Vị giáo sư chân đất
Hotline

Vị giáo sư chân đất

Sinh ông ra, bố ông chỉ ao ước một điều duy nhất là mong sau này ông làm được đến anh hàng xay, hàng xáo. Vậy mà chẳng ai ngờ, ông giờ là GS.TSKH, Ủy viên Hội đồng khoa học về Hóa - Sinh Châu Á - Thái Bình Dương, Đại Gia Đình DAIBIO ... Ông là GS.TSKH Đái Duy Ban
 
 
 
 
Quê nghèo nuôi chí lớn
 
 
 
Ông sinh năm 1937 ở thôn Đai, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, vào những năm tháng mà cả xã nghèo, cả làng nghèo và nhà ông cũng không thoát được ra khỏi cái quy luật chưa ăn bữa sáng đã lo bữa tối ấy. Bố mẹ ông là nông dân, mù chữ, cảnh đói ăn triền miên từ ngày này sang tháng khác trong nhà đã khiến họ phải đành đoạn gạt nước mắt mà đem một núm ruột của mình là anh trai ông "cho" làm con nuôi một người bà con khác để khỏi phải sợ con chết sớm.
 
 
 
Đến bây giờ, dù đã có rất nhiều học hàm, học vị danh giá từ các cơ quan nghiên cứu uy tín trên thế giới công nhận, nhưng GS.TSKH Đái Duy Ban vẫn chân chất nhận mình là giáo sư... chân đất. Ông bảo ông được sinh ra từ gốc rạ, tuổi thơ của ông lớn lên cùng bàn chân đất lấm lem dọc ngang khắp các cánh đồng làng. Mùi lúa, mùi bùn, mùi khoai còi cá cọc đã ủ ấm tuổi thơ ông trong suốt những năm tháng bé dại. Những năm tháng ấy, quê ông nghèo đến nỗi có nhiều người đã tha phương chọn nghề ăn xin để làm nghiệp mưu sinh. Đói nghèo không dập tắt được ước mơ ham học của cậu bé Đái Duy Ban. Trước ngày thi đại học, gia đình ông gặp phải một biến cố lớn. Người cha, trụ cột của gia đình đã ra đi sau một trận cảm đột ngột. Ông sững sờ trước cái chết của cha, tìm hiểu nguyên nhân cái chết của cha mình, ông chỉ được mọi người giải thích là cha ông bị cảm nhập tâm. Thương cha và không muốn có những cái chết "bất đắc kỳ tử" xảy ra với những người dân quê nghèo, ông quyết tâm vào Đại học Y Hà Nội. Năm 1969, ông được Trường Đại học Y Hà Nội cử sang nước bạn Ba Lan để làm nghiên cứu sinh bảo vệ Luận án tiến sĩ với đề tài về lãnh vực hóa sinh tế bào. Trong những năm tháng học tập và nghiên cứu ở đây, ông đã tìm ra enzim fosfataza kiềm trên niêm mạc ruột của động vật thực nghiệm. Từ đó mở ra cho ông hướng nghiên cứu một số enzim khác trong chu trình chuyển hóa gluxit để vẽ lại bức tranh chuyển hóa toàn diện khi thay đổi môi trường của con vật. Sau 3 năm, công trình của ông đã hoàn thành. Luận án của ông được Hội đồng khoa học gồm những giáo sư uy tín của bạn đánh giá xuất sắc, đồng ý để ông chuyển tiếp làm ngay Luận án TSKH. Đây là một trường hợp hiếm hoi gần như chưa có tiền lệ đối với các nghiên cứu sinh nước ngoài khi ấy bởi theo quy định của nước bạn, từ Doktor (tiến sĩ) chuyển tiếp lên làm Doktor Habill (tiến sĩ khoa học) thông thường phải làm trong vòng từ 10-15 năm... Tháng 8/1976, ông trở lại Ba Lan, cùng GS. Kaviac nghiên cứu về ung thư thực nghiệm - dòng tế bào lymphô ác tính trên chuột. Bắt đầu từ đây, ông đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực màng tế bào ung thư. Bốn năm trời miệt mài làm việc trong những phòng thí nghiệm, bạn thân thiết nhất của ông là những chiếc kính hiển vi điện tử và vô số hóa chất thí nghiệm. Ông đã công bố hàng chục bài báo với các kết quả nghiên cứu về màng tế bào ung thư bằng tiếng Anh trên các tạp chí khoa học chuyên ngành của Đức, Nhật, Ba Lan. Một dấu ấn đặc biệt là chính trong thời gian này, ông đã phát hiện ra phân tử Calmodulin chứa ion canxi đọng lại trên màng tế bào ung thư. Khi công bố phát hiện này, ngay lập tức ông nhận được rất nhiều lời mời làm việc kèm theo mức thu nhập "trong mơ" từ các Viện nghiên cứu khoa học của nhiều nước; bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới cũng gửi thư chúc mừng và đề nghị được ông chia sẻ những thông tin về nghiên cứu trên. Trước sự kiện này, giáo sư Phó viện trưởng Viện Nenxiki - Ba Lan đã đề nghị ông để cuốn luận văn dày hơn 200 trang viết bằng tiếng Anh của ông cho Viện lưu trữ, còn để bảo vệ Luận án TSKH, ông chỉ cần tóm tắt luận văn của mình thành một bài báo dài khoảng 5 trang, in trên một tờ báo chuyên ngành có uy tín là đủ.
 
 
 
Vượt qua những thử thách của số phận
 
 
 
Có một điều mà GS. Đái Duy Ban đến tận bây giờ vẫn không thể lý giải được, ấy là mỗi lần đứng trước một sự kiện quan trọng của cuộc đời, ông lại phải... lên bàn mổ. Ba cuộc đại phẫu - gắn với 3 sự kiện trong cuộc đời ông. Phải chăng đó là những thử thách của số phận? Ông bảo thử thách thế thì... ác nghiệt quá nhưng với ông, lòng ham mê khoa học đến tận cùng và một ý chí không khuất phục số phận đã giúp ông chiến thắng những thử thách tưởng như vô cùng nghiệt ngã ấy. Ông kể: đó là vào thời điểm ông chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước bạn, khi chỉ còn gần 3 tháng nữa là đến ngày "đơm hoa kết trái" thì một hôm ông thấy bụng mình bỏng rát, cứ ăn vào lại nôn ra, người ngày càng gầy rộc đi... Là một chuyên gia đang nghiên cứu sâu về ung thư, ông mơ hồ một dự cảm không lành đang đến với cuộc đời mình. Dừng nghiên cứu, bỏ công sức "trồng cây sắp đến ngày hái quả" để đi chữa bệnh hay tiếp tục? Câu hỏi ấy cứ xoáy mãi trong tâm trí ông... Ông dùng vải quấn quanh bụng, rồi treo lên cổ để ép những cơn đau vào trong rồi tiếp tục làm việc. Ngày 29/11/1980, ông đã bảo vệ thành công Luận án TSKH với 100% phiếu bầu đánh giá xuất sắc của Hội đồng khoa học. Sau buổi bảo vệ luận văn, ông đi luôn... vào bệnh viện. Vào ra đến hơn chục bệnh viện, cuối cùng ông nhận được từ Viện Marie Curie (viện điều trị ung thư lớn nhất Ba Lan) một phiếu chẩn đoán: Ung thư trực tràng, u phổi có nám mờ, đã di căn... Không quá choáng váng nhưng lòng trĩu buồn trước những kết quả vừa nhận được, ông lặng lẽ viết di chúc tạ lỗi với gia đình, vợ con trước khi lên bàn mổ. Dù nghị lực và ý chí đến vô cùng, nhưng ông thật thà tâm sự rằng thời điểm ấy có đôi lúc, hình ảnh một nấm mồ lẻ loi giữa mênh mang tuyết trắng đã xuất hiện trong tâm trí ông. Tỉnh lại sau ca đại phẫu, ông nhận được lời chúc mừng từ các đồng nghiệp, ông không bị ung thư, chỉ bị dính ruột do lao màng bụng và lao phổi do làm việc quá sức. Ông ứa nước mắt... Biết mình đã bình yên, ông lại bắt tay vào công việc và càng củng cố quyết tâm nghiên cứu sâu hơn về căn bệnh ung thư. Từ chối những lời mời đầy nhiệt thành kèm theo những điều kiện đầy đủ về vật chất, ông trở về Việt Nam với một suy nghĩ "đi học nước ngoài để tích luỹ kiến thức về phục vụ Tổ quốc". Ông quyết định bắt tay vào nghiên cứu phòng và chữa bệnh ung thư bằng các loại thảo dược có sẵn trong nước. Ông lý giải rằng nếu đi theo Tây y, chúng ta có nhiều thiệt thòi vì không theo kịp trình độ y học của các nước tiên tiến, nhưng bù lại chúng ta có một nền y học cổ truyền với những kinh nghiệm vô cùng quý báu được đúc kết từ cha ông nghìn đời, nguyên liệu lại sẵn có, phong phú và ít gây độc hại cho người sử dụng. Lại bắt đầu một con đường mới gian nan. Bạn bè ông rất nhiều người vì thương ông đã lên tiếng can ngăn, không ít người đã nói thẳng rằng chỉ cần bán những nghiên cứu về ung thư của ông trước đây khi còn ở nước bạn, ông đã thừa tiền để sống đến già. Chỉ tủm tỉm cười trước những lo toan ấy của bạn bè dành cho mình, ông lại cặm cụi lao vào con đường đã chọn. Để tạo được mô ung thư trên động vật để thử thuốc, ông và các đồng nghiệp của mình đã phải làm đi làm lại hàng nghìn lần trên những con chuột. Khối u ông tạo ra là một loại u dưới da Fibrosacoma, giải phẫu bệnh lý thấy có chứa tế bào nhân quái, nhân chia và được xác định đó là tế bào ung thư ác tính. Xác định được rồi, ông lại sưu tầm các tài liệu, tìm hiểu về các loại cây cỏ ở Việt Nam để tìm ra những cây có chứa các hoạt chất ức chế sự sinh sản của tế bào ung thư và tăng cường sức mạnh hệ thống tế bào miễn dịch của cơ thể. Sau 5 năm, ông đã xác định được 12 loại cây dược liệu chứa gần 30 hoạt chất có tính năng ức chế tế bào ung thư và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Chế phẩm này được đưa ra thị trường để nhân dân sử dụng rộng rãi. Vừa rồi ông lại tìm ra bài thuốc chữa trị khối u. Ông đem bài thuốc vừa tìm ra đó, điều trị cho lũ chuột ung thư (gây thực nghiệm) trước đây. Chuột triệt tiêu được khối u, khỏe mạnh, vị giáo sư già đã vui mừng đến độ làm cả thơ để... mừng chuột. Tuổi cao, sức yếu và vì lại vừa trải qua một lần đại phẫu nhưng GS.TSKH Đái Duy Ban chưa hề có ý định dừng lại trên con đường nghiên cứu khoa học. Hơn 17 chế phẩm thuốc phục vụ cho sức khỏe người dân chưa phải là cái đích cuối cùng để ông ngừng phấn đấu.
 
 
 
Theo SK&ĐS và Thông tin KHCN Quảng Trị
 http://dostquangtri.gov.vn/chuyenmuc/HCM/include/default.asp?option=1&ID=274&Chitiet=111

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio