Bát pháp
Hotline

Bát pháp

Sau khi thăm khám, chẩn đoán người thầy thuốc lựa chọn một trong tám phương pháp điều trị sau để chữa bệnh cho bệnh nhân. Tuỳ theo từng bệnh nhân cụ thể, có thể phối hợp các phương pháp cho phù hợp.
1. Phép hãn (làm ra mồ hôi)
Là làm cho ra mồ hôi để đưa tác nhân gây bệnh (tà khí) ra ngoài cơ thể.
1.1. Chỉ định: ngoại tà còn ở phần biểu. Ví dụ:
- Do phong thấp, dùng giải biểu trừ thấp như các bệnh: viêm khớp dạng thấp, đau thần kinh... Các vị thuốc thường dùng: Hy thiêm, Thổ phục linh, Ké đầu ngựa, Độc hoạt, Khương hoạt, Phòng phong...
- Cảm mạo phong nhiệt: cảm mạo có sốt, thời kỳ đầu các bệnh truyền nhiễm... Các vị thuốc thường dùng: Sắn dây, Bạc hà, lá Dâu. Khi chữa cần châm tả các huyệt: Phong môn, Hợp cốc, Đại truy, Khúc trì, Ngoại quan...
- Cảm mạo phong hàn: cảm lạnh, đau dây thần kinh do lạnh, liệt VII do lạnh, viêm mũi dị ứng do lạnh...Các vị thuốc thường dùng: Quế, Gừng, Bạch chỉ, Tế tân, Ma hoàng... Khi chữa cần cứu các huyệt: Liệt khuyết, Đại trùy.
1.2. Chống chỉ định:
- Ỉa chảy mất nước, nôn mửa nhiều, thiếu máu
- Bệnh đã vào phần lý
- Cần thận trọng đối với người già yếu, âm huyết hư, phụ nữ đang có thai, người mới ốm dậy, phụ nữ sau đẻ.
* Chú ý: mùa hè ra mồ hôi nhiều không nên phát hãn mạnh, sau khi ra mồ hôi không nên ra gió.
2. Phép thổ: (gây nôn)
Là gây nôn để loại trừ chất độc, thức ăn (nhưng phải biết chắc là chất độc còn đang ở trong dạ dày)
Thuốc dùng: cuống dưa đá, Thường sơn hoặc ngoáy họng gây nôn.
3. Phép hạ (sổ tẩy):
Làm sổ tẩy hoặc nhuận tràng để đưa bệnh tà ở Đại trường ra ngoài.
3.1. Chỉ định:
- Táo bón do các nguyên nhân: âm hư, khí hư, nhiệt tích ở Đại trường (bụng chướng đau, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch trầm thực)
3.2 Chống chỉ định:
- Bệnh còn ở biểu
- Người già yếu, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ.
4. Phép hoà (hoà hãn)
Chữa bệnh ở bán biểu, bán lý hoặc hoà giải các mối quan hệ giữa các tạng phủ như Can Tỳ bất hoà.
4.1. Chỉ định:
- Viêm loét dạ dầy tá tràng (thể Can khắc Tỳ)
- Suy nhược thần kinh do sang chấn tinh thần
- Thống kinh, rối loạn kinh nguyệt.
4.2. Chống chỉ định:
- Những trường hợp bệnh chứng đã rõ ở biểu hoặc ở lý.
5. Phép ôn (làm ấm cơ thể): chữa các chứng thực hàn, hoặc dương hư sinh hàn
- Chỉ định điều trị : trúng hàn, choáng truỵ mạch, Tỳ Vị hư hàn.
- Chống chỉ định: chứng thực nhiệt, âm hư sinh nội nhiệt, chân nhiệt giả hàn Huyệt thường dùng: cứu Quan nguyên, Khí hải, Mệnh môn
6. Phép thanh:
Dùng để chữa các chứng thực nhiệt, giáng hoả sinh tân dịch, trừ phiền khát.
6.1. Chỉ định:
- Thanh nhiệt tả hoả: chữa sốt cao
Các vị thuốc thường dùng: Thạch cao sống, Chi tử, lá Tre, rễ Sậy...
Châm tả các huyệt: Thập tuyên, Đại truy, Hợp cốc, Ngoại quan, Khúc trì
- Thanh nhiệt giải độc: chữa sốt do nhiễm trùng
Các vị thuốc thường dùng: Kim ngân hoa, Bồ công anh, Sài đất...
Châm tả các huyệt: ôn lưu, Khúc trì, Uỷ trung, Huyết hải.
- Thanh nhiệt trừ thấp: chữa nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục
Các vị thuốc thường dùng: Hoàng liên, Hoàng bá, Xuyên tâm liên.
Châm các huyệt: Huyền chung, Nội đình, Thái xung, Tam âm giao
- Thanh nhiệt lương huyết: chữa các chứng do huyết nhiệt sinh ra như mụn nhọt, cơ địa dị ứng, nhiễm khuẩn...
Các thuốc thường dùng: Sinh địa, Huyền sâm, Địa cất bì..
Châm huyệt: Khúc trì, Huyết hải
- Thanh nhiệt giải thử: chữa say nắng, say nóng
Thuốc dùng: Dưa hấu, lá Sen...
6.2. Chống chỉ định:
- Chứng hàn, chân hoả suy, nhiệt do âm hư. chứng chân hàn giả nhiệt.
7. Phép tiêu:
Làm thông ứ trệ, tan các khối kết tụ và kích thích tiêu hoá
7.1. Chỉ định điều trị:
- Nhóm thuốc hành khí: chữa các chứng đau do co thắt, đầy chuông bụng.
Thuốc dùng: Hương phụ, Sa nhân, Trần bì, Mộc hương
Huyệt dùng: Thiên khu, Trung quản, Túc tam lý.
- Nhóm thuốc hoạt huyết: chữa các chứng đau, các trường hợp huyết ứ, thường dùng phối hợp với thuốc hành khí.
Thuốc thường dùng: Huyết giác, Đan sâm, Xuyên khung, Ngưu tất, ích mẫu...
Châm huyệt: Cách du, Huyết hải, Á thị huyệt.
- Nhóm thuốc tiêu đờm giảm ho: Thuốc thường dùng: Trần bì, Cát cánh, Hạnh nhân Huyệt: Phế du, Xích trạch..
- Nhóm thuốc kích thích tiêu hoá: Thuốc dùng: Sơn tra, Mạch nha, Thần khúc Huyệt dùng: Vị du, Tỳ du, Túc tam lý.
- Nhóm thuốc lợi tiểu tiêu phù: Thuốc dùng : Sa tiền tử, Mộc thông, Tỳ giải.
Huyệt : Thuỷ phân, Xích trạch, Hợp cốc.
7.2. Chống chỉ định:
- Người đang mang thai
- Thận trọng đối với những người suy kiệt
8. Phép bổ
Làm tăng cường chức năng tạng phủ để nâng cao chính khí, gồm có 4 loại sau:
8.1. Bổ âm
- Chữa chứng âm hư: người gầy yếu, họng khô, tai ù, thị lực giảm, hồi hộp sợ hãi, ra mồ hôi trộm, gặp trong các bệnh suy nhược thần kinh thể ức chế giảm, tăng huyết áp đau nhức trong xương, lao.
- Thuốc dùng: Mạch môn, Thiên môn, Sa sâm, Khởi tử, Thạch hộc, Bạch thược
8.2. Bổ dương
- Chữa chứng dương hư, gặp trong các bệnh suy nhược thần kinh thể hưng phấn giảm, hội chứng lão suy.
- Thuốc thường dùng: Đỗ trọng, Thỏ ty tử, Ba kích, Nhục thung dung, Cẩu tích, Phá cố chỉ, kim anh tử...
- Sử dụng phương pháp cứu các huyệt: Quan nguyên, Khí hải, Mệnh môn, Đại truy.
8.3. Bổ khí
- Chữa chứng khí hư, gặp trong suy nhược cơ thể, viêm đại tràng mãn, sa nội tạng...
- Thuốc thường dùng: Đảng sâm, Bạch truất, Hoàng kỳ, Hoài sơn, Đại táo, Cam thảo...
- Huyệt thường dùng : Túc tam lý, Tỳ du, Vị du.
8.4. Bổ huyết
- Chữa các chứng huyết hư (thiếu máu), da xanh, miền mạc nhợt, móng chân, móng tay khô, hoa mắt, chóng mặt, ù tái, teo cơ, cứng khớp... thời kỳ hồi phục của các bệnh nhiễm khuẩn.
- Thuốc thường dùng: Hà thủ ô, Thục địa, Đương quy, Bạch thược, Long nhãn, Huyệt thường dùng: cứu Cao hoang, Cách du, Tỳ du.
* Chú ý:      - Không dùng thuốc bổ đơn thuần đối với các chứng thực
                  - Không dùng thuốc bổ âm cho các trường hợp dương hư và ngược lại.
 
" Theo mục sức khỏe cộng đồng "

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio