Nhưng, có thể nói không ít các vị quan, đặc biệt là các vị xuất thân khoa bảng, thấm thuần Nho giáo, đều cố gắng giữ đạo làm quan. Các vị tự biết mình không thể dấn thân để làm cách mạng thì đành giữ một chức quan để vinh hiển gia đình đã đành, nhưng cũng mong đem những sở đắc của mình giúp dân, giúp nước.
Về cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm thì nhiều sách báo đã nói về Cụ. Trang từ điển Wikipedia đã nói đủ về thân thế sự nghiệp của Cụ, nên chẳng cần nhắc lại tại. Chỉ đính chính lại một điểm là Cụ đỗ Hoàng Giáp năm 18 tuổi chứ không phải năm 21 tuổi như sách đã dẫn (Cụ sinh năm Kỷ Sửu 1889 đỗ Hoàng Giáp năm Đinh Mùi 1907).
Bàn thờ cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm, ảnh trên, bên phải là thân mẫu, bên trái là linh vị của thân phụ Cụ, ảnh dưới, chính giữa là Cụ Niêm, bên phải là Cụ Bà, thân mẫu của GS Nguyễn Khắc Phê; linh vị bên trái là Cụ Bà chánh thất, thân mẫu BS Nguyễn Khắc Viện …(Thân phụ và Bà chánh thất của Cụ mất khi chưa chụp ảnh)
Hôm 14 tháng 02 Nhâm Thìn tôi về Hương Sơn quê Cụ để dự lễ khai trương nhà tưởng niệm Cụ. Các con cháu Cụ như tiến sỹ thần học Nguyễn Khắc Dương, giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê… và đặc biệt là cháu đích tôn của Cụ, anh Nguyễn Chí Linh mà người ta quen gọi là Linh LIOA đã mua lại một phần mảnh đất nơi ngày xưa cụ sống và xây lên đấy một nhà ba tầng. Tầng dưới để trống, đặt bàn bóng bàn để chiều chiều thanh thiếu niên làng Gôi Mỹ có thể đến chơi rèn luyện thân thể. Tầng hai có một bàn lớn kiểu bàn đọc sách thư viện, ba tủ sách trong tủ bầy những sách của các con cháu Cụ viết và xuất bản; trong đó có cuốn Cụ Hoàng Hương Sơn Nguyễn Khắc Niêm do nhà văn Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm & biên soạn rất quý, xứng đáng có mặt trong mọi gia đình Việt Nam. Một cái tivi và một bộ dàn âm thanh cùng một số đĩa hát của các giọng ca nổi tiếng được nhiều người ưa thích. Như vậy, tầng dưới và tầng hai thực tế trở thành địa chỉ văn hóa thể thao mà con cháu Cụ dành phục vụ con em làng Gôi Mỹ và xã Sơn Hòa trong học tập và rèn luyện thân thể. Tầng trên cùng để bàn thờ Cụ Nguyễn Khắc Niêm.
Cạnh bàn thờ có bức thư pháp TỨ TÔN CHÂM chép lại bài thơ của cụ dâng vua Thành Thái năm 1907 khi Nhà vua yêu cầu mỗi vị tân khoa tiến sĩ hãy góp kế sách để phục hưng quốc gia, Ngoài ra, còn những bài thơ, bài vè khuyến học, khuyến cần, khuyến thiện. Đây có thể coi như một bảo tàng nhỏ về thân thế và những nét tinh thần chính yếu của cuộc đời cụ Hoàng Hương Sơn. Một người làng Gôi Mỹ được hợp đồng trông nom Nhà tưởng niệm, hàng ngày mở cửa cho các cháu vào chơi thể thao, đọc sách báo nghe nhạc và mở cửa tầng trên cùng phục vụ những tao nhân mặc khách từ xa đến chiêm bái Cụ Hoàng Giáp.
Bài thơ TỨ TÔN CHÂM
尊 族 大 歸
Tôn tộc đại quy
尊 祿 大 危
Tôn lộc đại nguy
尊 才 大 盛
Tôn tài đại thịnh
尊 佞 大 衰
Tôn nịnh đại suy.
(Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợp
Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.)
Ngày nay người ta lưu truyền lại gọi là “16 chữ vàng của Cụ Nguyễn Khắc Niêm”.
Trong lời phát biểu buổi khai trương nhà tưởng niệm giáo sư Nguyễn Khắc Phi nói: “Mục đích xây dựng nhà tưởng niệm là để con cháu họ hàng, làng xóm biết để noi theo gương hiếu học và tính nhân văn của Cụ Hoàng Giáp. Sau buổi khai trương hàng tuần mở cửa cho dân làng và các cháu thanh thiếu niên sinh hoạt văn hóa, vui chơi đánh bóng bàn ở tầng trệt, đọc sách, nghe nhạc xem ti vi ở tầng trên như một nhà văn hóa xã hay thôn. Đặc biệt nơi này do địa hình thấp, khi mùa lũ đến cả làng ngập sâu trong nước khi đó ít nhất cũng có được năm mươi người vào tránh lũ ở tầng trên”.
Thật là một ý nghĩ mang đầy tính nhân văn.
Điều đặc biệt để lại cho con cháu và họ hàng trong buổi tiếp xúc chiều 13 tháng 02 Nhâm thìn là cuộc nói chuyện của Tiến sỹ thần học Nguyễn Khắc Dương con trai Cụ Hoàng Giáp. Mặc dù đã 88 tuổi, với giọng nói đầy truyền cảm Cụ kể lại một câu chuyện xẩy ra khi Cụ Nguyễn Khắc Niêm làm Phủ Doãn Thừa Thiên.
Cụ Dương kể:
Một hôm Cụ Phủ Doãn đi vắng có một người mang một gói quà đến nói là biếu Cụ. Người phục vụ mới đến làm chưa biết tính cụ nên đã nhận và đặt lên bàn. Lúc về nhà thấy gói quà cụ hỏi: “Cái gì đấy ?”. Người phục vụ trả lời: “Có người tìm Cụ và gửi Cụ món quà nên con đã nhận và để đấy ạ!”. Cụ nổi nóng mắng người phục vụ:”Ai cho phép mày nhận quà biếu của người ta “ . Người phục vụ biết Cụ đang nóng nên chạy vội ra ngoài. Ông Dương vào phòng thấy Cụ hai tay tát vào mặt mình mồm lẩm bẩm: “nhục quá, nhục quá, xấu hổ quá,xấu hổ quá, nhục ơi là nhục” và gục xuống bàn khóc rưng rức. Ông Dương hỏi: “Thưa thầy có việc gì đấy ạ?”. Cụ ngẩng mặt lên nói trong tiếng khóc nghẹn ngào: “ Con ơi, làm quan mà để cho người dân nghĩ đến là họ có thể tặng quà cho mình là đã xấu lắm rồi, đằng này lại để họ mang đến và lại nhận nữa chứ con xem thế có nhục nhã, vô liêm sỷ không? Nhục ơi là nhục. Con đánh cho nó một trận cho nó nhớ. Ngày mai các con tìm chủ nhân gói quà và mang trả lại cho người ta, không cần biết là quà đó có gì”. Nói một mạch xong Cụ lại gục xuống bàn lẩm bẩm: “Nhục quá, xấu hổ quá”.
Cụ từ quan về nhà làm thầy giáo năm 1942.
Nghe đến đây mọi người ồ lên bàn tán, riêng tôi thấm thía nhất hai chữ “nghĩ đến” nói lên hết sự trong sạch, liêm khiết của ông Quan có học.
Nghe chuyện cũ, nhớ lại bài Ông Nguyễn Khắc Viện đã viết: “Nói về các vị quan triều Nguyễn thời thuộc Pháp, nhận thức của chúng ta, qua những nông nổi tả khuynh một thời, ngày càng chín chắn hơn, trúng hơn. Tất nhiên là có những “ông quan” bán mình cho quỷ dữ, vô luân đối với dân với nước, lấy sự tàn bạo để lên chức lên quyền. (Những kiểu quan này thì thời nào cũng có!). Nhưng, có thể nói không ít các vị quan, đặc biệt là các vị xuất thân khoa bảng, thấm thuần Nho giáo, đều cố gắng giữ đạo làm quan. Các vị tự biết mình không thể dấn thân để làm cách mạng thì đành giữ một chức quan để vinh hiển gia đình đã đành, nhưng cũng mong đem những sở đắc của mình giúp dân, giúp nước ”.
Ngẫm lại chuyện ngày nay.
* Nghĩ về “quan”có học thì ngày nay các quan mà bây giờ người ta gọi là cán bộ cũng có học đấy chứ, bằng cấp đầy mình nữa là khác. Bằng mọi cách họ kiếm được bằng cấp kể cả thuê thi hộ hoặc học hộ mà báo chí đã đăng. Khác nhau là ở tên gọi, một đằng là quan một đằng là cán bộ và chính là khác nhau cái “đạo làm quan”.
* Chuyện thứ hai là chuyện “Từ quan”. Ngày trước khi các cụ bị cấp trên xúc phạm, hoặc bị dân la rầy hay cảm thấy mình không còn cống hiến cho dân cho nước được nữa các cụ sẵn sàng từ quan về dạy học, đọc sách, ngâm thơ và làm thuốc đông y. Ngay nay khái niệm “từ quan” không còn mà thay bằng “từ chức”, khái niệm đó cũng cần thực hiện. Cán bộ ngày nay cần có “văn hóa từ chức” khi làm không đạt yêu cầu của nhân dân, của đất nước.
Buổi lễ khai trương nhà tưởng niệm cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm Thể hiện đầy đủ việc tiếp thu truyền thống văn hóa cha ông của con cháu dòng họ Nguyễn Khắc Hương Sơn Hà Tĩnh. Đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc cho người đến dự.
HẢI PHAN THANH