Kỹ thuật bào chế thuốc hoàn
Hotline

Kỹ thuật bào chế thuốc hoàn

Thuốc hoàn phần lớn là các thuốc bổ dưỡng cơ thể, hoặc các thuốc cần dùng liên tục lâu dài để chữa các bệnh mạn tính.
 
1. Định nghĩa
Viên hoàn là dạng thuổc rắn, hình cầu, có khối lượng thường nặng từ 0,05 g - 0,5 g, có khi tới 2 g hay hơn nữa.
Ví dụ: Tô mộc hoàn, Ích mẫu hoàn, Lục vị hoàn, Bổ tỳ ích khí hoàn, Bổ huyết điều kinh hoàn.......
2. Thành phần
2.1. Dược chất
Có thể là hoá chất, bột dược liệu, cao thực vật, cao động vật.
2.2. Tá dược
Tá dược là những chất cần thiết để tạo thành viên thuốc. Tá dược thường là những chất trơ (vô hại) hoặc những chất góp phần làm tăng thêm hiệu lực của thuốc (tác dụng hiệp đồng hoặc phân rã thuốc hợp lý làm tăng khả năng hấp thu thuốc).
Tuỳ theo chất thuốc mà lựa chọn một hay nhiều tá dược cho thích hợp.
+ Nếu là dược chất khô rắn, tá dược dùng là chất lỏng như: Mật ong, xirô đơn, dung dịch hồ nếp 5% - 20%.
+ Nếu dược chất dạng mềm hay lỏng thì tá dược dùng phải khô như: Bột Cam thảo, bột Gôm, bột Gạo, bột Sắn...
Tá dược thích hợp sẽ làm cho viên mịn, không khô nứt, không chảy nước, dễ tan và dễ tiêu (thuốc được hấp thu cao) trong đường tiêu hoá.
Ngoài ra còn tá dược áo thuốc như: Bột tan, Bách thảo sương; bột Chu sa, áo tá dược lỏng, giấy bạc, giấy thiếc... nhằm làm cho viên bảo quản tốt hơn, che dấu mùi vị, tăng cường tác dụng điều trị và làm cho viên đẹp, hấp dẫn...
 
3. Cách điều chế
3.1.Bước 1
Chuẩn bị nguyên liệu: Các dược liệu đã được chia nhỏ và chế biến sao tẩm đúng yêu cầu của từng vị, sấy khô, tán thành bột riêng (nếu là thuốc độc) hoặc tán chung thành bột để có độ mịn như nhau (tạo thành bột kép).
3.2. Bước 2:      
Làm thành viên. (có hai cách)
Cách 1:  Làm viên bằng bàn cắt viên:
a/ Dụng cụ bao gồm:Cối chày sứ; bàn cắt viên, bàn xoa viên và khay men để sấy.
b/ Làm khối viên dẻo:
Cho dần tá dược lỏng vào khối bột kép nghiền kỹ trong cối, đánh thành một khối đều mịn, dẻo, sờ không dính tay và không dính chày, cối là được.
c / Chia viên:
Căn cứ vào số lượng viên phải làm, chia khối chất dẻo thành từng phần nhỏ, đem nắn thành đũa (giun) trên khay rồi dùng bàn cắt, cắt thành viên, vừa cắt vừa viên tròn. Chú ý, có thể cho một ít bột Hoạt thạch hoặc bột Cam thảo để khỏi dính khay.
d/ Sửa viên: Dùng bàn xoa viên xoa cho thật tròn và đều.
E / Sấy viên:
Cách 2: Làm viên bằng máy bao viên ( chạy điện quay tay) hay thúng lắc.
a / Tiến hành làm viên.    
* Giai đoạn 1: Gây con giống hay nhân viên.
Giai đoạn này chủ yếu tạo các hạt cốm nhỏ lặn tròn trong máy hoặc thúng lắc (tưới nước gây độ ẩm làm con giống phải thật vừa phải).
Chỉ chọn loại hạt Cải tròn đều đặn vừa cỡ để làm con giống (viên nhân) lắc thành viên tới cỡ vừa yêu cầu sử dụng.
Cũng có thể dùng hạt đường kính hay những hạt bột thuốc loại to để làm thay con giống.
* Giai đoạn 2: Làm viên to (bao viên ).
Tiếp tục lắc con giống, vừa lắc vừa cho thêm bột và nước. Phải lựa chọn và lấy cỡ viên cho đều. Nếu chưa đều thì loại vừa đạt yêu cầu ngừng lại lựa chọn để riêng, loại nhỏ hơn nên phân loại to - nhỏ để lắc (bao) cho đến khi đạt yêu cầ       (tròn, đẹp, đồng đều ).
* Giai đoạn 3:       Sàng lựa
Lựa chọn những viên to đều để ra ngoài từ 1 - 2 giờ, sau cùng bao (lắc lại từ 10 - 15 phút) cho viên tròn và nhẵn hơn.
b / Sấy viên
Thuốc làm xong rải mỏng ra khay rồi cho vào tủ sấy. Lúc đầu sấy ở nhiệt độ 50 - 60°C từ 2 - 3 giờ, sau đó tăng dần tới nhiệt độ 70 - 80°C để tránh vỏ cứng nhanh mà trong ruột vẫn mềm dễ gây hỏng thuốc.
Khi sấy phải đảo luôn để thuốc khô đều và đồng màu.
c / Bao áo viên.
* Mục đích: Mục đích của bao viên là làm cho viên thuốc không dính vào nhau, không bị hút ẩm, giữ được hương vị của thuốc, chống mốc hoặc che lấp mùi vị khó chịu của thuốc.
* Cách làm: Bao viên bằng cách quét một lớp xirô vào đáy thúng ( hoặc thùng bao) để lắc cho viên thuốc được ướt đều. Sau đó, cho bột cần bao vào và lắc. Làm nhiều lần cho đến khi bột cần bao tạo thành một lớp bám đều vào viên thuốc.
Bao xong, đem sấy ở nhiệt độ 40 - 50°C.
* Các chất thường dùng để bao viên là:
Bột Hoài sơn, bột Hoạt thạch, bột Cam thảo, bột đường, xirô, bột Chu sa, cao đặc Thục địa .
4. Bảo quản
Thuốc viên hoàn đã sấy xong phải để thật nguội mới đóng vào chai lọ hoặc túi Polyetylen đã tiệt khuẩn và làm thật khô.
Thuốc phải để nơi khô ráo, mát, tránh ánh sáng và ánh nắng.
5. Tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Mùi vị: Thơm mùi dược liệu.
- Mặt viên: Nhẵn bóng, đồng đều.
- Độ tan rã: Từ 10 - 20 phút phải tan rã hoàn toàn trong nước nóng ở 37°C.
- Sai số khối lượng: không quá + 10% so với khối lượng một viên trung bình.
KỸ THUẬT BÀO CHẾ THUỐC TỄ (HOÀN MỀM)
1. Định nghĩa:
Thuốc tễ là dạng thuốc dẻo, hình cầu, đường kính từ 1 - 2 cm, gồm có Mật ong và thuốc. Tỷ lệ mật ong và thuốc là: 1 : 1 hoặc 1 : 1,2 - 1,5.
Thuốc tễ phần lớn là các thuốc bổ dưỡng cơ thể, hoặc các thuốc cần dùng liên tục lâu dài để chữa các bệnh mạn tính.
Ví dụ: Tễ bổ thận âm, tễ bổ thận dương, tễ bổ khí huyết, tễ bổ thận tráng dương, tễ bổ tâm, tễ thuỷ lục nhị tiên...
2- Thành phần.          
Thuốc tễ gồm hai thành phần.
2.1. Dược chất:
Gồm các dược liệu là thảo mộc hay động vật, rất ít dùng dược chất là khoáng vật.
Dược liệu dùng để chế thuốc tễ phải được chế biến sao tẩm theo đúng yêu cầu của từng vị thuốc và phải tán thành bột mịn.
2.2. Tá dược:     Chỉ độc dùng Mật ong cô đặc thành châu thay tá dược.
3. Cách điều chế.
3.1. Nguyên tắc.
     Dược chất đã tán mịn, trộn đều theo phương pháp bột kép, đổ vào cối. Rưới Mật ong đã cô thành châu còn nóng vào bột vừa đủ, giã luyện cho tới khi nhuyễn, dẻo, mịn, đem chia viên.
3.2. Kỹ thuật điều chế.
Điều chế Thuốc tễ theo thứ tự sau đây:
3.2.1. Cô luyện mật thành châu.
Cho vào Mật ong số lượng nước cất bằng 5% lượng Mật ong. Đun sôi, vớt bọt nổi ở trên cùng, tiếp tục đun nhỏ lửa cho tới khi mật nổi bọt phồng to, với bỏ bọt đi. Tiếp tục đun nhỏ lửa cho tới khi nhỏ một giọt vào bát nước lạnh thấy chìm xuống đáy bát mà không hoà tan vào nước ngay hoặc do tỷ trọng phải đạt tỷ trọng d = 1,4 (Mật ong có d = 1,32).
- Mật luyện ở 114°C gọi là mật non.
- Mật luyện ở 117°C gọi là mật luyện (thành châu ).
- Mật luyện ở 120 - 122°C gọi là mật già.
3.2.2. Cách sử dụng từng loại mật.
- Mật già dùng cho loại thuốc khô như: Khoáng vật, thực vật nhiều xơ.
- Mật luyện dùng cho loại thuốc thường không dính, không khô.
- Mật non dùng cho loại có độ dính lớn.
Tuy nhiên, mật luyện được sử dụng nhiều hơn cả, bởi vì thuốc không phải là một vị mà là nhiều vị kết hợp với nhau có cả loại khô, loại thuốc dính....
3.2.3. Luyện thuốc.
Cho hỗn hợp bột kép dược chất vào cối, tưới mật đang nóng vào trộn đều        (không dùng mật quá nóng cho dược liệu chứa tinh dầu), nghiền kỹ cho nhuyễn.
Khi trộn đủ mật, giã mạnh liên tục cho tới khi thành một khối thuốc dẻo quánh    (giã càng kỹ càng tốt), nhấc chày lên thuốc bám thành cả một tảng vào chày không còn thuốc dính cối là được.
3.2.4. Chia viên:
Tuỳ theo cỡ viên mà làm đũa ( giun ) to hay nhỏ và dùng bàn chia viên để chia viên cho thích hợp.
3.2.5. Sấy viên:
Chia viên xong, dàn viên ra khay, mẹt, sàng..., đem phơi nắng nhẹ (phải che
đậy để tránh bụi, ruồi, nhặng...) hoặc đem sấy ở nhiệt độ 40 - 45°C cho đến khi phía bên ngoài viên khô, nhưng viên thuốc vẫn mềm dẻo.
3.2.6. Đóng gói bảo quản.
Viên tễ được đóng gói từng viên một trong giấy bóng kính, hoặc quả sáp ong hoặc quả nhựa hình cầu. Để thuốc nơi khô, mát, tránh ánh sáng.
4. Tiêu chuẩn kỹ thuật
Thuốc tễ phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật sau:
- Mùi vị: Thơm dược liệu
- Nhìn mặt viên tễ: Nhẵn bóng đồng đều.
- Độ cứng: Không được cứng, rắn, phải mềm dẻo.
- Sai số khối lượng: Không quá + 10% so với khối lượng một viên trung bình.
5. Giới thiệu công thức viên.
5.1. Tễ bổ thận âm.
5.1.1. Công thức:
         Thục địa                                                          500 g
         Hoài sơn                                                           300 g
         Toan táo nhục hay Tang thầm                           200 g
         Khiếm thực                                                       400 g
       Tỳ giải                                                               200 g
         Thạch hộc                                                         300 g
Mật ong vừa đủ làm thành tễ.
5.1.2. Cách làm.
Thục địa thái mỏng, chưng cách thuỷ cho mềm nhuyễn. Các thứ khác sấy khô sao vàng tán thành bột mịn trộn chung với Thục địa. Cho vào cối, thêm mật ong đã bào chế thành châu, giã, luyện kỹ cho thành khối dẻo quánh không dính chày cối.
Làm mỗi viên nặng 12 gam bọc giấy bóng kính hoặc quả nhựa ở ngoài. Đóng hộp 6 hay 10 viên, dán nhãn.
5.1.3. Công dụng: Như Lục vị hoàn như Bổ thận, mát da thịt, bụng nóng ruột cồn cào, váng đầu, khát nước khô cổ, tiểu tiện vàng, đại tiên táo, tinh thần mỏi mệt. Dùng cho những người tạng nhiệt.
5.1.4. Cách dùng: Ngày uống 2 lần với nước sôi để nguội hay nước muối nhạt.
Người lớn mỗi lần 1 viên, trẻ em 3 - 6 tuổi mỗi lần 1/4 viên, trẻ em 6 - 10 tuổi mỗi lần 1/2 viên.
5.1.5. Kiêng kỵ:Người hư hoả, ăn ít, khó tiêu, ỉa lỏng không nên dùng.
5.1.6. Bảo quản. Để nơi khô kín mát.
5.2. Tễ thuỷ lục nhị tiên.
5.2.1. Công thức:
     Kim anh tử ( bỏ hột, lông)                                 500 g
     Khiếm thực                                                       500 g
     Mật ong vừa đủ làm thành tễ.
5.2.2. Cách làm:
Kim anh và Khiếm thực sấy khô ở nhiệt độ (40 - 50°C). Tán nhỏ. Cô Mật ong thành châu. Làm thành tễ như trên.
5.2.3. Công dụng: Chữa thần kinh suy nhược, lưng đau, gối mỏi, di tinh, mộng tinh, phụ nữ bạch đới.
5.2.4. Các dùng:Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1 viên với nước đun sôi để nguội.
5.2.5. Kiêng kỵ: Không nên ăn các chất cay nóng.
 
                                                                                     DS. Nguyễn Thị Hải
                                                                                     TS. Nguyễn Văn Quân

X

Tin Nóng

yout twitter fb-thich-daibio