Nhà tưởng niệm được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 105 năm Nho sinh Nguyễn Khắc Niêm đậu Hoàng giáp (1907), 70 năm ông treo ấn từ quan (1942).
(Ha Tinh 24h) - Sáng ngày 06 tháng 3 năm 2012, một buổi sáng đẹp trời, nắng ấm hiếm hoi, tại xóm 6, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh quan khách, nhân dân địa phương và bà con thân tộc họ Nguyễn Khắc đã phấn khởi chứng kiến lễ khai trương long trọng Nhà tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Nhà tưởng niệm được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 105 năm Nho sinh Nguyễn Khắc Niêm đậu Hoàng giáp (1907), 70 năm ông treo ấn từ quan (1942) và lần giỗ thứ 445 năm đức thần tổ họ Nguyễn Khắc, tiến sĩ Nguyễn Khắc Văn.
Nhà tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm
Sau một thời gian dài nổ lực thi công, con cháu cụ Hiệp Niêm[1] đã hoàn thành công trình Nhà tưởng niệm và con đường bê-tông dài 300m chạy từ vị trí Cây Đa Bổ[2] ở ngã ba xóm 5 qua xóm 6. Theo con đường bê-tông, mà con cháu cụ Hiệp đã bỏ ra hàng tỷ đồng, gian nan thi công hàng mấy tháng trời trong điều kiện thời tiết mưa rét khắc nghiệt, tới đầu xóm 6, quan khách được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nguy nga, hiện đại, cổng lớn, tường cao.
Đó là Nhà tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, tọa lạc trên diện tích 600m2 , chiếm 1/3 khuôn viên dinh thự cũ của gia đình. Ngôi nhà có diện tích nền 120 m2 với cấu trúc hai tầng theo kiểu hình tháp. Tầng hầm cao 2m250, hoàn toàn để trống, có tính chất đa chức năng: vừa dùng làm nơi vui chơi giải trí, thể thao vừa dùng làm hội trường; tầng 1 có 4 phòng, trong đó phòng giữa chiếm nhiều diện tích nhất (60m2), dùng làm phòng thư viện và trưng bày các kỷ vật của gia đình để nhân dân địa phương tới đọc sách báo, trao đổi tri thức văn hóa, hồi ức chuyện làng chuyện xóm. Tầng 2 chỉ có một phòng rộng dùng làm phòng thờ các cụ tiên linh, cụ Hiệp Niêm và nhị vị phu nhân. Thiết đặt trong phòng này, ngoài bàn thờ, trên tường còn treo các bức ảnh chụp các trước tác quan trọng của cụ Hiệp Niêm cùng một số ảnh lăng mộ gia tộc.
Việc xây dựng nhà tưởng niệm cao tầng, theo gia đình cho biết, là còn để nhân dân trong xóm đến tránh lũ lụt như thời cụ Hiệp Niêm còn tại thế.
Về dự lễ khai trương, có mặt đông đủ con cháu, thân bằng quyến thuộc của gia đình, đông đảo nhân dân địa phương và các vị khách quý từ Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế; đại diện lãnh đạo địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đặc biệt, có sự hiện diện của các ông Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh; ông Đinh Xuân Việt, Phó Bí thư trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ông Hà Văn Thạch, UVTV, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Hà Tĩnh; ông Võ Hồng Hải, TUV, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh; các vị đại diện lãnh đạo huyện Hương Sơn, xã Sơn Hòa, xã Sơn Thịnh; sự tham dự của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh các Trường THPT Lê Hữu Trác II, THCS Nguyễn Khắc Viện; cùng với nhiều đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tin - truyền thông trung ương và địa phương tham gia tác nghiệp.
Khai mạc buổi lễ, GS Nguyễn Khắc Phi, con trai thứ tư cụ Hiệp Niêm, thay mặt gia đình trang trọng đọc diễn văn nói về chủ trương của gia đình và quá trình xây dựng công trình Nhà tưởng niệm; ý nghĩa, tác dụng của công trình đối với việc phát huy những giá trị văn hóa của gia đình Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Tại buổi lễ, cử tọa được chứng kiến nhiều cảnh tượng cảm động của con cháu nội ngoại, thân bằng quyến thuộc gia đình cụ Hiệp Niêm và quan khách. Đó là cảnh tượng nhà giáo Nguyễn Thế Quang, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về Nguyễn Du, đại diện cho gia đình cung bái hương hồn cụ Hoàng Niêm bức trướng chữ Hán “Tứ đại tán” rất ý nghĩa "Sự thân đại hiếu, xuất xử đại nhân, nhất quán đại đức, vạn thế đại sư"; cảnh tượng bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, con út cụ Hoàng giáp, vừa khóc vừa đọc bài thơ "Tâm sự ngày về" khiến người xem rơi lệ hoặc cảm thấy bùi ngùi thấm thía khi nghe nhà văn Văn Chinh đọc bài "Văn tế cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm". Cảm động nhất là lúc nhà giáo lão thành Đinh Nho Phi, thượng thọ 96 tuổi, ngâm bài thơ tán về chữ "trắng" để ca ngợi sự trong trắng, thanh liêm của cụ Hiệp Niêm.
Kết thúc buổi lễ, ông Phạm Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch huyện Hương Sơn, đã phát biểu cảm tưởng về thân thế, sự nghiệp, tài năng và đức độ của cụ Hiệp Niêm; ghi nhận sự cố gắng của gia đình, bà con thân tộc trong việc xây dựng công trình Nhà tưởng niệm; đồng thời, nêu cao ý nghĩa, tác dụng của công trình Nhà tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm.
[1] Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm được phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thượng thư trí sĩ. Nhân dân địa phương thường gọi là cụ Hiệp Niêm
[2]Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện – con trai đầu Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, nhà văn hóa nổi tiếng thế giới - đã viết về cây đa này trong bài "Cây đa quê hương" và bài viết đã được đưa vào học ở chương trình Tiểu học hàng chục năm nay.
Trà Sơn Phạm Quang Ái
Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh
18-Đại lộ Xô-Viết Nghệ Tĩnh-Thành phố Hà Tĩnh
( HaTinh24h.org.vn