 3 ngày, mỗi ngày thay nước một lần. Rửa lại cho sạch rồi đem ngâm vào nước Phèn chua và nước gừng trong 24 giờ theo tỉ lệ: 1 kg củ Chóc + 50 gam phèn chua + 300 gam gừng tươi giã nhỏ. Rửa sạch rồi đồ (không đậy kín để hơi bay ra ). Thái hay bào mỏng. Tẩm nước gừng một đêm theo tỉ lệ: 1 kg củ Chóc + (50 gam nước + 150 gam gừng tươi giã nhỏ vắt lấy nước để tẩm ). Sao vàng đậm là được.
Cách 3: Ngâm Bán hạ liên tục trong nước 3 tuần; hàng ngày thay nước 3 lần; sau đó đun Bán hạ với nước Phèn chua tỷ lệ 10 kg Bán hạ + 1,2 kg Phèn chua cho
đến lúc củ và ruột củ trong suốt. Phơi âm can rồi thái phiến.
Có thể thêm 0,25 kg gừng tươi cùng với Phèn chua; ủ mềm trước khi thái.
Cách 4: Cho Bán hạ trộn lẫn với nước cốt gừng và Phèn chua tỷ lệ 10:2:2; ủ 6 giờ; Bồi trong trấu nóng 12 giờ sẽ được sản phẩm bên ngoài màu đen; bên trong màu vàng hơi nâu và không còn vị ngứa. Tính ôn.
Cách 5: Ngâm Bán hạ sống từ 7 - 10 ngày kèm thay nước mỗi ngày 2 lần.Rửa sạch rồi ngâm với nước Phèn chua, Cam thảo, Gừng theo tỷ lệ: 100:12,5:2:1 liền 7 - 10 ngày. Vớt ra đun sôi với nước 8 giừo liền tới khi củ trong là được. Đẻ nguội, ủ từ 1 - 2 ngày. Đổ ra, thái phiến.
Ngoài ra còn có nhiều cách chế biến khác tương đối đơn giản, ví dụ:
Nói chung Bán hạ ngâm nước từ 7 - 10 ngày tuỳ theo mùa, mỗi ngày thay nước ba lần; sau đó đem chế biến.
- Ngâm trong nước Phèn chua, Gừng một tháng; Mang ra rửa sạch rồi nấu kỹ với nước Cam thảo; phơi khô; xông lưu huỳnh, đóng gói
- Nấu hoặc chưng, đồ trực tiếp với gừng đến khi ruột củ trong, hết tê. Phơi khô.
- Ngâm Bán hạ trong hỗn hợp nước sắc Cam thảo, gừng 3 ngày. Chưng, đồ đến khi ruột củ trong, hết tê. Phơi khô.
- Ngâm ngập Bán hạ trong hỗn hợp phụ liệu Cam thảo, Phèn chua, Gừng, Bồ kết theo tỷ lệ 100:2,5:10:5:2,5 trong 2 ngày. Vớt ra đem nấu đến khi ruột củ trong ra và hết tê lưỡi. ủ mềm đến lúc mặt củ có lớp Phèn chua tách ra. Rửa sạch Phèn. Phơi âm can và lại đem ủ đến khi hết phèn chua tách ra thì thái phiến. Phơi khô. Có thể thay Phèn chua bằng Vôi tôi và tỷ lệ các phụ liệu cao gấp 4 lần tỷ lệ nêu trên.
- Cách trên bỏ Phèn chua và ủ tới 3 ngày. Hoặc chỉ dùng nước Cam thảo, Bồ kết theo tỷ lệ 10:1:1 nấu Bán hạ tới đạt yêu cầu. Phơi khô.
- Có thể ngâm Bán hạ với nước Phèn chua trước, sau ngâm với nước Cam thảo đã hoà tan vôi tôi 5 ngày đến khi trong ruột củ vàng đều. Phơi âm can.
Có nhiều phương pháp được chế biến với các phụ liệu đặc biệt như Huyền minh phấn, Mang tiêu, Chi tử, Trúc lịch, Nghệ v.v..... thiết nghĩ tính phức tạp của các phương pháp này và thời chế biến quá dài có thể tới hàng vài tháng, cho nên không trình bày ở đây.
* Tiêu chuẩn thành phẩm
Bán hạ sau khi chế phải hết cay ngứa, không còn nhân trắng đục, khô, màu sắc tuỳ phưong pháp.
* Bảo quản: Thuốc dễ mốc mọt, sau chế biến tốt hơn.
PHỤ TỬ 附 子
Tên khoa học: Aconitum Fortunei Hemst
Họ: Mao lương Ranunculaceae
* Bộ phận dùng: Củ phụ (con - radix) của củ ô đầu nên có tên là Phụ tử
Là sản phẩm có tên Bạch phụ hoặc Hắc phụ (Radix aconiti praeparatus)
* Thành phần hoá học: Giống Ô dầu nhưng tỉ lệ Alcaloid toàn phần cao hơn. Do đó cách chế biến khác nhau nên mỗi sản phẩm tỷ lệ này cũng khác nhau. Trong alcaloid có aconitin, acid canxiphotphoaconitic...
* Tính vị: Vị cay, tính đại nhiệt, có độc (sống xếp bảng độc A, chế bảng B)
* Qui kinh: 12 đường kinh, điển hình vào 3 kinh Tâm, Thận, Tỳ
* Công năng - chủ trị:
- Hồi dương cứu nghịch chữa tâm thận dương hư, truỵ tim mạch ( Như dùng trong bài Tứ nghịch thang).
- Khứ hàn, giảm đau: Chữa phong, hàn, thấp, tý (phối hợp can khương, quế chi).
- Ôn thận hành thuỷ: Chữa viêm thận mãn tính, suy chức năng thận và dương khí không đầy đủ (Bát vị hoàn).
- Kiện tỳ vị: Dùng khi tỳ vị hư hàn
Liều dùng: 4 - 12g
Kiêng kỵ: Những người âm hư dương thịnh, phụ nữ có thai chớ dùng.
* Một số sản phẩm bào chế
Mục đích:
- Giảm tính đại nhiệt, mãnh liệt của vị thuốc
- Tập chung vị thuốc vào Tâm, thận, tỳ;
- Tạo ra vị thuốc có đường dùng mới, vị thuốc mới (Bạch phụ, Hắc phụ)
- Tăng các tác dụng vốn có của vị thuốc.
1- Chế diêm phụ
Công thức: Sinh phụ tử 10 kg
MgCL2 4 kg
NaCL 3 kg
Nước Vđ 6 lít
Trước hết đem ngâm sinh phụ tử với hồn hợp dịch trên khỏng 10 ngày. Sau đó cứ ngày vớt ra phơi đêm lại ngâm. Làm như vậy khoảng 5 - 6 lần, tới khi ngoài vỏ kết tinh một lớp muối trắng; đồng thời khi đó muối cũng đủ ngấm tới ruột củ.
Đem phơi khô ta được diêm phụ (tức Phụ tử muối). từ sản phẩm này người ta có thể chế thành Bạch phụ tử hoặc Hắc phụ, là những sản phẩm dùng để uống.
Nếu dùng diêm phụ thì trước khi dùng phải tẩm nước Gừng, Cam thảo sao.
2- Chế Bạch phụ
Đem diêm phụ (Hoặc dùng công thức chế diêm phụ như trên) rửa sạch lớp muối bám ở vỏ, luộc chín, bóc bỏ vỏ, đem thái phiến dày từ 1 - 3mm theo chiều dọc của củ. Sau đó, đem rửa bằng nước lã nhiều lần cho đến khi hết vị tê. Đồ 30 phút, rồi phơi khô.
3 - Chế Hắc phụ
Cũng tiến hành chế diêm phụ như trên; nhưng khi luộc thì không bóc vỏ; thái phiến dày từ 1 - 3 mm theo chiều dọc củ. Đem phiến ngâm vào hỗn dịch nói trên từ 3 - 4 ngày. Vớt ra, rửa sạc, phơi khô. Tiếp đó đem phiến này tẩm vào dầu hạt cải hoặc dịch nước đường phèn hoặc đường đỏ. ủ từ 30 phút - 1 giờ cho ngấm hết. Sau đó sao tới khi mặt phiến ngả màu nâu đen. Lại đem rửa hết vị tê, phơi hoặc sấy khô.
Trường hợp không có diêm phụ; muốn có sản phẩm Bạch phụ hoặc Hắc phụ thì đem sinh phụ tử ngâm vào hồn hợp dịch muối trên từ 3 - 5 ngày. Vớt ra rửa sạch, rồi tiến hành theo các cách nói trên.
Cũng có thể lấy diêm phụ rửa sạch muối, bỏ vỏ thái lát, ngâm nước 24 giờ, rửa sạch, phơi khô. Sau đó trích với nước đồng tiện hoặc nước Cam thảo hoặc nước gừng.
Chế biến theo Hải thượng Lãn Ông
Phụ tử gọt bỏ vỏ đen, cắt bỏ rễ, bổ củ làm tư; Nấu phụ tử với nước Phòng phong, Cam thảo, Đậu đen đến khi can nước, miếng Phụ tử chín kỹ, còn ít vị tê mang phơi đến khô kiệt.
Chế Diêm phụ với Đậu đên
Lấy 10 kg Diêm phụ và 3 kg Đậu đen đã rang thơm.
Đem diêm phụ ngâm nước một ngày; rửa sạch; Ngâm nước vo gạo 2 ngày; rửa sạch; bóc bỏ vỏ ngoài; thái phiến dọc củ dày 1 - 3 mm. Lại tiép tục ngâm nước tới khi trong. Đổ ra cho Đậu đen cùng với phụ tử phiến nấu 2 giờ đến khi mặt phiến ngả màu thẫm. Đổ ra phơi hoặc sấy khô.
Chế Phụ tử với Sinh khương, Cam thảo
Công thức:
Sinh phụ tử 10,0 kg
Sinh khương 1,0 kg
Cam thảo 0,5 kg
Kỹ thuật tiến hành
Ngâm sinh pgụ tử với nước Đồng tiện 12 giờ. Rửa sạch, tiếp đó ngâm 7 ngày với nước lã; Mỗi nagỳ thay nước ba lần. Đổ ra, cùng chưng với nước Sinh khương và Cam thảo tới chín và hết tê. Đỏ ra, ủ 1 ngày, thái phiến dầy 1 - 3 mm. Phơi hoặc sấy khô.
* Ngoài ra còn có một số phương pháp khác
Sau khi ngâm Phụ tử với nước hay phụ liệu khác vài ngày thì:
Nấu Phụ tử với Sinh khương, Cam thảo, Phèn chua
Nấu Phụ tử với Cam thảo, Tạo giác
Nấu Phụ tử với Đậu đen, Cam thảo
Nấu phụ tử với Cam thảo, Kim ngân hoa, Đậu đen v.v..
Tuy nhiên các phương pháp chế biến phải đảm bảo Phụ tử phải hết vị tê.
* Tiêu chuẩn thành phẩm
Bạch phụ và Hắc phụ hết vị tê, bạch phụ màu trắng ngà, Hắc phụ màu nâu đen.
* Bảo quản: Nơi khô ráo, tránh nơi có độ ẩm cao nhất là đối với diêm phụ.
MÃ TIỀN
Tên khoa học: Strychonos nux vomica L...
Họ: Mã tiền Loganiaceae
1. Bộ phận dùng
Dùng hạt bỏ mầm của nhiều cây thuộc chi Strychonos
2- Chế biến sơ bộ
Thu hái quả già, bổ ra lấy hạt, bỏ hạt lép, hạt non. Phơi nắng hoặc sấy nhẹ ở 50 - 60°C đến khi khô hoàn toàn. Độ ẩm không quá 12%.
3- Mục đích và phương pháp làm giảm độc để chuyển dạng sử dụng.
3.1. Giảm độc tính cho vị thuốc.
Tức là làm giảm lượng chất độc Buxin và Strichynin có trong vị thuốc hoặc phân huỷ nó thành chất có độc tính thấp hơn.
3.2. Phương pháp làm giảm độc:
3.3.1. Sử dụng sự tác động của nhiệt độ cao khoảng 200 - 250 ìC để phân huỷ thành phần độc Stricnin bằng phương pháp rán thuốc trong dầu hoặc sao cách cát. Bóc vỏ, bỏ mầm.
3.3.2. Sử dụng dầu thực vật là dung môi có độ phân cực thấp, có thể hoà tan alcaloid dạng bazơ. Rán dầu vừng đến khi sôi thấy hạt nào nổi lên thì vớt ra ngay để tránh bị cháy đen, mất tác dụng. Thái nhỏ, sấy khô.
3.3.3. Sử dụng phụ liệu có sự tác động làm giảm độc tính như: Cam thảo, Đậu đen, Đậu xanh....
Ví dụ: Ngâm hạt vào trong nước vo gạo một nagỳ đêm, vớt ra rửa sạch cho vào nồi nấu với Cam thảo trong 3 giờ theo tỷ lệ 10 hạt Mã tiền cho vào 400 ml nước và 20 g Cam thảo. Lấy dần ra bỏ vỏ bỏ mầm khi còn nóng.
Hoặc có thể lấy Mã tiền ngâm nước hoặc nước vo gạo hoặc nước đồng tiện một ngày đêm. Khi thấy mềm lấy ra bóc vỏ bỏ mầm, thái mỏng; Sấy khô tẩm dầu vừng một đêm, sao vàng đậm.
3.3.4. Loại bỏ cây mầm do phần mầm chứa lượng alcaloid cao áp dụng cho mọi cách chế giảm độc Mã tiền.
MẪU LỆ (VỎ HẦU)
Tên khoa học: Osirea sp...
Họ: Mẫu lệ Osireidae
1. Bộ phận dùng
Dùng vỏ con hầu
2- Mục đích
Làm bẻ gãy độ bền cơ học của vỏ giúp cho dễ tán và sử dụng, chiết xuất hoạt chất dễ dàng hơn.
3- Chế biến
Có 3 cách chế biến.
Cách 1: Cho Mẫu lệ vào nồi đất trát kín, nung cho đến khi chín đỏ hoàn toàn, tán thành bột.
Cách 2: Dựng gạch lên ba phía. Trải và phủ trấu kèm than củi rồi xếp Mẫu lệ; làm như vậy cho đến hết (để một lỗ ở giữa để thông hơi). Trên cùng có phủ một lớp than và trấu. Đốt từ dưới lên trên cho đến khi thuốc mềm, vụn; lấy ra tán bột.
Cách 3: Nếu số lượng Mẫu lệ ít thì mang nung trực tiếp trên than hồng, thấy đỏ là được, tán bột.
Không dung mùn cưa vì làm nó đen Mẫu lệ.
Ngoài ra còn có thể tẩm Giấm: cứ 1000 g Mẫu lệ đã nung đỏ vào 100 ml giấm rồi vớt ra ngay nhằm giảm bớt tính kiềm của thuốc và tạo ra các muối acetat tăng tính thu liễm của thuốc và chữa bệnh về can huyết